Tình huống hòa giải ở cơ sở

Chú Tư là Hòa giải viên của Tổ hòa giải ấp 2, xã X, huyện Y rất có tâm huyết với công tác hòa giải, sáng thứ Hai chú đến gặp Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 2 để đề nghị lập hồ sơ thanh toán thù lao vụ việc chú đã phát hiện hòa giải thành cho hai vợ chồng Hai Xị ở gần nhà mình vào tối Chủ Nhật. Tổ trưởng Tổ hòa giải không chịu xác nhận vì các lý do: thứ nhất vụ việc hòa giải vào tối ngày Chủ nhật (không phải ngày giờ hành) là không phù hợp; thứ hai, vụ việc hòa giải không có đơn yêu cầu và phân công của Tổ trưởng; thứ ba thủ tục thanh toán không có biên bản hòa giải thì không thể thanh toán thù lao. Hỏi Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 2 giải thích như vậy là đúng hay sai, tại sao?

Gợi ý hòa giải:

1.Phân tích, xác định lĩnh vực xử lý tình huống

Sáng thứ Hai chú Tư Hòa giải viên đến gặp Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 2 để đề nghị lập hồ sơ thanh toán thù lao vụ việc chú đã phát hiện hòa giải thành cho hai vợ chồng Hai Xị ở gần nhà mình vào tối Chủ nhật. Tổ trưởng Tổ hòa giải trả lời vụ việc này không thể thanh toán thù lao được bởi vì các lý do: thứ nhất vụ việc hòa giải không phải ngày hành chính; thứ hai, vụ việc hòa giải không có đơn yêu cầu; thứ ba thủ tục thanh toán không có biên bản hòa giải thì không thể thanh toán thù lao.

Đây là tình huống xác định căn cứ hòa giải, thời gian, địa điểm hòa giải và thủ tục thanh toán thù lao cho Hòa giải viên.

2. Căn cứ pháp lý

Điều 16, khoản 1 Điều 18 và Điều 20 Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013 quy định:

Điều 16: Hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:

1. Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

2. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

3. Theo phân công của Tổ trưởng Tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Khoản 1 Điều 18: Tổ trưởng Tổ hòa giải phân công Hòa giải viên tiến hành hòa giải trong trường hợp các bên không lựa chọn Hòa giải viên.

Điều 20. Địa điểm, thời gian hòa giải

1. Địa điểm hòa giải là nơi xảy ra vụ, việc hoặc nơi do các bên hoặc Hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, Hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.

Theo khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định:

Tổ trưởng Tổ hòa giải lập hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho Hòa giải viên, bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán thù lao của Hòa giải viên có ghi rõ họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên; tên, địa chỉ Tổ hòa giải; số tiền đề nghị thanh toán; nội dung thanh toán (có danh sách các vụ, việc trong trường hợp đề nghị thanh toán thù lao cho nhiều vụ, việc); chữ ký của Hòa giải viên; chữ ký xác nhận của Tổ trưởng Tổ hòa giải và xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để đối chiếu khi cần thiết.

 3. Giải thích đúng, sai

Căn cứ theo quy định pháp luật thì trong tình huống này Tổ trưởng Tổ hòa giải không ký xác nhận vì 03 lý do trên là sai.

Bởi vì:

Thứ nhất: Hòa giải viên hòa giải vào tối ngày Chủ nhật không phải là ngày, giờ hành chính là sai vì theo Điều 20 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì thời gian hòa giải Hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc, trường hợp này Hòa giải viên phải hòa giải ngay khi phát hiện hai vợ chồng Hai Xị đang cãi nhau vào tối Chủ nhật là phù hợp.

Thứ hai: Theo khoản 2 Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải, do đó không cần thiết phải có đơn yêu cầu của một hoặc các bên yêu cầu và không cần đợi phân công của Tổ trưởng Tổ hòa giải.

Thứ ba: Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định số 15/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho Hòa giải viên, bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán thù lao của Hòa giải viên có ghi rõ họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên; tên, địa chỉ Tổ hòa giải; số tiền đề nghị thanh toán; nội dung thanh toán (có danh sách các vụ, việc trong trường hợp đề nghị thanh toán thù lao cho nhiều vụ, việc); chữ ký của Hòa giải viên; chữ ký xác nhận của Tổ trưởng Tổ hòa giải và xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để đối chiếu khi cần thiết. Như vậy Nghị định không quy định Biên bản hòa giải trong hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho Hòa giải viên.

Phương Thịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *