Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết Câu chuyện “trù phú” của tác giải Xích Lô

Thường thì, người ta nói đến cụm từ “trù phú” là để nhận định về sự sung túc, giàu có của một địa phương, một vùng miền nào đó. Vừa rồi, bất ngờ được nghe một vị Giáo sư, người đến thực hiện chương trình “Cấy nền” cho các bạn trẻ khởi nghiệp và các cán bộ, lãnh đạo quê mình, sử dụng cụm từ “trù phú” để nói đến con người. Có “con người trù phú” thì sẽ có “địa phương trù phú”. Ngẫm nghĩ và suy tưởng, thấy khám phá ra những điều thật hay, thật sâu, ẩn đằng sau cụm từ “trù phú” vốn quá đổi quen thuộc này.

Nếu nói “trù phú” là để chỉ sự giàu có, thì “con người trù phú” phải chăng là những con người giàu có? Hay ngược lại, những người giàu có là những “con người trù phú”? Có thể đúng, mà cũng có thể chưa đúng, chưa đầy đủ, theo nghĩa rộng của cụm từ này. Giàu có bây giờ người ta đâu chỉ bó hẹp trong tiền tài, danh vọng, cổ phiếu, nhà cao cửa rộng, xe cộ đắc tiền… Tâm hồn cởi mở cũng là sự giàu có. Tinh thần nhân ái, nghĩa tình cũng là sự giàu có. Sự chia sẻ với cộng đồng cũng là sự giàu có. Kiến thức cũng là sự giàu có. Năng lượng trong mỗi con người cũng là sự giàu có. Thì đó, trong xã hội đâu thiếu những người nhà cao cửa rộng, vật chất tiền tài đếm không xuể nhưng tối ngày “kín cổng cao tường”. Họ tự thu mình lại trong một “ốc đảo”. Trong xã hội cũng đâu thiếu người phẩm hàm, địa vị cao, nhưng sống lủi thủi một mình. Trong xã hội đâu thiếu những người “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”, nhìn người khác đầy rẻ khinh. Trong xã hội cũng đâu thiếu người tự cho mình kiến thức đong đầy, có dịp là lên giọng rao giảng, dạy đời. Họ có đáng gọi là giàu có không?

Một hành tinh hơn 7 tỷ người. Một xã hội mênh mông. Mình có hơn tất cả những con người ấy không, có đi nhiều hơn không, có từng trải nghiệm thế giới bao la này không? Chắc chắn là không rồi! Vậy thì, mình đã là con người giàu có được hiểu theo nghĩa rộng không? Chắc chắn là không rồi! Vậy, sao không biết thiết lập hoặc gia nhập vào các mối quan hệ xã hội để tìm kiếm, kết nối với muôn vàn người giỏi giang, kiến thức uyên thâm hơn mình, giàu năng lượng hơn mình. Đầu óc mà không rộng mở thì dễ sinh ra tự huyễn hoặc mình. Đầu óc mà không rộng mở thì dễ dẫn đến đố kỵ, hẹp hòi. Đầu óc mà không rộng mở thì dễ sa vào chỉ trích người khác thay vì tìm đến sự cân bằng giữa các mối quan hệ.

Xã hội với nhiều ngành nghề, lĩnh vực, thiên hướng, tuổi tác, giới tính khác nhau đang ngày đêm vận động để tồn tại và phát triển. Những người khác nhau ấy lại có sự tương tác, bổ trợ, gây hiệu ứng cho nhau, cộng hưởng cho nhau. Nếu tách bạch ra thì rồi sẽ dẫn đến cục bộ, xem mình, nhóm của mình, nghề của mình là quan trọng hơn hết. Nếu cộng hưởng vào sẽ tìm thấy được mẫu số chung từ trong những cái riêng tưởng chừng như không dính dáng gì với nhau, thậm chí là mâu thuẫn với nhau. Thời đại ngày nay, những vấn đề kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, văn hoá, nghệ thuật, xã hội… đều có thể chấp cánh cho nhau, làm “trù phú” cho nhau để cùng tiến về phía trước.

Mối quan hệ xã hội, về mặt nào đó cũng tương tự như hệ sinh thái thiên nhiên luôn tự tuần hoàn từ ngàn đời nay. Sự “trù phú” có được là nhờ sự vận hành một cách tự nhiên các mối quan hệ xã hội, các hệ sinh thái. Như vậy, muốn trở thành “con người trù phú” thì đừng bó hẹp, khuôn mình lại với những vị trí, thứ bậc xã hội, với những phẩm hàm, nghề nghiệp hoạt động. Mỗi con người chỉ ví như là “hạt cát”, nhưng nhóm nhiều người lại trong một hay nhiều mối quan hệ xã hội, một hay nhiều hệ sinh thái, chúng ta sẽ trở thành đại dương bao la.

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, trong kho tàng ca dao tục ngữ, có biết bao minh chứng cho sức mạnh của việc hợp tác. Khi còn cắp sách đến trường, đã được nghe thầy cô giảng câu “Hợp quần nên sức mạnh”. Lúc ấy, chỉ nghĩ đơn giản rằng nhiều người hợp sức lại thì sẽ có sức mạnh thôi. Bây giờ ngẫm lại câu tục ngữ ấy còn sâu sắc hơn nhiều. Nhiều người hợp lại thì sẽ truyền năng lượng cho nhau, truyền sự hưng phấn cho nhau, truyền cảm xúc tích cực cho nhau. Nghĩa là làm “trù phú” cho nhau. Đó mới chính là sức mạnh của sự hợp quần, của một mạng lưới xã hội, một hệ sinh thái. Vậy, mỗi người không nên chọn cho mình con đường sống tách biệt với các mối quan hệ xã hội, các hệ sinh thái nào đó. Đừng tự biến mình thành “Ếch ngồi đáy giếng”!

Những người “nông dân trù phú” sẽ có những mảnh vườn “trù phú”, thửa ruộng “trù phú”, ao cá “trù phú”. Những “doanh nhân trù phú” sẽ có những nhà máy “trù phú”, phân xưởng “trù phú”, doanh nghiệp “trù phú”. Những “trí thức trù phú” sẽ có những sáng tạo mang lại “trù phú” cho lĩnh vực, nghề nghiệp của mình. Từ những người “lãnh đạo trù phú”, sẽ làm lan toả tư duy hệ thống, tầm nhìn hệ thống, hành động hệ thống, từ đó, sẽ hình thành nên “địa phương trù phú”.

Ai cũng thích sống ở một miền đất “trù phú”. Cũng như vậy, ai cũng thích chọn người “trù phú” mà chơi. Vậy, nào hãy tự mình làm “trù phú” cho mình, làm “trù phú” lẫn nhau vì quê hương xứ sở Sen hồng ngày một “trù phú”!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *