UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ – Trương Hòa Bình về việc nghiên cứu, thực hiện các giải pháp, kiến nghị của Bộ Tư pháp, trong đó, cần tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý được phân công theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Ngày 19 tháng 4 năm 2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 236/UBND-TCD-NC, yêu cầu các Sở, ngành Tỉnh; UBND cấp huyện thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với các nhiệm vụ sau:

1. Đối với công tác thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật:

– Đề ra giải pháp và tổ chức thực hiện nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được phát hiện ra trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các bất cập về xây dựng, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm tính khả thi, tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

– Chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý;  kiện toàn tổ chức, bố trí, sắp xếp hợp lý số lượng biên chế làm công tác pháp chế, bảo đảm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác pháp chế nói chung và công tác theo dõi thi hành pháp luật của cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng.

– Bố trí kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được nêu trong Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Đối với công tác thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

– Rà soát, theo dõi, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường để có giải pháp kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.

– Tăng cường cơ chế phối hợp trong việc tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiểm tra việc chấp hành và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

– Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu tính khả thi, chưa bảo đảm tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.

– Tăng cường phản ứng chính sách, có cơ chế hiệu quả, hợp lý trong xử lý các vụ việc phát sinh trong thực tiễn tại địa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đổi mới, đa dạng hóa nội dung hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài việc rà soát, theo dõi, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường cơ chế phối hợp, xử lý theo thểm quyền nêu trên… UBND tỉnh còn yêu cầu các Sở, ngành Tỉnh; UBND cấp huyện, phải huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp và quần chúng nhân dân trong việc giám sát quá trình thực thi pháp luật và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trong thời gian tới./.

Minh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *