Thực hiện Công văn số 81/UBND-HC ngày 17 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân dân huyện về việc phòng ngừa tội phạm giết người do người bệnh tâm thần gây ra. Ngày 03 tháng 4 năm 2023, Đảng ủy, UBND xã Phú Thuận A, tổ chức buổi Tọa đàm về giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm giết người, đặc biệt là tội phạm giết người, cố ý gây tương tích, hủy hoại tài sản do người bệnh tâm thần gây ra. Tham dự tại buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Văn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy/Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy/Chủ tịch MTTQ huyện; ông Phạm Châu Phong, Chủ tịch Hội Luật gia; ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng Tư pháp; Nguyễn Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy/Chủ tịch UBND xã cùng đại diện lãnh đạo các ngành: Công an; Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế, các ban ngành đoàn thể, công chức chuyên môn của xã cùng tham dự.
Tại buổi Tọa đàm các đại biểu, khách dự đã dự báo, nhận định tình hình, trao đổi, bàn giải pháp để đấu tranh phòng ngừa tội phạm nguy hiểm này, cụ thể:
Về dự báo, nhận định tình hình: Do phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống hiện đại như: công việc, học tập, kinh tế, tình cảm… nên số người bị rối loạn tâm thần trên địa bàn Tỉnh nói chung, huyện Hồng Ngự nói riêng đang có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, công tác quản lý, chăm sóc và điều trị cho những người mắc bệnh tâm thần gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thiếu nhân lực, kinh phí, sự hợp tác của gia đình và đặc biệt là sự kỳ thị của cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Thuận A có 27 đối tượng có biểu hiện tâm thần như: Chậm phát triển trí tuệ, tâm thần phân liệt, hội chứng Down, rối loạn tâm thần do bệnh lý não, trầm cảm nặng…
Trao đổi giải pháp, bàn biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm: Từ nhận định trên, các đại biểu đã nhất quán quan điểm, cho rằng bệnh tâm thần đang ngày càng trở thành vấn đề xã hội lớn, nan giải. Trong khi đó, nhận thức của người dân về bệnh tâm thần còn rất hạn chế nên việc để người tâm thần sống cùng người thân trong gia đình sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đã có những quy định về quản lý người tâm thần tại địa phương, song công tác này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp từ phía gia đình người bệnh.
Để khắc phục cũng như giảm thiểu tình trạng này, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe để người dân hiểu về các loại bệnh tâm thần, cách phòng tránh, điều trị, chăm sóc. Vai trò của người nhà là quan trọng vì gần gũi nhất với người bệnh. Gia đình bệnh nhân chấp hành tốt chỉ định của thầy thuốc cho bệnh nhân uống thuốc đều, sau 2 – 3 tháng điều trị hầu hết bệnh nhân có tiến triển tốt; quan tâm điều chỉnh thuốc kịp thời. Cần chấn chỉnh công tác phục hồi chức năng, tâm lý cho bệnh nhân; tổ chức tập huấn kỹ năng tư vấn cho cán bộ chuyên trách huyện, xã, y tế xã, để nâng cao hiệu quả chương trình sức khỏe tâm thần cộng đồng./.
Trần Minh Trí