Sơ kết 03 năm Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Đồng Tháp

Để nâng cao chất lượng, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (TGPL) được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin và dịch vụ TGPL chất lượng cho các đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý ngày 20 tháng 6 năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng để bảo đảm quyền của người được TGPL. Qua 03 năm triển khai thực hiện, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng Tỉnh (Hội đồng) đã đạt kết quả như sau:

Thứ nhất, về xây dựng văn bản và kế hoạch triển khai:hằng năm, Hội đồng đều ban hành Kế hoạch triển khai công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng. Trên cơ sở các Kế hoạch đề ra, các ngành thành viên của Hội đồng thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành mình trong công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, Hội đồng còn ban hành các Kế hoạch kiểm tra công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng, nhằm đánh giá kết quả, kịp thời phát hiện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC và công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng ngày càng đạt kết quả tốt.

Thứ hai, về phối hợp thực hiện TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng: các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác TGPL và công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng. Đồng thời, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện giải thích các quyền, nghĩa vụ theo pháp luật tố tụng và quyền được TGPL cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và đương sự thuộc đối tượng được TGPL, góp phần đảm bảo quyền của người được TGPL, đảm bảo tính khách quan, dân chủ, công khai khi giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, về thực hiện TGPL thông qua hình thức tham gia tố tụng: từ ngày 01 tháng 9 năm 2018 đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Tỉnh đã tiếp nhận và thụ lý tổng số là 1.305 vụ việc. Trong đó, thực hiện tư vấn 426 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 01 vụ việc và tham gia tố tụng là 878 vụ việc (Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 467 vụ việc, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL 411 vụ việc). Với tổng số hình sự 487 vụ việc, dân sự 383 vụ việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng vẫn còn một số hạn chế như: còn một số ít người dân được trợ giúp pháp lý chưa hiểu hết về quyền của người được TGPL, nên không yêu cầu TGPL; công tác tuyên truyền Luật Trợ giúp pháp lý ngày 20 tháng 6 năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC chưa được thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức đến cho người dân; phần lớn vụ việc dân sự tại Tòa án, các đương sự không biết mình thuộc diện được TGPL theo chính sách ưu đãi về TGPL của Nhà nước nên không có yêu TGPL.  

Trong thời gian tới, Hội đồng tiếp tục quán triệt có hiệu quả nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC; tổ chức tập huấn công tác TGPL cho người thực hiện TGPL để thực hiện tốt việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL; đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thông báo, thông tin về TGPL, đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền được TGPL cho người được TGPL./.

Bích Liên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *