Giám đốc Sở Tư pháp giới thiệu một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định Tư pháp năm 2020

Ngày 16 tháng 9 năm 2020, Sở Tư pháp phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện Chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật giới thiệu những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 10 tháng 6 năm 2020.

Bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp trả lời trực tiếp với Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp tại Chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp trả lời phóng viên Đài PT&TH Đồng Tháp

Phóng viên: Xin bà cho biết Luật Giám định tư pháp sửa đổi năm 2020 đã mở rộng phạm vi của giám định tư pháp hơn so với luật hiện hành (Luật Giám định tư pháp 2012) đúng không, thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Phượng: Luật Giám định tư pháp (GÐTP) mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 với nhiều nội dung mới cơ bản.

Nếu nói về “Phạm vi điều chỉnh” thì Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp vẫn được giữ nguyên so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng và đáp ứng nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng, phạm vi GÐTP đã được mở rộng theo hướng GÐTP được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành (tại khoản 1 Ðiều 2)

Đồng thời để khắc phục một số hạn chế về kết luận GÐTP trong thực tiễn hiện nay, Ðiều 32 được sửa đổi, bổ sung theo hướng kết luận giám định phải rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định; bỏ quy định về chứng thực chữ ký của người giám định theo quy định của pháp luật về chứng thực khi trưng cầu, yêu cầu giám định đích danh cá nhân người giám định.

Luật đã bổ sung cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp. Ngoài trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận, đăng tải, rà soát, cập nhật danh sách người GÐTP theo vụ việc, tổ chức GÐTP. Ðặc biệt, bổ sung quy định trong trường hợp đặc biệt, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố (khoản 2 Ðiều 20). Ðây là quy định mới nhằm huy động các chuyên gia có kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cao tham gia hoạt động GÐTP để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nói chung, án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

Phóng viên: Để khắc phục tình trạng kéo dài thời hạn trong hoạt động giám định ảnh hưởng tới tiến độ xét xử, thời hạn giám định được Luật quy định như thế nào?

Bà Lê Thị Hồng Phượng: Đây là quy định hoàn toàn mới được bổ sung tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, theo đó, thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự (Điều 26a).

Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc giám định bắt buộc về tố tụng hình sự tối đa là 03 tháng.

Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì tối đa là 04 tháng.

Đối chiếu với quy định về thời hạn giám định trong tố tụng hình sự thì thời hạn giám định dài nhất cũng chỉ là 03 tháng.

Như vậy, theo các quy định vừa nêu, thì tối đa thời hạn giám định tư pháp không quá 04 tháng. Đây cũng là điểm mới để khắc phục tình trạng kéo dài thời hạn trong hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới.

Phóng viên: Ngoài ra, Luật còn quy định cụ thể hơn cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan trưng cầu và tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp, xin thông tin cụ thể hơn về quy định này?

Bà Lê Thị Hồng Phượng: Câu hỏi này rất hay, đây cũng là điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, để giải quyết bớt vướng mắc, khó khăn trong công tác phối hợp thực hiện nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức, cụ thể là:

Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định. (khoản 5 Điều 25)

Trường hợp các nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn có quan hệ mật thiết với nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức mà việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định, ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định phải xác định được nội dung chính cần giám định để xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp trong việc thực hiện giám định. Tổ chức chủ trì có trách nhiệm làm đầu mối tổ chức triển khai việc giám định chung và thực hiện giám định phần nội dung chuyên môn của mình.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp phải có văn bản cử người giám định gửi người trưng cầu giám định; đối với tổ chức phối hợp thực hiện giám định thì còn phải gửi văn bản cử người giám định cho tổ chức chủ trì việc thực hiện giám định. Tổ chức chủ trì phải tổ chức ngay việc giám định sau khi nhận được văn bản cử người của tổ chức phối hợp thực hiện giám định. Việc giám định trong trường hợp này được thực hiện theo hình thức giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.

Trường hợp phát sinh vướng mắc trong việc trưng cầu, phối hợp thực hiện giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ trì, phối hợp với tổ chức được trưng cầu để giải quyết.

Phóng viên: Xin bà cho biết điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp đã được luật thay đổi so với quy định hiện nay như thế nào?

Bà Lê Thị Hồng Phượng: Theo khoản 1 Điều 15 Luật Giám định tư pháp năm 2012, giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ điều kiện sau đây:

– Có từ đủ 05 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng;

– Có Đề án thành lập nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp có hiệu lực, việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp sẽ được nới lỏng điều kiện. Cụ thể, giám định viên tư pháp cần có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng thay vì phải hoạt động từ đủ 05 năm trở lên trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng.

Phóng viên: Luật còn bổ sung việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, xin bà cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Bà Lê Thị Hồng Phượng: Đây cũng là quy định mới trong Luật Giám định tư pháp

Trong quá trình thực hiện giám định tại cơ quan, tổ chức hoặc tham gia phiên tòa để giải thích, bảo vệ kết luận giám định do mình thực hiện, giám định viên cần chứng minh tư cách giám định viên tư pháp bằng cách xuất trình Quyết định bổ nhiệm, điều này gây bất tiện cho giám định viên tư pháp.

Do đó, Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp đã bổ sung quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp nhằm tạo thuận lợi cho giám định viên.

Cụ thể, người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì được cấp thẻ giám định viên tư pháp. Người có thẩm quyền bổ nhiệm thì có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp. Bộ Tư pháp sẽ ban hành thống nhất mẫu thẻ giám định viên tư pháp.

Còn đối với người được miễn nhiệm giám định viên tư pháp sẽ bị thu hồi thẻ giám định viên tư pháp từ người có thẩm quyền miễn nhiệm và điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp.

Phóng viên: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, xin bà cho biết công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở tỉnh ta như thế nào?

Bà Lê Thị Hồng Phượng: Hiện nay, Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương; chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn khác giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp trong thời gian tới.

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý; phối hợp với Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương; phân công đơn vị làm đầu mối giúp cơ quan chuyên môn trong việc quản lý công tác giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định của Luật này, tiếp nhận hồ sơ của người đề nghị, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.

Tính đến hiện nay, trên địa bàn tỉnh có:

– 112 Giám định viên tư pháp.

– 02 Tổ chức giám định tư pháp công lập. (Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp; Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Tháp).

– 01 Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc (Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng).

Với những thông tin được chia sẻ của bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp, mong rằng mọi người sẽ được tiếp cận và hiểu rõ hơn một số quy định mới của Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung năm 2020. Nội dung này được phát trong Chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên sóng phát thanh và truyền hình Đồng Tháp./.

Đăng Khoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *