Thành lập Hội quán thứ 90 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Sáng ngày 29/02/2020, Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh ra mắt Nhân Tân Hội quán. Đây là hội quán thứ 3 của xã Tân Thuận Tây và là Hội quán thứ 15 của thành phố Cao Lãnh, tính đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có 90 hội quán. Nhân dịp đặc biệt này, Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết “Câu chuyện chín mươi” của tác giả Xích Lô.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan chúc mừng thành lập hội quán (Nguồn: dongthap.gov.vn)

“Chín mươi” là Hội quán thứ chín mươi vừa được thành lập dưới tán xoài xum xuê, xanh ngát ở vùng đất cạnh sông Tiền. “Chín mươi” là đã có chín mươi Hội quán, chín mươi cái không gian cộng đồng được thành lập theo nguyên tắc “tự nguyện, tự lực, tự quản” trên mảnh đất Sen hồng, bởi những con người Sen hồng. Vậy là, mới đó mà đã có một cột mốc mới, cột mốc thứ chín mươi.

Nhớ lại, từ Hội quán thứ nhất ra đời cho đến cái thứ mười, rồi cái thứ hai mươi, thậm chí là ba mươi…, vẫn có nhiều “bàn ra, tán vào”. Nguyên tắc “tự nguyện” thì dễ hiểu rồi, là không bị ai ép buộc, không bị ai áp đặt. Nhưng còn “tự lực” là sao vì người dân, nhất là nông dân, những người luôn bị lời nguyền “được mùa, mất giá” với bao khó khăn thì có “lực” đâu mà “tự”? Rồi “tự quản” là sao, tất cả đều là dân như nhau thì ai “quản” ai bây giờ, quản lý bao đời là chuyện của chính quyền mà? Háo hức cũng có, mà chập chờn cũng có. Nhập cuộc tích cực cũng có mà đứng ngoài do dự cũng có. Vui mừng cũng có mà băn khoăn cũng có. Nào là, ai ở không đâu mà “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nào là, lại họp lại hành, riết rồi không khéo bỏ hết công ăn việc làm. Nào là, coi chừng lại bệnh hình thức, bệnh phong trào, bệnh thành tích.
Hội quán có giống câu lạc bộ khuyến nông không? Hội quán khác gì Hội nông dân? Hội quán khác với Hợp tác xã ở chỗ nào? Bao nhiêu câu hỏi không dễ một lần trả lời đầy đủ, chính xác. Chỉ có những người dân nhận ra và trả lời những câu hỏi như vậy thông qua thời gian suy tư, ngẫm nghĩ về “cái được” và “cái mất”, cái trước mắt và cái lâu dài, cái nhất thời và cái bền vững. Cái gì của người dân hãy để chính người dân lên tiếng. Tất nhiên, “đứng đàng sau, đứng bên cạnh” người dân là một hệ thống chính trị luôn lấy người dân làm đối tượng phục vụ. Nhưng, “đứng đàng sau, đứng bên cạnh” khác với “đứng từ bên trên”.

Cái mới ra đời thường “trầy trật” chứ không bao giờ là “thuận buồm xuôi gió” cả! Vì cái mới đâu bổng chốc là đầy đủ, là hoàn hảo, lại thường xuất hiện đơn độc một mình. Rồi dần về sau, cái mới được uốn nắn dần, chỉnh sửa dần để càng ngày càng hoàn thiện, thay thế cho cái cũ, trở thành cái chung, cái phổ biến. Như vậy, “sự chuyển hoá từ cái đơn nhất thành cái chung là biểu hiện của quá trình cái mới ra đời thay thế cái cũ”.

Cái không gian cộng đồng dung dị, linh hoạt, nhẹ nhàng mang tên Hội quán là những vòng tròn kích hoạt sự năng động của người dân, tạo ra những mối quan hệ nối kết những nhóm xã hội để “không để ai đứng bên lề hay bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển”. Từ những mái nhà Hội quán đó, câu chuyện “nông dân tử tế”, “nông dân chuyên nghiệp”, “nông dân thông minh” ra đời. Từ trước đến giờ, đánh giá nông dân giỏi thường dựa trên các tiêu chí về năng suất, thu nhập. Bây giờ, nông dân giỏi phải là “nông dân tử tế”, biết “sống tử tế, “làm ăn tử tế”. Bây giờ, nông dân tiên tiến phải là nông dân chuyên nghiệp, biết tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn thay vì chỉ bán thô. Bây giờ nông dân tiêu biểu phải là nông dân thông minh, biết tạo ra cộng đồng, dựa vào cộng đồng, chia sẻ cho cộng đồng, biết sử dụng công nghệ thông tin để làm giàu trí tuệ, nâng cao chất lượng sống.

Cuộc sống đang thay đổi không ngừng, buộc mỗi người không thể thờ ơ, mà ngược lại, phải chủ động thích ứng nếu không muốn hụt hơi. Một nông dân khẳng định: “Nếu không thay đổi là chết. Tôi không thể ngồi đó mà chờ chết!”. Thay đổi trong cách nghĩ, thay đổi trong cách làm, thay đổi trong cách sống, thay đổi trong cách làm ăn. Nhưng, thay đổi là điều gì đó khó đoán định, không ít rủi ro, không thể có kết quả ngay “vụ trước vụ sau”. Thay đổi để thành công, giàu có đòi hỏi phải kiên nhẫn, kiên trì và nhất là phải có niềm tin mãnh liệt. Tất cả những trở ngại đó khiến con người ngại thay đổi, không dễ thay đổi!

Nhưng giờ đây, nhiều người dân Đất Sen hồng đã chấp nhận thay đổi rồi. Người dân Đất Sen hồng đã biết “không thay đổi là tụt hậu”, là tiếp tục đương đầu yếu ớt trước rủi ro bởi trời đất, bởi xu thế thị trường, bởi người tiêu dùng ngày càng kỹ tính. Cái không gian Hội quán thứ chín mươi thật xanh mát, mát từ tán xoài, mát từ làn gió trong lành, mát từ nhiều Hội quán tụ hội về đây để chúc mừng những thành viên mới. Cái không gian Hội quán thứ chín mươi đó còn là điểm du lịch nông nghiệp với nhiều hoạt động để tự hào giới thiệu trái xoài tử tế được chăm sóc bởi người nông dân tử tế như thế nào. Cái không gian Hội quán chứng minh rằng, “làng quê này xứng đáng là nơi đáng sống”, là nơi trở về của những người xa quê, là nơi tìm đến của những người muốn trải nghiệm về một vùng đất, với những con người hào sản, chân tình, với nét đẹp cảnh sắc bốn mùa xanh mát, với văn hoá bản địa được vun bồi bởi biết bao thế hệ đi trước.

Chào Hội quán thứ chín mươi mang tên “Nhân Tân Hội quán”. “Nhân Tân” là “con người mới”, hướng đến cái mới, tìm vui từ cái mới và chắc chắn cùng nhau thành công nhờ vào những điều mới mẻ đó. “Thành công không phải là đích đến, mà là cả một cuộc hành trình”. “Cạn đìa mới biết lóc trê” mà!

Ban Biên tập

Xích Lô

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *