Thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2019 và Quyết định số 52/QĐ-UBND-TL ngày 27 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc thành lập Đoàn Kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2019 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đoàn Kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, do ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn và ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật – Sở Tư pháp làm Phó Trưởng đoàn, cùng một số thành viên là Trưởng, Phó phòng chuyên môn của các Sở, ngành tỉnh tham gia, đã tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại một số huyện trên địa bàn tỉnh gồm: Thị xã Hồng Ngự (UBND thị xã, Công an thị xã, UBND và Công an phường An Thạnh, An Lộc); huyện Tháp Mười (UBND huyện, Công an huyện, UBND và Công an xã Láng Biển, Phú Điền); huyện Cao Lãnh (UBND huyện, Công an huyện, UBND và Công an xã Mỹ Hiệp, Bình Thạnh); huyện Lấp Vò (UBND huyện, Công an huyện, UBND và Công an xã Bình Thạnh Trung, UBND và Công an thị trấn Lấp Vò).
Theo báo cáo của các đơn vị được kiểm tra, từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 đến thời điểm kiểm tra, các đơn vị đã ban hành tổng số: 5.495 quyết định, vi phạm trên các lĩnh vực: An ninh trật tự; Trật tự An toàn giao thông; Môi trường; Đất đai; Xây dựng nhà ở;…Trong đó phạt cảnh cáo: 246 quyết định, phạt tiền: 4.249 quyết định với tổng số tiền: 8.007.749.525 đồng; đã thi hành: 4.938 quyết định với tổng số tiền: 5.488.625.525 đồng, số quyết định chưa thi hành là: 472 quyết định với số tiền: 2.519.124.000 đồng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại một số huyện trên địa bàn tỉnh thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Kết quả đạt được, phần lớn các hồ sơ xử phạt, về cơ bản thực hiện tốt như: việc lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền pháp luật quy định; hồ sơ vi phạm có đánh số bút lục, lưu trữ ngăn nắp đảm bảo theo quy định tại Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; việc xác định hành vi vi phạm, xác minh làm rõ hành vi vi phạm được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; việc tra cứu, viện dẫn các điều luật đúng theo các quy định của từng lĩnh vực xử phạt chuyên ngành, từ đó đã góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
– Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như sau: trên các lĩnh vực: Môi trường; Đất đai; Xây dựng và An ninh trật tự, còn có một vài trường hợp trong biên bản vi phạm hành vi hành chính, đối tượng vi phạm không thuộc trường hợp được giải trình nhưng trong biên bản vi phạm hành chính lại ghi có quyền giải trình là không đúng theo quy định tại Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính; có trường hợp theo quy định phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng tại quyết định xử phạt không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả…Việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt gặp nhiều khó khăn do người vi phạm cố tình trốn tránh không chấp hành quyết định; đối tượng vi phạm thuộc gia đình khó khăn, không có nơi ở ổn định; mức phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kinh tế quá cao đối tượng không có khả năng nộp phạt nên không thành lập Hội đồng cưỡng chế được.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian tới. Đoàn Kiểm tra đề nghị các đơn vị được kiểm tra cần thực hiện một số nội dung sau:
1. Tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính của địa phương.
2. Quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phòng nghiệp vụ, lực lượng công chức, viên chức có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thường xuyên nghiên cứu, cập nhật kịp thời các văn bản mới ban hành và có hiệu lực thay thế có liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính, để đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính phù hợp các quy định của pháp luật; tăng cường tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thị xã để thực hiện đúng quy định.
3. Tiếp tục đôn đốc, tác động các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chưa thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền còn tồn đọng, chưa thi hành bằng các biện pháp cương quyết, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tạo sự công bằng xã hội, góp phần thiết lập trật tự kỹ cương, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
4. Tiếp tục phát huy các ưu điểm đã đạt được trong thời gian tới. Đồng thời đối với các đơn vị được kiểm tra có các hạn chế được nêu trên, cần chấn chỉnh, khắc phục ngay những sai sót trong thời gian tới, để công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đúng theo quy định của pháp luật./.
Võ Minh SangChuyên viên Phòng QLXLVPHC&TDTHPL