Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đặc biệt là lĩnh vực Trợ giúp pháp lý. Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách trong công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính như Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 2584/QĐ-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2021… Theo thống kê thì từ tháng 01/2019-31/12/2020 trên địa bàn Tỉnh đã thực hiện trợ giúp pháp lý có tổng số có 39 vụ việc cho 39 đối tượng thuộc diện người khuyết tật có khó khăn về tài chính, trong đó: (tư vấn pháp luật 29 vụ việc, tham gia tố tụng 10 vụ việc) chủ yếu ở lĩnh vực hình sự, dân sự và hành chính.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, Ngày 09 tháng 02 năm 2021 Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch triển khai chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính (Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 09/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp) trên địa bàn Tỉnh.
Mục tiêu của Kế hoạch đề ra là 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị có nhiệm vụ trong việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, theo Kế hoạch Ủy ban nhân dân Tỉnh giao Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì trong công tác tham mưu, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị có liên quan và tổng hợp dự thảo báo cáo của từng đơn vị trình Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định pháp luật.
Ngoài những mục tiêu trên, Kế hoạch còn đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể trong công tác thực hiện Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính như:
– Nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính;
– Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, bảo đảm 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý khi có nhu cầu;
– Thực hiện trợ giúp pháp lý tại xã, phường, thị trấn nơi nhiều người khuyết tật có khó khăn về tài chính có nhu cầu. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người trợ giúp pháp lý về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.
Kế hoạch được ban hành tạo cơ sở để các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nhận thức đúng vai trò, vị trí và ý nghĩa trong công tác thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính khi có nhu cầu. Hướng tới trong năm 2021 Công tác Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính sẽ phát huy hết khả năng của mình nhất là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu theo Kế hoạch đề ra, giúp cho người khuyết tật được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong tất cả các quan hệ xã hội./.
Kim Cương – TGPL