Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được khái niệm là trạng thái giao thông trên đường bộ có trật tự, bảo đảm an toàn, thông suốt; được hình thành và điều chỉnh bởi các quy tắc, nguyên tắc, quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Bảo đảm giao thông đường bộ được trật tự, an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; phòng ngừa vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ và kéo giảm ùn tắc giao thông; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân và tài sản của cơ quan, tổ chức.
Ngày 26 tháng 8 năm 2024, Sở Tư pháp phối hợp Văn phòng Ban An toàn giao thông Tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông – Công an Tỉnh thực hiện Chương trình Tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp với chủ đề “Quy định pháp luật về an toàn giao thông”.
Khách mời tham gia Chương trình gồm có Thượng tá Lê Hoàng Trung, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông – Công an Tỉnh và ông Đinh Bá Việt, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông Tỉnh. Tại Chương trình Tư vấn pháp luật trực tiếp, các khách mời đã thông tin đến người xem đài về tình hình an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay; những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn; những hành vi điều khiển xe ô tô; mô tô, xe máy không đúng và các quy định xử phạt hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các khách mời còn thông tin việc tích hợp Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia VneiD và có những lưu ý đối với phụ huynh khi cho các em học sinh điều khiển xe tham gia giao thông đến trường. Ngoài ra các khách mời còn thông tin các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới.
Chương trình Tư vấn pháp luật được phát sóng trực tiếp vào lúc 17 giờ ngày thứ Hai của tuần thứ 4 hằng tháng để thông tin các nội dung, quy định của pháp luật đến người xem biết và bổ sung kiến thức pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp./.
Đăng Khoa