Một số điểm mới cần lưu ý đối với Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử

Ngày 03 tháng 02 năm 2020, Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2020.

* Nghị định quy định phạt từ 1 – 2 triệu nếu cung cấp số điện thoại quảng cáo trên cột điện

Các Chiến sĩ Công an TP.Sa Đéc tẩy xóa, gỡ các quảng cáo cho vay tiền dán trên trụ điện

– Tại Điều 94 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi cung cấp số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt được treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, bờ tường, cây xanh, nơi công cộng.

– Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng với một trong các hành vi: Gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận; gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định

Ngoài ra, phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tuân thủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác; không thực hiện yêu cầu xử lý các thông báo, phản ánh tin nhắn rác của Bộ Thông tin và Truyền thông; không thực hiện các biện pháp đánh giá tình trạng tin nhắn rác trên mạng viễn thông di động của nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn.

– Phạt tiền từ 180 – 200 triệu đồng đối với hành vi không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác.

* Theo đó Nghị định quy định phạt từ 10 – 20 triệu đồng đối với các hành vi sau:

– Tại Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy; thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

– Hành vi cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam trên mạng xã hội nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia cũng có thể bị phạt 10 – 20 triệu đồng.

– Tại Khoản 2, 3, Điều 101 quy định phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và biện pháp khắc phục hậu quả những vi phạm trên là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

– Tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng đối với hành vi lưu trữ thông tin cá nhân của người khác thu thập được trên môi trường mạng vượt quá thời gian quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.

– Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi không kiểm tra lại, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân của người khác lưu trữ trên môi trường mạng trong quá trình thu thập, xử lý, sử dụng thông tin khi có yêu cầu của chủ sở hữu thông tin đó; cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân chưa được đính chính khi có yêu cầu đính chính của chủ sở hữu thông tin đó (Khoản 2, Điều 102).

Bên cạnh đó, quy định mới cũng sẽ phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật cũng sẽ bị xem xét phạt 10 – 20 triệu đồng (Điểm n, q, Khoản 3, Điều 102)./.

Minh Sang -TDTHPL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *