Ngày 07 tháng 02 năm 2025, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật và xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật năm 2025 với những nhiệm vụ cụ thể như sau:
Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL):
(1) Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, bám sát nhiệm vụ giải pháp, trong đó tập trung vào các luật, pháp lệnh mới được thông qua năm 2024, 2025 và các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, bảo đảm kịp thời; các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các chính sách, quy định về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, dịch vụ công; khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, chú trọng thực hiện PBGDPL cho đối tượng đặc thù; chuyển đổi số; đất đai, bảo vệ môi trường; an toàn, vệ sinh thực phẩm; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; an toàn giao thông đường bộ và đường thuỷ nội địa và những vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội…

(2) Tiếp tục phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07 tháng 6 năm 2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
(3) Hướng dẫn, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2025, gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ngành, đoàn thể Tỉnh và địa phương.
(4) Triển khai công tác giáo dục pháp luật trong các cơ sở đào tạo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp: nghiên cứu, đề xuất giải pháp đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn học pháp luật và giáo dục công dân trong nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức cập nhật kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên trong ngành giáo dục; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật cho học sinh, sinh viên.
(5) Triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án về PBGDPL như: Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”; Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật ở cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 – 2027”; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL nhằm nâng cao ý thức tìm hiểu chấp hành pháp luật cho thanh niên trong thời kỳ mới”; Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”; Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”; Đề án “Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng đáp ứng yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023 – 2030” …
(6) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác PBGDPL theo Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật của Bộ Tư pháp; tiếp tục rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp.
(7) Xây dựng, nhân rộng mô hình PBGDPL hay, hiệu quả; lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm thực hiện làm điểm công tác PBGDPL; tăng cường hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra thực hiện công tác PBGDPL theo quy định về PBGDPL trên địa bàn nhằm phát hiện khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, định hướng thực hiện cho phù hợp, sát với tình hình thực tiễn.
Về công tác hòa giải ở cơ sở: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 – 2030”; duy trì phát huy hiệu quả hoạt động mô hình Câu lạc bộ Hoà giải ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Hoà giải ở cơ sở; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi cấp tỉnh năm 2025; huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động công tác hoà giải ở cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức từng công tác lĩnh vực pháp luật đã nghỉ hưu, hội viên Hội Luật gia; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
Về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật:
(1) Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
(2) Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.
(3) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật: Tiếp tục thực hiện xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Qua đó theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện năm 2025, tập trung nội dung có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện và tình hình thực tiễn; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn và kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, vấn đề mới phát sinh để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh cho phù hợp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với tăng cường chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; phát huy vai trò phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh và địa phương trong việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội trong giai đoạn mới./.
Kim Khuya