Phát huy mạnh mẽ phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cộng đồng dân cư

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội Khóa XIV về “công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án”, phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội lồng ghép triển khai trong hệ thống, tuyên truyền, phổ biến, vận động trong các tầng lớp Nhân dân tích cực thực hiện, nhằm tạo thành sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc phát huy mạnh mẽ phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cộng đồng dân cư.

Triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, đồng thời với tăng cường công tác tuyên truyền, vận động gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các nội dung trong chương trình Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm; giữ vai trò liên minh trong hiệp thương, định hướng các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức chính trị – xã hội tập trung hướng dẫn hệ thống mình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng các hình thức đa dạng, phù hợp, chú trọng lồng ghép vào hoạt động của 891 Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở xã, phường, thị trấn; thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng từng có tiền án, tiền sự, trong diện cảm hóa, giáo dục tại cộng đồng…; nhất là công tác tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người đang điều trị nghiện, người sau cai nghiện, người được tha tù về. Từ đó, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân hạn chế định kiến, kỳ thị đối với các đối tượng cần quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện để các đối tượng sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Ảnh minh họa

Phát huy vai trò của tổ chức thành viên là Hội Cựu chiến binh Tỉnh làm đại diện khối MTTQ phối hợp với Sở Tư pháp triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL trong cộng đồng dân cư và công tác hoà giải ở cơ sở; Hội luật gia Tỉnh trong công tác tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ, tư vấn pháp luật. Trọng tâm là thực hiện Đề án xã hội hóa công tác tuyên truyền PBGDPL và trợ giúp pháp lý (TGPL); vận động thu hút những người có tâm huyết, có kiến thức pháp luật tham gia thực hiện công tác PBGDPL-TGPL cho Nhân dân, nội dung tập trung bao gồm các luật điển hình như: Luật Đất đai ngày 29/11/2013, Luật Hộ tịch ngày 20/11/2014, Luật Nhà ở ngày 25/11/2014, Luật Trẻ em ngày 05/4/2016, Pháp luật về phòng, chống  tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia ngày 14/6/2019, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, An toàn vệ sinh thực phẩm, các quy định về pháp luật về cải cách hành chính, trợ giúp pháp lý, hợp đồng dân sự…; tổ chức Hội thảo chủ đề “Vai trò của Hội Luật gia trong phòng, chống tham nhũng” được các ngành ủng hộ tham gia nhiều ý kiến có chất lượng đã định hướng rõ giải pháp cho các cấp Hội vào cuộc góp phần trong phòng, chống tham nhũng mà trọng tâm là chống “ Tham nhũng vặt”; lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật vào các buổi sinh hoạt lệ kỳ của các Hội quán, mô hình Câu lạc bộ “Cà phê với pháp luật”, làm cầu nối giúp cho những người yếu thế đang sinh sống trên địa bàn Tỉnh được tiếp cận, hiểu biết thêm pháp luật hiện hành; biên soạn 79 đề cương, tài liệu PBGDPL, phát hành 266.761 tài liệu tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp lý về pháp luật cho hơn 900 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, còn tham gia cùng Ban Pháp chế HĐND Tỉnh đã tổ chức khảo sát, giám sát chuyên đề về kết quả hoạt động kiểm sát, công tác xét xử án và thi hành án dân sự trên địa bàn Tỉnh; hiệp thương với các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu nhân sự ứng cử bầu Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân Tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026.

Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, việc triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL gắn với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của hệ thống Mặt trận chủ yếu lồng ghép vào các hoạt động tương đồng, giảm quy mô và số lượng tổ chức các hoạt động tuyên truyền tập trung đông người.  Chú trọng việc phát huy hoạt động của Tổ Nhân dân tự quản, Hội quán, Tổ Tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp Nhân dân về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua sinh hoạt các Câu lạc bộ, các tổ, các nhóm nòng cốt được thành lập hoặc “Hòm thư tố giác tội phạm”  và triển khai Bảng tên Tổ Nhân dân tự quản có số điện thoại Công an xã, phường, thị trấn để Nhân dân trực tiếp phát hiện, tố giác tội phạm. Đồng thời  phát huy tích cực việc ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua các nhóm Zalo của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên để tuyên truyền thường xuyên, kịp thời các nội dung liên quan pháp luật nói chung và công tác phòng, chống tội phạm nói riêng đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân, quan tâm đối tượng là người thân, con em những gia đình có nguy cơ vi phạm pháp luật hoặc thành phần chưa tốt ở địa phương.

Bên cạnh đó, MTTQ một số địa phương tập trung phát huy hiệu quả hoạt động các mô hình hiện có như “Quản lý địa bàn, quản lý người vi phạm pháp luật”, “Xóm đạo bình yên”, “Gia đình An toàn – Hạnh phúc – Đạo hạnh”, ” Câu lạc bộ Gia đình bền vững ”  và các mô hình của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức hội; duy trì và nhân rộng một số cách làm, mô hình đã và đang phát huy hiệu quả ở cơ sở như: Mô hình camera an ninh, số điện thoại nóng tại các địa bàn trọng điểm, góp phần cho việc quản lý của ngành Công an và bảo đảm việc tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội của người dân kịp thời, hiệu quả; phối hợp ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường công tác khảo sát, quản lý người nghiện, sau cai nghiện để có giải pháp giáo dục giúp đỡ tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm; đã tư vấn đào tạo nghề 2.310 lao động nhàn rỗi, giới thiệu việc làm cho 1.783 lao động có việc làm ổn định, góp phần quản lý địa bàn, hạn chế phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn dân cư.

Sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và hội nhập sẽ dẫn đến sự gia tăng của một số loại tội phạm với thủ đoạn, tính chất ngày càng đa dạng, manh động và liều lĩnh hơn; độ tuổi của tội phạm ngày càng “trẻ hóa”; ảnh hưởng tiêu cực và mặt trái của thời đại công nghệ với sự phát triển đa dạng, phức tạp của các trang mạng xã hội, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội sẽ tiếp tục còn phức tạp, tinh vi, khó lường; tình hình an ninh, trật tự, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, tiếp tục tác động đến sản xuất, kinh doanh, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn… Trước thực trạng trên, thời gian tới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và vai trò nòng cốt của MTTQ và các tổ chức thành viên tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, PBGDPL, nhằm giúp người dân có cách tiếp cận phù hợp, hiểu đúng, hiểu đủ và hành động đúng chuẩn mực, đúng quy định của pháp luật, nêu cao tinh thần tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh./.

Trần Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *