Ngày 30 tháng 10 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác và chủ động phòng ngừa trước các thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Nhân dân.
Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội gây ra rất nhiều thiệt hại trong Nhân dân. Theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Tỉnh, ngày 16 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp phối hợp cùng Công an Tỉnh thực hiện chuyên mục Phổ biến pháp luật, biết để làm đúng về nội dung “Một số điều cần biết để chủ động phòng ngừa trước các hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Nhân dân” phát trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp nhằm giúp các cá nhân, tổ chức nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa trước các thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thượng tá Nguyễn Trường Giang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự – Công an Tỉnh tham gia chuyên mục và trả lời Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp.

trả lời Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp
Tại buổi phỏng vấn, Thượng tá Nguyễn Trường Giang cho biết tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Tỉnh hiện nay, đặc biệt là lừa đảo qua mạng xã hội và việc nổi lên các vụ vỡ hụi thời gian gần đây trên địa bàn Tỉnh, trong đó có một số chủ hụi lợi dụng sự tin tưởng, thiếu hiểu biết của các hụi viên đã sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tiền đóng hụi của các hụi viên. Ngoài ra, một số đối tượng đưa ra thông tin gian dối là có thể làm thủ tục đưa người khác đi hợp tác lao động hoặc đi định cư ở nước ngoài, sau đó yêu cầu người bị hại chuyển tiền để làm giấy tờ rồi chiếm đoạt. Tết sắp đến, cũng là thời điểm các đối tượng cần tiền để phục vụ nhu cầu cá nhân nên sẽ thực hiện hành vi phạm tội nhiều hơn, do đó tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng tăng.
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000đ hoặc dưới 2.000.000đ nhưng đã có tiền án, tiền sự hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị xử lý hình sự. Tùy theo tính chất, mức độ mà có thể bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù đến mức chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Bên cạnh đó, nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ.
Thượng tá Nguyễn Trường Giang cho biết thêm về những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay, đặc biệt là những chiêu lừa đảo qua mạng xã hội như lừa đảo cuộc gọi dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen hoặc Công an; lừa đảo giả mạo biên lai chuyển tiền thành công, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cọc mua hàng; mạo danh cơ quan Thuế, Công an hoặc dùng thủ đoạn dẫn dụ nạn nhân cài đặt phần mềm ứng dụng độc hại để chiếm quyền điều khiển điện thoại; lừa đảo tuyển cộng tác viên online với nhiệm vụ rất đơn giản và lợi nhuận cao, lừa nạn nhân nạp tiền nhiều lần; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận. Hay gần đây là nổi lên lừa đảo lấy lại tiền bị treo, tiền bị lừa đảo; lừa đảo thông qua hình thức tuyển dụng nhân viên ngân hàng, rồi dẫn dụ nạn nhân nạp tiền làm nhiệm vụ; lừa đảo shipper giao hàng, sau đó yêu cầu nạn nhân truy cập vào một đường link, thực hiện theo hướng dẫn nhằm chiếm đoạt tiền; giả mạo các cuộc thi người mẫu trẻ em, giải chạy bộ.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần lưu giữ các tài liệu chứng cứ có liên quan đến việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: Hợp đồng, biên nhận, các loại giấy tờ giả… các tin nhắn, hình ảnh, điện thoại, thông tin cá nhân của đối tượng lừa đảo như họ tên, năm sinh, địa chỉ, hình ảnh, số căn cước công dân, các mối quan hệ xã hội… để cung cấp cho cơ quan chức năng. Nhanh chóng báo đến Cơ quan Công an nơi gần nhất để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Qua chuyên mục Phổ biến pháp luật, biết để làm đúng về nội dung “Một số điều cần biết để chủ động phòng ngừa trước các hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Nhân dân”, mong rằng sẽ giúp cho người dân và các cá nhân, tổ chức biết rõ thêm những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để chủ động phòng ngừa trước các thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo qua mạng internet, mạng xã hội. Chuyên mục “Phổ biến pháp luật, biết để làm đúng” được phát sóng vào lúc 18 giờ 15 phút ngày thứ Tư của tuần thứ ba hằng tháng để thông tin các nội dung, quy định của pháp luật đến khán giả xem đài biết, bổ sung kiến thức pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp pháp luật của các cá nhân và tổ chức./.
Đăng Khoa