Chị Hoa là Hòa giải viên tích cực trên 10 năm kinh nghiệm, Chị tham gia hòa giải thành rất nhiều vụ việc, ghi biên bản hòa giải cũng rõ ràng nhất trong Tổ hòa giải ấp 1, xã X, huyện Y. Một hôm Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ chức họp chuẩn bị hoà giải vụ việc tranh chấp về tài sản thừa kế giữa mẹ chồng và dì chồng chị Hoa, Tổ trưởng Tổ hòa giải phân công chị Hoa trực tiếp hòa giải vụ việc này (hôm họp chị Hoa vắng) nên ngày hôm sau chị Hoa đến găp Tổ trưởng Tổ hòa giải đề nghị phân công Hòa giải viên khác lý do vụ việc có liên quan đến mẹ và dì chồng. Tổ trưởng Tổ hòa giải không đồng ý đề nghị của chị Hoa vì vụ việc này hơi phức tạp, chị lại có nhiều kinh nghiệm, mặt khác chị là con, cháu dâu trong gia đình nên dễ dàng hòa giải hơn. Hỏi Tổ trưởng Tổ hòa giải không đồng ý đề nghị của chị Hoa và giải thích như vậy là đúng hay sai? Tại sao?
Gợi ý hòa giải:
1. Phân tích tình huống, xác định lĩnh vực xử lý tình huống
Tổ trưởng Tổ hòa giải phân công chị Hoa là Hòa giải viên của Tổ hòa giải ấp 1, xã X, huyện Y trực tiếp hòa giải vụ việc tranh chấp tài sản thừa kế giữa mẹ chồng và dì chồng chị Hoa, do vụ việc có liên quan đến mẹ và dì chồng nên chị Hoa không đồng ý sự phân công và đề nghị Tổ trưởng Tổ hòa giải phân công Hòa giải viên khác.Tổ trưởng Tổ hòa giải không đồng ý vì vụ việc này hơi phức tạp, chị có nhiều kinh nghiệm, mặt khác chị là con, cháu dâu trong gia đình nên dễ dàng hòa giải hơn.
Đây là tình huống có liên quan đến phân công Hòa giải viên và nghĩa vụ của Hòa giải viên.
2. Căn cứ pháp lý
Theo khoản 3 Điều 10 Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013 quy định nghĩa vụ của Hòa giải viên: Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.
Tại khoản 2 Điều 18 Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013 quy định: Tổ trưởng Tổ hòa giải không phân công Hòa giải viên tiến hành hòa giải nếu có căn cứ cho rằng Hòa giải viên có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc có lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.
3. Giải thích đúng, sai
Trong trường hợp này Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 4 không đồng ý đề xuất của chị Hoa là sai.
Bởi vì, theo khoản 3 Điều 10 Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013 quy định Hòa giải viên có nghĩa vụ từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 18 Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013 có quy định: Tổ trưởng Tổ hòa giải không phân công Hòa giải viên tiến hành hòa giải nếu có căn cứ cho rằng Hòa giải viên có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc có lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.
Xét về mặt khác, dù cho chị Hoa thật sự công tâm, khách quan hòa giải phần thắng thuộc về mẹ chồng thì bên dì chồng sẽ không phục vì cho rằng không công tâm, khách quan con dâu bảo vệ mẹ chồng. Nếu hòa giải phần thắng về phía dì chồng thì mẹ chồng lại trách là không bảo vệ được mẹ chồng.
Vì vậy là Tổ Trưởng Tổ hòa Bác Bảy giải thích và áp đặt chị Hoa phải hòa giải vụ việc này là chưa đảm bảo theo quy định pháp luật và chưa thấu tình đạt lý trong điều hành và phân công Hòa giải viên cho phù hợp với từng vụ việc cụ thể.
Phương Thịnh