Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết “Viết tiếp câu chuyện dựng người” của tác giả Xích Lô

Vậy là, các cấp, các ngành của mình đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng theo quy định, đó là quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới và cho cả những nhiệm kỳ tiếp theo. Những câu đã thành thuộc làu đối với cán bộ lãnh đạo: Nào là, “có vào, có ra”, “có lên, có xuống”. Nào là, “động” và “mở”. Nào là, tiêu chuẩn và điều kiện, năng lực và phẩm chất, đức và tài, hồng và chuyên. Mục tiêu của quy hoạch là chọn được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý ngang tầm với một giai đoạn mới. Vậy thì, “mẫu số chung” của đội ngũ ấy là như thế nào? Giai đoạn mới có những đặc trưng gì đòi hỏi phải có một lớp người tương xứng?
Đất nước mình đã mở cửa để hội nhập với thế giới bao la từ lâu lắm rồi. Ngay ở xứ mình thì mỗi năm cũng có hàng trăm đoàn khách đến từ những dân tộc khác nhau để thăm viếng, để hợp tác đầu tư. Họ đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau, phong cách làm việc khác nhau, thậm chí họ đã là “công dân toàn cầu, doanh nhân toàn cầu”. Vậy thì, đội ngũ lãnh đạo ngày mai phải là những người đủ khả năng hội nhập, hay chí ít, không còn rụt rè trong môi trường đa chủng tộc, đa văn hoá như vậy. “Chơi” với người ta thì phải đoán được suy nghĩ của người ta để làm chủ được cuộc chơi. “Chơi” với người ta thì cũng là dịp mình được giao lưu, học hỏi cái hay, cái tiến bộ, chớ hổng lẻ cái gì cũng định kiến với họ. Muốn học thì phải hỏi, mà muốn hỏi thì rụt rè sao được? Chơi với người ta hổng lẻ chỉ đem toàn chuyện “trên đồng, dưới ruộng” ra mà nói?
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang cuồn cuộn thổi khắp nơi trên thế giới. Những gì mà trước đây con người cho là viễn tưởng, là không tưởng thì nay đang len lỏi vào từng nhà máy, cánh đồng, vào từng tổ chức, doanh nghiệp. Vậy thì, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải biết nắm bắt những thành tựu vĩ đại của nhân loại. Cuộc Cách mạng 4.0 dựa trên 3 trụ cột: “Trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật và kho dữ liệu lớn” đang làm gia tăng một cách nhảy vọt năng suất lao động và hiệu suất làm việc. Thịnh vượng hay tụt hậu, suy cho cùng, là ở năng suất và hiệu suất. Trong thời đại mà người ta cạnh tranh với nhau dựa vào đổi mới sáng tạo thì không cho phép sự đúc khuôn, sao chép, máy móc, nhất là căn bệnh giáo điều. Thiên hạ thì đã “bốn chấm”, hổng lẻ mình cứ mãi “một chấm, hai chấm?”. Vậy thì làm sao mà ngồi ngang hàng để ăn nói với người ta. Người ta thì tác phong làm việc khoa học, lấy hiệu quả làm thước đo, còn mình thì lắm lúc rề rà, hình thức thì sao mà hợp tác với nhau được? Người ta đến làm việc thì gọn nhẹ, chỉ vài ba người với cái máy tính, còn mình thì đủ ban bệ, nào lãnh đạo, nào chuyên viên với một đống tài liệu, giấy tờ mang theo.
Đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngày mai phải là những người thấm đẫm tinh thần văn hoá, nhân văn. Văn hoá ứng xử trong bộ máy như thế nào thì văn hoá ngoài xã hội như thế ấy. Văn hoá là cội nguồn của sức mạnh, là sợi dây vô hình kết nối người với người lại với nhau, xua đi những đố kỵ, hẹp hòi, những “bề trên, phận dưới”, những dòm ngó, chỉ trích. Lãnh đạo đâu chỉ bằng mệnh lệnh, là quyền lực. Lãnh đạo còn là và cần là biết truyền cảm hứng, trước hết là trong bộ máy, rồi ra ngoài xã hội. Lãnh đạo đâu chỉ là người ngồi chờ chỉ đạo của cấp trên. Lãnh đạo là người nhìn thấy sức mạnh của đông đảo người dân và biết khơi gợi nguồn sức mạnh đó để đồng hành trên con đường phát triển. Lãnh đạo là người biết tư duy hệ thống và hành động hệ thống.
Đội ngũ lãnh đạo quản lý ngày mai phải là những người biết ray rứt, khắc khoải về mức thu nhập bình quân của người dân còn thấp lắm so với thiên hạ. Biết và nhớ như vậy để đừng hô khẩu hiệu suông mà phải cùng nhau hành động, hành động quyết liệt. Biết và nhớ như vậy để vượt qua “bệnh kiêu ngạo cộng sản” và “bệnh ấu trĩ tả khuynh” như Lê-Nin từng cảnh báo. Biết để đừng “đủng đa đủng đỉnh”, mà cùng nhau “chạy” như câu chuyện ngụ ngôn: “Mỗi sáng ở Châu Phi, một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng, nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất nếu không muốn bị giết. Mỗi sáng, một con sư tử thức dậy, nó biết rằng, nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói. Điều quan trọng không phải ở chỗ bạn là sư tử hay linh dương. Khi Mặt Trời mọc, bạn hãy bắt đầu chạy”.
Muốn có được đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngày mai ngang tầm thì phải chọn được những người ham học, ham tìm kiếm cái mới. Đội ngũ đó luôn tâm niệm rằng “Không học là lùi” như Bác Hồ đã từng nhắc nhở. Lùi cho chính bản thân mình và kéo theo lùi cho cả quê hương, xứ sở. Vì vậy đội ngũ đó phải biết tiếp cận tri thức và chuyển hoá tri thức ấy vào nghị quyết, kế hoạch hành động. Đội ngũ đó không vội vui mừng vì được quy hoạch chức này, chức nọ, mà phải biết tự soi rọi bản thân mình coi đã ngang tầm chưa và làm sao để ngang tầm với xu thế thay đổi của thế giới, với trọng trách mà người dân đã giao cho mình.
Hình như mẫu số chung của đội ngũ cán bộ quản lý cho ngày mai là vậy, là vậy! Nếu không được như vậy thì chỉ có “Đại hội thành công tốt đẹp” mà xứ sở thì khó mà thành công tốt đẹp!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *