Phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh

Để triển khai thực hiện Công văn số 3689/BTP-PBGDPL ngày 03 tháng 7 năm 2024 của Bộ Tư pháp về việc mời tham dự Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho Báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 11 tháng 7 năm 2024, Sở Tư pháp phối hợp kết nối đường truyền để tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh tại địa phương. Tại điểm cầu chính của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho Báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương và kết nối trên 200 điểm cầu thuộc các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương trên phạm vi toàn quốc, với hơn 10.000 đại biểu tham dự.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho Báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị cần tập trung trao đổi, thảo luận, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn gặp phải trong quá trình thực hiện công tác truyền thông chính sách. Đồng thời, đưa ra các giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, pháp luật và nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông.

Thứ trưởng mong rằng các chuyên gia, đại biểu tham dự sẽ chia sẻ kinh nghiệm, nhận thức của mình và quy trình thực hiện công tác truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho Báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.

Đối với điểm cầu tại Sở Tư pháp do đồng chí Phạm Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, cùng với gần 100 đại biểu là Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, đại diện Phòng Tư pháp thành phố Cao Lãnh và Phòng Tư pháp huyện Cao Lãnh tham dự.

Đồng chí Phạm Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Hội nghị
tại điểm cầu Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; đồng chí Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ths. Vũ Quốc Cường, Học viện Báo chí và Truyền thông lần lượt quán triệt các chuyên đề như: một số nội dung cơ bản, những nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 – 2030”; Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 – 2030”; kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật trên mạng xã hội (zalo, fanpage…); kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông trong quá trình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách pháp luật và giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông dự thảo chính sách của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trước khi kết thúc Hội nghị, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp đã phát biểu rằng chúng ta đã có được phương thức, biết tận dụng những ngôn ngữ của xã hội đã tạo ra cho chúng ta, nền tảng không gian số, công nghệ số,… chúng ta xác định được chủ đề nóng, mới, nói những điều mà người dân cần và làm những điều người dân mong muốn, đòi hỏi; về phương thức phổ biến pháp luật theo truyền thống, chỉ nói những nội dung mà chúng ta chuẩn bị của tầm người nói hơn là lắng nghe nhu cầu của người dân đang mong muốn chúng ta truyền tải là gì, chính vì thế chúng ta cần phải thường xuyên đổi mới về nội dung, phương thức và chất vấn để có cách thức hoạt động phổ biến pháp luật cho phù hợp, bên cạnh đó cũng cần truyền thông cho người dân, xã hội biết là bản thân người dân, xã hội cũng phải nâng cao trách nhiệm tự giác tìm hiểu các thông tin về chính sách pháp luật, khi những thông tin về chính sách pháp luật đó cơ bản đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng tải một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác trên không gian mạng./.

Kim Khuya

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *