Thông điệp này được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh tại Hội nghị công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương; Chỉ số cải cách hành chính; Chỉ số hài lòng năm 2019. Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu trên.
Tôi muốn mở đầu phát biểu này bằng một câu hỏi: “Các đồng chí suy nghĩ như thế nào về kết quả thực hiện các chỉ số vừa được công bố hôm nay?” Chắc chắn là sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, vui mừng, phấn khởi khi địa phương mình, ngành mình được tăng hạng, tăng điểm và cũng có cảm giác buồn và cũng có thể là chưa “tâm phục, khẩu phục” với kết quả công bố. Nhưng sau tất cả, tôi mong muốn chúng ta cùng bình tâm nhìn lại công tác chỉ đạo điều hành của mình trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Như các đồng chí đã biết, suốt hơn 10 năm qua, Đồng Tháp đã rất nỗ lực để luôn nằm trong Top đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, khi tôi xem báo cáo PCI năm 2018 nhận thấy: có đến 68% doanh nghiệp cho rằng “Có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành” và có 56% doanh nghiệp phản ánh “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện”.
Chính vì thế, Tỉnh đã quyết định triển khai thực hiện Bộ Chỉ số DDCI để nhận diện cụ thể hơn công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các sở, ban ngành và các địa phương. Do đây là năm đầu tiên thực hiện nên cũng còn có những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, về cơ bản kết quả này được thực hiện trên cơ sở khoa học, khảo sát khách quan. Vì vậy, tôi đề nghị lãnh đạo 15 sở, ngành và 12 UBND huyện, thị, thành phố tập trung phát huy những điểm mạnh của mình, đồng thời khắc phục ngay những mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Cụ thể như nhóm sở, ngành cần tập trung cải thiện 02 chỉ số thành phần là cạnh tranh bình đẳng và chi phí không chính thức. Đối với nhóm địa phương cần tập trung vào 03 nội dung gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động.
Tôi cũng đề nghị các đơn vị cần nghiêm túc rút kinh nghiệm đợt khảo sát đầu tiên, khắc phục tình trạng không cung cấp thông tin hoặc cung cấp không đầy đủ làm ảnh hưởng kết quả khảo sát. Nhân đây, tôi xin chân thành cám ơn những ý kiến góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, sự tham gia phối hợp thực hiện của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng. Sau cuộc họp hôm nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan điều phối chịu trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số, phục vụ cho việc đánh giá các năm tiếp theo.
Về công tác cải cách hành chính, kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, năm qua chúng ta đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình mới như: Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022, Mô hình “Giải quyết thủ tục hành chính 04 tại chỗ trong 01 ngày” đối với 23 thủ tục về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các thủ tục liên thông; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cấp… Các mô hình này không chỉ góp phần nâng cao thứ hạng các chỉ số như năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, chỉ số hài lòng mà quan trọng hơn là tạo dựng niềm tin, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, doanh nghiệp về hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thay mặt UBND tỉnh, tôi ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đã nỗ lực đạt được trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt là các đơn vị dẫn đầu và có sự cải thiện rõ nét so với năm trước.
Đối với năm 2020 này là năm cuối kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội, cũng là năm cuối thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. UBND tỉnh dự kiến sẽ tổ chức hội nghị tổng kết trong tháng 6. Do đó, trên cơ sở kết quả công bố hôm nay, tôi đề nghị các địa phương, đơn vị rà soát những nội dung còn hạn chế, khuyết điểm, tập trung đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính để đề xuất các mục tiêu, giải pháp phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương trong giai đoạn mới.
Tôi cũng đề nghị các đồng chí lưu ý thêm, Bộ chỉ số cải cách hành chính do Bộ Nội vụ ban hành, hằng năm luôn cập nhật nhiều tiêu chí mới, mang tính tổng hợp và nâng cao hơn (cụ thể như năm nay có thêm đánh giá Mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH do HĐND Tỉnh giao; Tỷ lệ tăng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn; Tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách tỉnh của khu vực doanh nghiệp…), do đó, các địa phương, đơn vị phải chú trọng các nội dung, tiêu chí thành phần của chỉ số, đặc biệt là thích ứng nhanh với các tiêu chí mới sửa đổi để không bị động trong khâu tổ chức thực hiện.
Chúng ta đều đã xác định, cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để tạo dựng lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của bộ máy công quyền. Đây cũng là chìa khóa quan trọng để xây dựng hình ảnh địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2020 này tôi mong muốn mỗi cơ quan, đơn vị đều đăng ký những công trình, những việc làm cụ thể để cải tiến, đổi mới hiệu quả nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Trước hết, các sở ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc phối hợp xử lý thông tin qua Tổng đài 1022; đẩy mạnh rà soát các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền để kiến nghị bãi bỏ, giảm thời gian giải quyết, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu chính công ích, thực hiện mô hình Hẹn giờ thực hiện các thủ tục hành chính tại nhà theo yêu cầu.
Trên tinh thần “Bớt nói suông, tăng làm thật”, từng cán bộ, công chức, viên chức dù ở vị trí nào cũng đều phải gương mẫu, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Trước hết, Thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện phải kiểm soát được công việc của cán bộ đang làm, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hồ sơ trễ hẹn và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu. Nếu phát hiện cán bộ có biểu hiện trên thì người đứng đầu phải có biện pháp xử lý kịp thời. Trong trường hợp có hồ sơ trễ hẹn thì phải có thư xin lỗi và lần sau phải thực hiện đúng thời gian đã cam kết. Kết quả cải cách hành chính hằng năm sẽ là cơ sở để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp. UBND Tỉnh sẽ xem xét điều chuyển để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đề cao vai trò người đứng đầu để kéo cả con tàu nhưng để cho đoàn tàu về tới đích thì từng người trong các toa tàu cũng phải nỗ lực. Nhân đây, tôi cũng mong muốn mỗi cán bộ, công chức phải thấy được trách nhiệm của mình đối với xã hội, với người dân. Những công việc dù nhỏ nhất cũng phải chăm chút thực hiện bằng tất cả tinh thần trách nhiệm của mình. Một hành động dù là nhỏ nhất nhưng để giúp cho người dân tiện lợi hơn thì cán bộ, công chức phải suy nghĩ để làm cho bằng được, chứ không phải chỉ là những việc lớn về thể chế, về cơ chế chính sách.
Thời gian qua, cá nhân tôi và tập thể lãnh đạo UBND Tỉnh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực cải cách hành chính, từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, đến tạo mọi điều kiện để anh em học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…, vấn đề còn lại là cán bộ, công chức có đủ năng lực, trách nhiệm và tâm huyết để nỗ lực thực hiện nhiệm vụ hay không? Tôi nói điều này để các đồng chí lưu ý, nếu cán bộ, công chức cảm thấy không đủ gắn bó thì nên rời khỏi bộ máy.
Bên cạnh đó, UBND Tỉnh cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, bà con nhân dân, báo chí… tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân.
Với quyết tâm trên, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng rằng, công tác cải cách hành chính sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hướng đến sự hài lòng cao nhất của tổ chức, công dân.
Ban Biên tập