Thực hiện Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19 tháng 5 năm 2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân Tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân. Ngày 06 tháng 9 năm 2022, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân theo Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân Tối cao. Tham dự Lễ ký kết có ông Phạm Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tỉnh; đại diện Đoàn Luật sư Tỉnh; lãnh đạo Tòa án nhân dân thành phố Cao Lãnh, Tòa án nhân dân thành phố Sa Đéc, Tòa án nhân dân huyện Hồng Ngự cùng các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, và lãnh đạo, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Tỉnh.
Theo nội dung Kế hoạch quy định rõ cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý và nhiệm vụ của người trực tại Tòa án, người hỗ trợ trực, bố trí địa điểm, phòng làm việc cho người trực. Theo đó người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Tỉnh (trực thuộc Sở Tư pháp) đảm nhiệm, phân công. Việc trực sẽ được thực hiện bằng 02 hình thức:
– Trực tại trụ sở Tòa án nhân dân sẽ được thực hiện tại Tòa án nhân dân thành phố Cao Lãnh, Tòa án nhân dân thành phố Sa Đéc và Tòa án nhân dân huyện Hồng Ngự trong năm 2022;
– Trực qua điện thoại: Tòa án nhân dân của Tỉnh và cấp huyện niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Tỉnh cung cấp, kết nối người trực qua điện thoại với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý…
Kế hoạch phối hợp sẽ được triển khai thực hiện trong 05 năm kể từ ngày được ký kết. Mục đích của việc ký kết Chương trình phối hợp nhằm bảo đảm đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc mà Tòa án nhân dân thụ lý được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời; tăng cường số lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý (bao gồm Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý) tham gia các phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại Tòa án nhân dân./.
Trần Hồng Trinh