Sáng ngày 13 tháng 4 năm 2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ông Lê Tiến Châu – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội; cùng sự tham dự của Bộ Tư pháp, các chuyên gia, nhà khoa học, các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các tổ chức chính trị – xã hội; Ban Dân vận Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Uỷ ban pháp luật của Quốc hội; Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH; lãnh đạo Bộ Nội vụ (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) và một số cơ quan Trung ương liên quan khác;
Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp là bà Đoàn Thị Nghiệp – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh; cùng sự tham dự Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh, các Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh, các tổ chức chính trị – xã hội Tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố,xã, phường, thành phố Cao Lãnh.
Bố cục Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (DCƠCS) gồm 6 chương, 49 điều. Phạm vi điều chỉnh Luật này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện DCƠCS; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra Nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện DCƠCS, sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 trong tháng 5/2022 và sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 4 trong tháng 10/2022. Mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân DCƠCS, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện DCƠCS. Dự thảo Luật có những điểm mới cơ bản: Về quy định chung; về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn; về thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị; về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở; về Thanh tra Nhân dân; về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
Để phản biện xã hội dự án Luật Thực hiện DCƠCS đạt kết quả tốt nhất, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gợi ý các nội dung cần nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm để phản biện. Ða số đại biểu cho rằng Luật Thực hiện DCƠCS rất cần thiết nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Một số đại biểu nhấn mạnh vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội là rất quan trọng trong thực hiện quy chế DCƠCS, thể hiện việc tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên và Nhân dân phát huy quyền làm chủ, nâng cao năng lực làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Các đại biểu tham gia phát biểu phản biện nhiều vấn đề, lĩnh vực, trong đó, nhấn mạnh vấn đề liên quan đến MTTQ như: Luật cần quy định và phân định rõ cái nào là thanh tra, cái nào là giám sát (tránh sự nhận diện không rõ ràng dẫn đến chồng lấn); Điều 47 cần quy định rõ trách nhiệm, vai trò của MTTQ Việt Nam; Chương IV quy định về Thanh tra Nhân dân, cần xác định rõ hơn chức năng, bởi đây là thực hiện quy chế DCƠCS chứ không phải Luật giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân….
Trần Thắng