Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại từ nay đến năm 2025

Thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về chấm dứt thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi toàn quốc, chế định Thừa phát lại được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp từ năm 2018 theo Quyết định số 1358/QĐ-BTP ngày 29 tháng 8 năm 2017 của Bộ Tư pháp về phê duyệt “Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 – 2018”. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn thành phố Cao Lãnh.

        Ảnh: Văn phòng Thừa phát lại Đồng Tháp

   Chế định thừa phát lại được điều chỉnh bởi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020, quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Theo đó, việc phát triển văn phòng Thừa phát lại ở địa phương phải theo lộ trình, dựa vào tình hình thực tế tại địa phương về điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, mật độ dân cư và nhu cầu người dân về dịch vụ thừa phát lại, ngoài ra quy định mở rộng phạm vi lập vi bằng và khắc phục khó khăn trong quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động thừa phát lại.

Nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước, tổ chức và hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh phù hợp, tính thống nhất với quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt “Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025” theo Quyết định số 890/QĐ-UBND-HC ngày 16 tháng 6 năm 2020. 

Mục tiêu xây dựng Đề án nhằm phát triển văn phòng thừa phát lại có lộ trình và định hướng cụ thể, đảm bảo tính khả thi, bền vững và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo công lý, công bằng xã hội, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Theo Đề án, từ nay đến năm 2025 việc phát triển văn phòng Thừa phát lại theo lộ trình sau:  

1. Giai đoạn 2020 – 2021, cho phép thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Sa Đéc.

2. Giai đoạn 2022 – 2023, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động thừa phát lại. Trên cơ sở đánh giá kết quả giai đoạn đầu thực hiện Đề án và nhu cầu thực tế của người dân sẽ cho phép thành lập 01 văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn thị xã Hồng Ngự.

3. Giai đoạn tiếp theo (từ sau 2023 đến 2025), phát triển tại thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc và thị xã Hồng Ngự thêm 01 văn phòng Thừa phát lại (tối đa 02 văn phòng Thừa phát lại); tại các huyện, thị xã còn lại được thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại.

Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, định hướng chung giai đọan từ nay đến năm 2025, việc phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh phù hợp với mục tiêu, lộ trình của Đề án, căn cứ vào hiệu quả hoạt động của văn phòng thừa phát lại hiện có và các tiêu chí theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP./.

Mỹ Trinh – BTTP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *