Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Ất Tỵ năm 2025

Để phổ biến, giáo dục pháp luật dịp tết Ất Tỵ năm 2025 và một số vấn đề dư luận quan tâm, ngày 08 tháng 01 năm 2025, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Tỉnh ban hành Công văn số 30/HĐPHPBGDPL đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Ất Tỵ năm 2025 và một số vấn đề dư luận quan tâm như sau:

Ảnh minh họa

Một là, chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Cán bộ, công chức khi thực thi công vụ cần chú trọng phổ biến, vận động cán bộ, Nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

 Hai là, tập trung phổ biến các nội dung quy định của pháp luật như: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Luật Đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành theo yêu cầu tại Công điện số 132/CĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia; pháp luật về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan, đánh bạc…); pháp luật về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; phòng, chống cháy nổ, quy định về quản lý, sử dụng pháo, phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm; pháp luật về lễ hội, phòng chống lãng phí…

Ba là, tuỳ theo tình hình thực tế, các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có thể lựa chọn hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng lưới loa truyền thanh cơ sở; lồng ghép giao lưu, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, hòa giải ở cơ sở…, đồng thời phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng… tham gia phổ biến, vận động, thuyết phục người dân nghiêm túc tuân thủ, chấp hành pháp luật, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Bốn là, chỉ đạo, hướng dẫn và nắm bắt, lắng nghe nhu cầu xã hội, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm để tập trung nguồn lực tổ chức thông tin, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm của tổ chức, người dân, doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp, trong đó, chú trọng các nội dung về các chính sách xã hội; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên Ứng dụng định danh quốc gia VNeID; cấp bản sao trích lục hộ tịch cho công dân mà không phụ thuộc vào nơi cư trú; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương nhân dịp tết đến, xuân về./.

Kim Khuya

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *