Tình huống hòa giải ở cơ sở

Anh Thuận với chị Tiên sau khi kết hôn, hai người sống chung với bố mẹ chồng và sinh được 01 người con, khi bố mẹ anh Thuận tiến hành cải tạo lại ngôi nhà, vợ chồng anh chị đã đưa cho bố mẹ 400 triệu đồng (đây là số tiền do hai vợ chồng tiết kiệm được). Quá trình chung sống giữa mẹ chồng và nàng dâu thường có nhiều xích mích, do anh Thuận thường đứng về phía mẹ nên chị Tiên rất bức xúc, căng thẳng có lúc được đẩy lên cao, mỗi lần như thế là một lần to tiếng, cải vã, không chịu nổi cuộc sống căng thẳng, chị Tiên viết đơn ly hôn chồng và yêu cầu chia tài sản theo công sức đóng góp của chị vào ngôi nhà. Anh Thuận không đồng ý vì cho rằng đây là nhà của bố mẹ anh nên không có chuyện chia chác gì. Mâu thuẫn ngày càng căng thẳng. Nếu được giao hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ làm thế nào?

Gợi ý hòa giải:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân và lĩnh vực hòa giải

Quá trình chung sống giữa mẹ chồng và nàng dâu thường có nhiều xích mích, do anh Thuận thường đứng về phía mẹ nên chị Tiên rất bức xúc, chị Tiên yêu cầu anh Thuận ra ở riêng, anh Thuận không đồng ý vì anh là con trai một, không chịu nổi cuộc sống căng thẳng, chị Tiên yêu cầu ly hôn và chia tài sản theo công sức đóng góp của chị vào ngôi nhà (lúc sửa nhà chị đã đưa vào 400 triệu từ tiền tiết kiệm chung của hai vợ chồng) anh Thuận không đồng ý vì cho rằng đây là nhà của bố mẹ anh nên không có chuyện chia chác gì. Mâu thuẫn ngày càng căng thẳng. Đây là lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

2. Căn cứ pháp lý

Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

Theo điểm b, khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.

Khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Khoản 1 Điều 61 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

3. Hướng hòa giải

– Sau khi tìm hiểu nguồn gốc sự việc, dựa trên các quy định của pháp luật, HGV giải thích cho anh Thuận và chị Tiên thấy được pháp luật quy định vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Giúp cho anh Thuận hiểu rằng vai trò của người chồng trong gia đình là rất quan trọng, anh cần xoa dịu căng thẳng giữa mẹ và vợ, không nên bênh vực mẹ một cách mù quáng mà phải nói để mẹ và vợ hiểu và thông cảm với nhau.

– Đối với chị Tiên, cũng khuyên nhủ để chị thấy rằng nên nhường nhịn mẹ chồng, vì mẹ chồng đã sinh ra chồng, nuôi nấng và thương yêu chồng, mẹ chồng thì cũng như mẹ mình, người già thì tính tình cũng thường hay thay đổi thất thường, bản thân chị Tiên sau này đến tuổi già thì cũng sẽ gặp tình trạng tương tự nên chị cần có sự thông cảm cho mẹ chồng. Bên cạnh đó, chị cũng không nên to tiếng, cãi vã với chồng mà cần phải lựa lời nói để chồng hiểu và thông cảm cho mình.

– Thuyết phục anh Thuận và chị Tiên hàn gắn lại với nhau vì anh chị vẫn còn tình cảm với nhau, nguyên nhân chị Tiên nộp đơn xin ly hôn vì phát sinh từ mâu thuẫn với mẹ chồng nhưng không được chồng thông cảm. Phân tích cho anh chị thấy rằng giữa anh chị còn có đứa con, rất cần sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ. Nếu anh chị ly hôn, con cái sẽ thiếu đi tình yêu thương, nuôi dạy của cha mẹ, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ, vận dụng những câu Ca dao, Tục ngữ : “Anh em cốt như đồng bào/vợ chồng cũng nghĩa lẽ nào chẳng thương”; “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”; “Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”.

– Gặp gỡ mẹ anh Thuận trao đổi để bà hiểu và thông cảm cho con dâu, vì tình thương của mẹ dành cho con và của bà dành cho cháu, bà cần vun đắp tình cảm và hạnh phúc cho con trai và con dâu. Bên cạnh đó, bà còn có cháu nội, nếu con trai và con dâu ly hôn, con cái sẽ thiếu đi tình yêu thương, nuôi dạy của cha mẹ, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

– Nếu anh chị vẫn cương quyết ly hôn, thuyết phục anh Thuận đồng ý yêu cầu chia tài sản theo công sức đóng góp của chị Tiên khi cải tạo nhà theo quy định vì 400 triệu là tài sản riêng của anh, chị tiết kiệm đóng góp để sửa chữa nhà. – Ngoài ra, những tài sản không xác định được thì gia đình cũng phải chia một phần cho chị trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của chị Tiên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình trong thời gian chung sống theo quy định của pháp luật.

Phương Thịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *