Đừng bỏ quên người nông dân trong ngôi nhà, ruộng vườn của mình. Đừng để người nông dân một mình xoay xở trước dòng chảy thay đổi không ngừng.
Vừa rồi, nhận được tin nhắn đầy của một doanh nhân trong ngành hàng lúa gạo: “Anh ơi, nếu người nông dân xứ mình mà chỉ trồng lúa thì dù năng suất có cao đến đâu thì vẫn nghèo, cùng lắm chỉ là khá thôi”.
Đúng rồi, hãy thử tính tỷ suất lợi nhuận của bà con trồng lúa mà xem. Trong điều kiện bình thường vẫn ở mức thấp, không dễ để đạt ba mươi phần trăm như mong muốn. Trong khi đó, giá lúa luôn dao động, khi thấp khi cao, người trồng thấp thỏm theo từng mùa vụ, nhưng chi phí đầu vào luôn tăng, có khi chỉ lấy công làm lời.
Ngày xưa, người ta nói chắc nịch: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Ngày nay, người ta khắc khoải: “làm nông nghèo lắm, làm lúa lại càng nghèo hơn!”. Ngày qua ngày, bao dòng người gác lại nghề nông, rời xa ruộng vườn quê nhà, xuôi về đô thị, trung tâm công nghiệp, chấp nhận rủi ro, để có thu nhập tốt hơn. Sao cứ thấy cay cay!
Thật ra, chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp, từ nông thôn ra đô thị là quy luật tất yếu của các nước trong tiến trình chuyển đổi kinh tế, cũng là sự vận động bình thường của xã hội.
Đó là “lực hút”, là “nước chảy về chỗ trũng”. Tuy nhiên, bên cạnh “lực hút”, còn có “lực đẩy”, đẩy những người nông dân rời khỏi miền quê. Đó là, nghề nông thuộc nhóm ngành nghề thu nhập thấp nhất, bấp bênh nhất. Đó là, thiếu những cơ hội việc làm tại chỗ lúc nông nhàn để hạn chế tình trạng “ly nông, ly hương”. Đó là, sự hạn chế về điều kiện, cơ hội tiếp cận với những nhu cầu cơ bản như các tiện ích xã hội, giáo dục chất lượng cao, chăm sóc sức khoẻ, đời sống văn hoá – tinh thần,…
“Người trồng lúa thiếu thốn nhiều thứ, nhưng có một thứ dư thừa, đó là thời gian” – thêm một trăn trở từ doanh nhân trên. Đúng rồi, bây giờ nghề nông, trong đó, có trồng lúa, tương đối nhàn hạ nhờ máy móc hỗ trợ từ khi làm đất, xuống giống, bón thuốc đến tưới tiêu, thu hoạch… Về miền quê mùa nông nhàn sẽ cảm nhận được điều đó.
Chỗ này nhóm lại theo dõi phim truyền hình, chương trình ca nhạc, giải trí. Chỗ kia rủ nhau mâm tiệc náo nhiệt, chung vui từ lý do này đến lý do khác. Quán nhậu bình dân át dần các điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, sân chơi thể dục, thể thao.
Có phải vậy chăng mà năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp đứng thấp nhất, đóng góp của nhân lực nông nghiệp cho tăng trưởng vẫn dừng lại ở mức khiêm tốn?
Ông bà ta đã tổng kết: “Thời gian là tiền bạc”. Tại sao chúng ta không biết cách tận dụng thời gian nhàn rỗi một cách hiệu quả hơn?
Tư duy quản trị khác với tư duy quản lý. Quản lý hướng đến ngắn hạn, quản trị hướng dài hạn. Quản lý hướng đến những nguồn lực đang có, quản trị hướng đến mở rộng nguồn lực. Quản lý theo hướng đơn giá trị, quản trị hướng đến tích hợp đa giá trị. Vậy, tạo thêm cơ hội việc làm cho khu vực nông thôn, hay bao quát hơn, là mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn cần được xem là một chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Do đó, trước hết, cần nhìn nhận “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” trong tổng thể không gian phát triển mang tính động, đa chiều, đa tầng, chứ không chỉ gói gọn trong quan niệm: nông dân chỉ làm mỗi nghề nông ở nông thôn.
Nhìn thẳng, nói thật, không phải để bi quan về bức tranh nông thôn toàn những gam màu xám. Nhìn thẳng, nói thật, để đối mặt với những nút thắt, điểm nghẽn, cần sớm được tháo gỡ, khơi thông. Nông thôn luôn chuyển động theo dòng chảy thay đổi, phát triển của đất nước. Song, nếu tự bằng lòng về những chỉ tiêu, con số, so với kế hoạch đề ra, so với “cùng kỳ năm trước”, thì sẽ khó có thể mở ra dư địa tăng trưởng mới. Cần hướng đến phát triển theo chiều sâu khi các kết quả về năng suất, sản lượng đã gần như chạm ngưỡng.
Nếu tính toán doanh thu, lợi nhuận mà quên tổng hợp đầy đủ các chi phí đầu vào dù ít dù nhiều, thì chưa thể nhận thấy nhu cầu bức thiết để thay đổi. Nếu chỉ quan tâm, trông chờ vào giá cả có thể tăng đột biến trong một hai mùa vụ, thì vẫn chưa chủ động tìm kiếm, tạo thêm nguồn thu nhập khác ngoài nghề nông.
Nếu cứ tìm cách bán nhanh, bán hết nông sản vừa thu hoạch được, thì khó lòng chăm chút, đầu tư cho các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, vốn có thể mang lại tổng lợi nhuận tốt hơn. Nếu chỉ tập trung vào một vài mô hình hoạt động hiệu quả, nhưng không biết cách giới thiệu, nhân rộng, thì không thể lan toả hiệu ứng thay đổi tích cực.
Thời gian qua, các đề án đào tạo nghề nông thôn đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây đó hiệu quả chưa cao, chưa góp phần tạo nên khu vực kinh tế nông thôn đúng nghĩa.
Khu vực kinh tế nông thôn không thể hình thành nếu chỉ xoay quanh hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật sản xuất, canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, đan lát, may thêu, cơ khí, điện lạnh, du lịch,…, mà để trống việc tìm hiểu, kết nối thị trường tiêu thụ.
Khu vực kinh tế nông thôn là một hệ sinh thái cần đến sự tham gia tích cực, năng động của chính người dân, cộng đồng dân cư nông thôn, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ,…
Khu vực kinh tế nông thôn đòi hỏi vai trò hỗ trợ, đồng hành của cả hệ thống và sự định hướng, dẫn dắt của cộng đồng doanh nghiệp. Ở nhiều đất nước tiên tiến, “người đi trước rước người đi sau” là một quan niệm sống, một nét ứng xử văn hoá, một nghĩa cử cao đẹp.
Đừng đưa hết trách nhiệm về người nông dân. Đừng bỏ quên người nông dân trong ngôi nhà, ruộng vườn của mình. Đừng để người nông dân một mình xoay xở trước dòng chảy thay đổi không ngừng.
Hãy nhắc nhau rằng: “Kỳ thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi”. Hãy cùng người nông dân tìm con đường hướng về phía trước.
Hãy bắt đầu cách đặt vấn đề, xác định mục tiêu trong các kế hoạch, báo cáo của ngành nông nghiệp.
Bên cạnh các số liệu về chỉ tiêu sản xuất, sản lượng, cần có nội dung cụ thể về phát triển khu vực kinh tế nông thôn.
Một doanh nhân tổng kết thành công của mình bằng một câu thật sâu sắc: “Khi người khác đếm điều không thể thì tôi đếm từng điều có thể”. Thay đổi nhỏ, kết quả lớn. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay!
Theo tác giả Xích Lô. Nguồn: nongnghiep.vn