Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết “Câu chuyện thứ 100” của tác giả Xích Lô

Vẫn là câu chuyện cũ như 99 câu chuyện trước đó – chuyện về Hội quán – một sáng kiến của người dân đất Sen hồng. “Tân Thuận Hội quán”, cột mốc đánh dấu Hội quán thứ 100, ra đời trên mảnh đất kênh Hội đồng Tường, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh quê mình. Hơn 3 năm từ khi Canh Tân Hội quán – Hội quán đầu tiên ra đời – đến nay, đã có Hội quán thứ 100. Vậy là nhanh hay chậm? Nhiều hay ít? Chắc là mỗi người, mỗi góc nhìn sẽ có câu trả lời khác nhau…

Hội quán là một thiết chế mới, mà cái gì mới thì không tránh khỏi những ý kiến “vào ra”, không tránh khỏi ưu tư, không tránh khỏi nghi ngại. Có người nói “cái mới” mà nhận được sự đồng thuận ngay thì coi chừng không phải là “cái mới” nữa. “Cái mới” được hình thành đâu đó từ cái đã có nhưng cần thay đổi để thích ứng với điều kiện mới. “Cái mới” được hình thành từ những trăn trở trong dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống. “Cái mới” có thể xuất phát từ một người nhưng để hoàn thiện, được đồng thuận cao, cần đến sự đồng cảm, hun đúc của nhiều người. Một khối óc sao bằng nhiều khối óc hợp lại? Nhịp đập của một trái tim sao bằng nhịp đập của muôn vạn con tim? Một bàn tay sao bằng muôn vạn bàn tay?

Trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm của dân tộc, tinh thần cộng đồng là một đặc điểm của người Việt mình. Tinh thần cộng đồng giúp chống lại các cuộc xâm lăng của ngoại bang. Tinh thần cộng đồng giúp chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt, với sự rình rập muôn ngàn thú dữ trong hành trình mở cõi. Tinh thần cộng đồng giúp mọi người gần nhau, nắm tay nhau trên hành trình dựng nước và giữ nước. “Tình nghĩa xóm làng”, tinh thần nhân văn, nhân ái là những giá trị truyền thống tốt đẹp của làng quê xưa. Lịch sử đã chứng minh rằng, khi càng có biến cố, bà con mình càng cố kết bền chặt với nhau hơn. Đại dịch Covid-19 là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần cộng đồng của người dân khi có biến cố đe doạ cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà, mỗi thôn xóm.

Tuy nhiên, đi vào cuộc sống bình thường, tinh thần cộng đồng, giá trị truyền thống quý giá của dân tộc, đâu đó có khi bị nhạt nhoà dần. Lợi ích giữa người này xung đột với lợi ích của người khác. Vậy là, khoảng cách giữa người này với người kia, nhà này với nhà kia, xóm này với xóm kia xa dần. Tinh thần “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” bị cản trở bởi nếp nghĩ: “Đèn nhà ai nấy rạng, ruộng nhà ai nấy làm”. Dường như tất cả chung quy lại do cách nghĩ “chia phần chiếc bánh” – “Người khác mà ăn thì mình phải nhịn” sao? Chưa kể là sĩ diện, là “chiếu trên, chiếu dưới”, “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Xử lý xung đột thì chỉ dựa vào cái lý khô khan mà quên rằng: “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”.

Đừng thấy biển im lặng mà nghĩ trong lòng đại dương không có sóng ngầm. Cuộc sống đâu bao giờ bằng phẳng, công việc sản xuất, kinh doanh của bà con mình đâu có bao giờ là mãi suôn sẻ. Không có gì là bất biến trong một thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Cái “biến thứ nhất” là “biến đổi khí hậu” đang tác động đến nền nông nghiệp: Hạn hán, ngập mặn, cạn kiệt nguồn nước, sạt lở, suy giảm phù sa, mưa nắng thất thường, dịch bệnh vô chừng… Cái “biến thứ hai” là “biến động thị trường”, thị trường này “mở ra” thì thì trường kia “khép lại”. Cái “biến thứ ba” là “biến chuyển tâm lý người tiêu dùng” ngày càng khó tính hơn, không chỉ sử dụng một sản phẩm hữu hình, mà còn cảm thụ với góc độ văn hoá, cảm xúc.

Thị trường cũng là “chiến trường”, người ta đang cạnh tranh nhau bằng tri thức mới, bằng công nghệ mới, bằng phương thức mới. Người ta thành công không còn theo lối nghĩ “Lấy cần cù bù thông minh” nữa! Cái gì người ta cũng gắn vào hai chữ “thông minh”: Nông nghiệp thông minh, mua bán thông minh, cộng đồng thông minh, nông dân thông minh… Cái gì người ta cũng gắn vào hai chữ “tri thức”: Kinh tế tri thức, xã hội tri thức, con người tri thức, nông dân tri thức…

Vậy là, đã có “biến” rồi còn gì! Vậy là, “nước tới chân” rồi còn gì! Vậy là, lại cần đến tinh thần cộng đồng rồi còn gì! Tinh thần cộng đồng, trước hết là tinh thần hợp tác với nhau, người này hợp tác với người kia, nhà này hợp tác với nhà kia, xóm này hợp tác với xóm kia. Hợp tác tạo ra nguồn lực nhiều hơn. “Hợp quần tạo sức mạnh” mà! Cái không gian Hội quán ra đời là vì vậy! 100 Hội quán lần lượt ra đời là vì vậy! Mỗi Hội quán có thể là tập hợp những người với nghề nghiệp khác nhau, nhiều ít khác nhau, nhưng tất cả đều dựa trên tinh thần cộng đồng và vì cộng đồng.

Cái không gian Hội quán bình dị hôm nay là để hướng tới những mục tiêu lớn lao sau này, đó là: Hướng mỗi người biết gắn vận mệnh của mình với vận mệnh chung của cộng đồng, biết tạo ra sức mạnh cộng đồng để thích nghi, ứng phó với những biến cố xảy ra mà không ai có thể lường trước được!

Chúc mừng “Ngôi nhà chung thứ 100” của bà con quê mình – Hội quán thứ 100 của Đất Sen hồng!

Tác giả: Xích Lô

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *