Việc đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng luôn được các cấp uỷ Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Hoạt động này còn là cơ sở để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân, đồng thời có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp luôn thực hiện tốt về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch cho người dân, cũng từng bước được đơn giản hóa, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân. Dữ liệu hộ tịch được hình thành với hệ thống sổ sách hộ tịch được lưu trữ, sử dụng lâu dài; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt.

*Về hộ tịch:
Các hành vi vi phạm sau: | Các hình thức xử phạt sau: |
Hành vi: Huỷ hoại giấy tờ hộ tịch; sổ hộ tịch; truy cập trái phép, trộm cắp, phá hoại thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. | – Phạt tiền: từ 10 triệu đến 20 triệu đồng; – Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm. – Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm; buộc chịu mọi chi phí để khôi phục tình trạng ban đầu do thực hiện hành vi vi phạm. |
Hành vi: Làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống; không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục đăng ký khai tử để trục lợi. | – Phạt tiền: từ 10 triệu đến 20 triệu đồng; – Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (trừ trường hợp làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống). |
Hành vi: Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi hoặc nhằm mục đích trục lợi khác. | – Phạt tiền: từ 10 triệu đến 20 triệu đồng; – Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. |
Hành vi: Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh. | – Phạt tiền: từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; – Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm. |
Hành vi: Cho người khác sử dụng giấy tờ của mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn; cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cam đoan, làm chứng sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn. | – Phạt tiền: từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; – Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy chứng nhận kết hôn đã cấp do có hành vi vi phạm |
Hành vi: Cam đoan, làm chứng, sai sự thật về nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để làm thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc. | – Phạt tiền: từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; – Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm. |
Hành vi: Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh. | – Phạt tiền: từ 1 triệu đến 3 triệu đồng; – Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung; – Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm. |
* Về chứng thực:
Các hành vi vi phạm sau: | Các hình thức xử phạt sau: |
Hành vi: Mạo danh chủ thể để được chứng thực hợp đồng, giao dịch. | – Phạt tiền: từ 10 triệu đến 15 triệu đồng; – Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cơ quan thực hiện chứng thực đang lưu trữ hồ sơ chứng thực thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm. |
Hành vi: Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ; bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung. | – Phạt tiền: từ 7 triệu đến 10 triệu đồng; – Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 06 tháng đến 09 tháng; – Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện chứng thực thông báo trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở về văn bản đã được chứng thực. |
Hành vi: Chứng thực chữ ký trong trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký trước mặt người thực hiện chứng thực hoặc không ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ chứng thực chữ ký. | – Phạt tiền: từ 5 triệu đến 7 triệu đồng; – Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 03 tháng đến 06 tháng. |
Hành vi: Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung của bản chính để yêu cầu chứng thực bản sao. | – Phạt tiền: từ 1 triệu đến 3 triệu đồng; – Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung; – Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. |
Ngoài các hành vi vi phạm, mức phạt được thống kê nêu trên, thì Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ còn quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2020 và đã thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ và Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ kịp thời ra đời để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2024./.