Trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch và chuyển vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử 2.895.126 dữ liệu gồm 1.857.577 khai sinh; 486.506 kết hôn; 274.389 xác nhận tình trạng hôn nhân; 265.797 khai tử và 10.857 nhận, cha, mẹ, con và nhằm thực hiện Điều 63 Luật Hộ tịch năm 2014 “Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký”.Sở Tư phápđã tổ chức tập huấn công tác cấp bản sao trích lục hộ tịch không phụ thuộc vào nơi cư trú (phi địa giới hành chính) cho công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp huyện, xã và bàn giao dữ liệu hộ tịch điện tử cho Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Tỉnh.

Ngày 06 tháng 01 năm 2025, Sở Tư pháp đã ban hành Thông báo số 19/TB-STP gửi đến các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh; UBND các huyện, thành phố và Nhân dân trong phạm vi toàn Tỉnh, theo đó bắt đầu từ ngày 10 tháng 01 năm 2025 các Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn) chính thức triển khai thực hiện việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch cho công dân mà không phụ thuộc vào nơi cư trú; đồng thời Sở Tư pháp cũng yêu cầu và đề nghị các cấp, các ngành hưởng ứng và đẩy mạnh tuyên truyền, đăng tải, chia sẻ rộng rãi tài liệu hướng dẫn (gửi kèm theo) trên các nền tảng ứng dụng mạng xã hội (zalo, facebook,…), phương tiện thông tin đại chúng đến tổ chức, cá nhân về lợi ích của thủ tục này.
Khi áp dụng và đưa vào thực hiện thủ tục “cấp bản sao trích lục hộ tịch cho công dân mà không phụ thuộc vào nơi cư trú” ngành Tư pháp đã góp phần thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính; đồng thời phát huy lợi ích của việc khai thác và sử dụng dữ liệu đã số hóa để nâng cao tinh thần phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, rút ngắn thời gian và chi phí giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định./.
Hải Thanh