Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác hoà giải cơ sở trên địa bàn huyện Hồng Ngự

Thực hiện Kế hoạch số 1043/KH-STP ngày 11 tháng 8 năm 2021 của Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp về việc tập huấn nghiệp vụ hoà giải cơ sở năm 2021; Căn cứ Công văn số 1370/STP-PBGDPL ngày 22 tháng 10 năm 2021 của Sở Tư pháp về việc tổ chức tập huấn hòa giải cơ sở năm 2021.

Ngày 17 tháng 12 năm 2021, UBND huyện Hồng Ngự phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở năm 2021, với hình thức Hội nghị trực tuyến từ Huyện đến xã cho hơn 125 Hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn huyện Hồng Ngự.

Tại điểm cầu Huyện (Trung tâm học tập cộng đồng xã Thường Phước 2), tham dự gồm có: Ông Phạm Văn Phong – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, ông Nguyễn Văn Trung – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Tỉnh, bà Huỳnh Thị Phương Thịnh – Phó Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật; ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng Tư pháp cùng công chức của Phòng Tư pháp và Hòa giải viên của xã Thường Phước 2. Tại điểm cầu cấp xã có 115 đại biểu/09 xã, thị trấn là công chức Tư pháp Hòa giải – Pháp chế và các Hòa giải viên ở cơ sở.

Ông Phạm Văn Phong – Phó Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo tai Hội nghị tập huấn.

Tại Hội nghị, các Hòa giải viên đã được các Báo cáo viên truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013; tìm hiểu các kỹ năng trong công tác hòa giải như: Kỹ năng tìm hiểu và giải quyết các mâu thuẫn; kỹ năng phân tích đánh giá; kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe và đặt câu hỏi, các bước tiến hành hòa giải…Đồng thời, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện hòa giải các vụ việc ngay tại cơ sở và khi tiến hành hòa giải thì các Hòa giải viên phải thực hiện tốt các nguyên tắc trong công tác hòa giải đó là phải tôn trọng sự tự nguyện của các bên; bảo đảm phù hợp với chính sách; khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình, giữ bí mật thông tin cho các bên; tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; đảm bảo bình đẳng giới; không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo qui định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự có như vậy, việc hòa giải mới đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các Hòa giải viên còn được nắm bắt thêm một số văn bản hướng dẫn về hòa giải ở cơ sở như Công văn liên ngành số 1503/BTP-PBGDPL ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.

Cũng tại Hội nghị các Báo cáo viên đã giới thiệu thêm một số vụ việc hòa giải cụ thể ở cơ sở đã thực hiện thành công nhờ công tác hòa giải để các Hòa giải viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực hiện tốt công tác hòa giải ngay tại cơ sở. Đây thực sự là dịp để các Hòa giải viên nắm rõ các kiến thức, kỹ năng hòa giải để vận dụng linh hoạt trong hoạt động hòa giải ở cơ sở từ đó, tăng tỷ lệ hòa giải thành ngay tại cơ sở, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Qua buổi tập huấn các Hòa giải viên tại 10 điểm cầu cấp xã được giao lưu trả lời các câu hỏi với một không khí sôi nổi, nhiệt tình, qua đó các Hòa giải viên rút kết được những thực tiễn từ địa phương khác, tiếp tục nghiên cứu các văn bản pháp, Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 để áp dụng đúng các quy định của pháp luật về các lĩnh vực này trong thực hiện công tác hòa giải ở địa phương, đơn vị mình, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong chấp hành pháp luật, nhằm hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư./.

Trần Minh Trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *