I. LĨNH VỰC XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ
1. Đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức đánh giá mô hình pháp chế tại các Sở, ngành cấp tỉnh và phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 và các văn bản liên quan đến công tác pháp chế để phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương (UBND các tỉnh: Bến Tre, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Trị, Tuyên Quang).
Trả lời:
– Về tổ chức đánh giá mô hình pháp chế tại các Sở, ngành cấp tỉnh
Sau hơn 8 năm thực hiện, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, trong đó có vấn đề về tổ chức và mô hình tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó, để có cơ sở cho việc kiến nghị với cấp có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, trong đó có mô hình tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động để khảo sát, đánh giá về tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ như tổ chức các Đoàn công tác liên ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ) hoặc các Đoàn công tác do Bộ Tư pháp tổ chức đi khảo sát tại một số địa phương như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ…; tổ chức các Hội nghị đối thoại về công tác pháp chế tại 2 miền Nam, Bắc; nhiều hội thảo, tọa đàm để đánh giá về mô hình tổ chức pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương. Thông qua các hoạt động này, Bộ đã thu nhận được nhiều ý kiến liên quan đến mô hình tổ chức pháp chế, qua đó, có cơ sở để tổng hợp, nghiên cứu và đề xuất với cấp có thẩm quyền về mô hình tổ chức pháp chế để thực hiện khả thi và thống nhất trong phạm vi cả nước sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung.
– Về kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 và các văn bản liên quan đến công tác pháp chế để phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương
Hiện nay Chính phủ đang xem xét để ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan đến cơ cấu tổ chức, trong đó có Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi Chính phủ thông qua Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế của Bộ, ngành và địa phương.
2. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu thêm về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ở địa phương để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế (UBND thành phố Đà Nẵng).
Trả lời:
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp đã thực hiện một số hoạt động sau đây: (1) nghiên cứu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015; (2) đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; (3) tổ chức các hội thảo khoa học đánh giá tình hình thực hiện Luật năm 2015 và tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phần lớn đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật của địa phương đã được Bộ Tư pháp đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là: giới hạn phạm vi nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách; việc ban hành thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính đã ban hành trước ngày 01/7/2016; xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; sửa một số quy định về thời hạn và thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. Phần lớn nội dung đề xuất sửa đổi liên quan đến việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương đã được Quốc hội chấp thuận.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV đã cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 2015. Hiện tại, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội. Những khó khăn, vướng mắc của địa phương sẽ được Bộ Tư pháp tiếp tục cập nhật, nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2020).
3.Đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ pháp chế chuyên trách của ngành mình ít nhất 01 lần/năm để nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ này. Hiện nay, nhiều Bộ, ngành chưa quan tâm tổ chức tập huấn cho cán bộ pháp chế ngành tại địa phương(UBND thành phố Đà Nẵng).
Trả lời:
Việc nâng cao trình độ cho cán bộ pháp chế là hết sức cần thiết và thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương đang quản lý đội ngũ cán bộ pháp chế. Về phía Bộ Tư pháp, việc tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ người làm công tác pháp chế luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ người làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, năm 2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt cán bộ, công chức tư pháp, pháp luật cả Trung ương và địa phương, trong đó đã đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn chuyên sâu với nhiều hình thức, biên soạn nhiều tài liệu, cuốn sổ tay, cẩm nang về công tác pháp chế như: phổ biến, giáo dục pháp luật, soạn thảo, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật v..v… cho đội ngũ người làm công tác pháp chế với nhiều nội dung quan trọng, thiết thực.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu để có công văn đề nghị các Bộ, ngành tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ pháp chế chuyên trách của Ngành mình. Đồng thời, tại các diễn đàn về công tác pháp chế, Bộ Tư pháp sẽ trao đổi và đề nghị các Bộ, ngành trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan để tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp bồi dưỡng, lớp tập huấn về công tác pháp chế, pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế trên toàn hệ thống của Ngành mình (ưu tiên các lớp tập huấn về công tác xây dựng pháp luật), tạo điều kiện để người làm công tác pháp chế được học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ này để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
4.Đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: bổ sung các trường hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn của địa phương; cân nhắc thời gian đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc giao trách nhiệm cho cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản được quyết định thời gian lấy ý kiến trên cơ sở tính chất và nội dung của văn bản nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung thời gian có văn bản góp ý của Bộ, ngành Trung ương đối với văn bản quy phạm pháp luật của địa phương gửi lấy ý kiến; về hình thức văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp theo quy định hoặc có nội dung trái pháp luật; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật gây hậu quả (UBND tỉnh Đồng Nai).
Trả lời:
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 21/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với cơ quan của Quốc hội để nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (tháng 5/2020).
– Về bổ sung các trường hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn của địa phương
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật năm 2015) quy định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong 03 trường hợp sau: (1) Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội; (2) Trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định; (3) Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với VBQPPL mới được ban hành.
Trong thời gian qua, đã phát sinh một số trường hợp cần phải ban hành ngay văn bản để xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn như: trường hợp ban hành văn bản để bãi bỏ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp tình hình phát triển kinh tế – xã hội; kéo dài thời gian thực hiện văn bản; ban hành thông tư để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn (điều chỉnh giá xăng, dầu, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy…). Do đó, nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng quy định như Luật năm 2015 hiện hành là cứng nhắc, chưa sát thực tế và đề nghị bổ sung một số trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để đáp ứng nhu cầu thực tế trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL ở nước ta hiện nay.
Bộ Tư pháp đã đề xuất sửa các Điều 146, 147, 148 của Luật năm 2015, theo đó sửa đổi khoản 2 Điều 146 để cho phép thêm 03 trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, cụ thể là: (1) để bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội; (2) để kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn; (3) phải ban hành ngay văn bản để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên theo yêu cầu về thời hạn thực hiện quy định trong điều ước quốc tế đó.
– Về thời gian đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc giao trách nhiệm cho cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản được quyết định thời gian lấy ý kến trên cơ sở tính chất và nội dung của văn bản nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật
Luật năm 2015 quy định cụ thể về thời hạn đăng tải dự thảo văn bản trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh như đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được đăng tải toàn văn trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố thuộc trung ương trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến (Khoản 1 Điều 120).
Việc đăng tải nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân góp ý vào nội dung của dự thảo văn bản, góp phần nâng cao chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật. Quy định của Luật năm 2015 về thời hạn đăng tải dự thảo văn bản của địa phương theo kết quả báo cáo đánh giá 3 năm thi hành luật về cơ bản không có vướng mắc.
Luật năm 2015 chỉ quy định thời hạn tối thiểu cho việc đăng tải và lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn toàn có thể chủ động trong việc lấy ý kiến. Do đó việc giao trách nhiệm cho cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản được quyết định thời gian lấy ý kến trên cơ sở tính chất và nội dung của văn bản có thể dẫn đến tình trạng không bảo đảm thời gian để các đối tượng được lấy ý kiến có ý kiến góp ý cho văn bản, giảm tính công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng văn bản.
– Về bổ sung quy định về thời gian có văn bản góp ý của Bộ, ngành Trung ương đối với văn bản quy phạm pháp luật của địa phương gửi lấy ý kiến
Luật năm 2015, đã quy định rất rõ về thời gian lấy ý kiến và trách nhiệm của bộ, ngành trong việc trả lời ý kiến của địa phương (15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý đối với dự án luật, pháp lệnh; 10 ngày đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh). Những vướng mắc, bất cập mà địa phương phản ánh chủ yếu là do việc thi hành chưa tốt. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đề nghị các bộ, ngành thực hiện đúng quy định của Luật để bảo đảm tiến độ và chất lượng ý kiến góp ý của Bộ, ngành, địa phương.
– Về hình thức văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp theo quy định hoặc có nội dung trái pháp luật
Khoản 1 Điều 12 của Luật năm 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền”. Theo quy định của Luật, văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp theo quy định hoặc có nội dung trái pháp luật có thể bị bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị bãi bỏ bằng văn bản hành chính hoặc văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền.
Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành quy định nhiều biểu, mẫu văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của địa phương phản ánh, hiện nay chưa có mẫu văn bản quy phạm pháp luật ban hành để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, trong đó bổ sung mẫu văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.
– Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật gây hậu quả
Luật năm 2015 đã xác định mối quan hệ trách nhiệm và phạm vi trách nhiệm của từng chủ thể trong “từng khâu” của quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: cơ quan chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm trước cơ quan trình hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự án, dự thảo văn bản; cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước cơ quan trình hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản về kết quả thẩm định; cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành… Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài xử lý đối với việc ban hành trái pháp luật. Khoản 8 Điều 7 của Luật năm 2015 chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan nếu dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất.
5. Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trước mắt đề nghị nghiên cứu để kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP để thống nhất cách hiểu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Trả lời:
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2019). Trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2020). Dự kiến Luật sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2021.
Phần lớn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật đã được Bộ Tư pháp ghi nhận và đưa vào Báo cáo đánh giá 3 năm thi hành luật cũng như dự thảo Luật. Nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đã được Quốc hội chấp thuận.
Một số khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đề xuất sẽ được nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, việc ban hành Thông tư hướng dẫn các quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP để thống nhất cách hiểu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là không cần thiết.
Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, Bộ Tư pháp đã có công văn số 4218/BTP-VĐCXDPL ngày 28/11/2016 trả lời về một số quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và các công văn hướng dẫn nghiệp vụ khác. Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn xuất bản các sách hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách, kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, công văn trả lời bộ, ngành, địa phương đều được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
6. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của địa phương. Theo đó, tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ chuyên ngành (Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính) xây dựng Thông tư quy định về tổ chức bộ máy, biên chế của tổ chức pháp chế, quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế đặc biệt là cán bộ làm công tác pháp chế thuộc Sở Tư pháp (UBND các tỉnh Khánh Hòa, Nghệ An, Phú Thọ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Trả lời:
– Về việc đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của địa phương
Hiện nay Chính phủ đang xem xét để ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan đến cơ cấu tổ chức, trong đó có Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi Chính phủ thông qua Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế của Bộ, ngành và địa phương.
Để công tác pháp chế ở địa phương được thực hiện tốt, Bộ Tư pháp đề nghị địa phương cần phải xác định vị trí việc làm của người làm công tác pháp chế trong các Đề án vị trí việc làm của địa phương để mỗi cơ quan có đầu mối làm công tác pháp chế. Về phía Bộ Tư pháp, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trong thời gian tới.
– Về việc đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ chuyên ngành (Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính) xây dựng Thông tư quy định về tổ chức bộ máy, biên chế của tổ chức pháp chế:
Ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, có liên quan trong việc xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế của tổ chức pháp chế và tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế, Bộ Tư pháp đã nhiều lần xin ý kiến Bộ Nội vụ về dự thảo Thông tư liên tịch này.
Hiện nay, Chính phủ đang xem xét để ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan đến cơ cấu tổ chức, trong đó có Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi Chính phủ thông qua Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế của Bộ, ngành và địa phương, trong đó có vấn đề về tổ chức, bộ máy, biên chế của tổ chức pháp chế.
– Về việc đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cấp có thẩm quyền để quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế đặc biệt là cán bộ làm công tác pháp chế thuộc Sở Tư pháp:
Có thể nói, cán bộ làm công tác pháp chế ngày càng được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp; tuy nhiên, chế độ chính sách cho đội ngũ này mặc dù đã được quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn để thực hiện, mặc dù, Bộ Tư pháp đã cố gắng tham mưu áp dụng. Lý do, ngày 27/5/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Kết luận số 63-KL/TW về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, để thực hiện Kết luận này, Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu về chế độ phụ cấp, trong đó có chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề[1] sẽ được xử lý trong Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.
7. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ có giải pháp để giúp địa phương thành lập các Phòng Pháp chế của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đảm bảo chất lượng công tác pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ (UBND tỉnh Khánh Hòa).
Trả lời:
Việc thành lập Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là yêu cầu được quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh gọn biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì việc thành lập các Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là rất khó. Vì vậy, để công tác pháp chế ở địa phương được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, đề nghị các địa phương ưu tiên, tập trung thời gian, nguồn lực cho công tác pháp chế trên cơ sở bám sát một trong các định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới là xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp và thực hiện nghiêm Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kế hoạch số 1141-KH/BCĐCP ngày 11/11/2016 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục duy trì tổ chức pháp chế ở các địa phương; đồng thời căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương để sắp xếp, bố trí, ổn định đội ngũ cán bộ bảo đảm đủ về số lượng, có trình độ, chất lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công việc.
8. Hiện nay, công chức pháp chế là biên chế thuộc các Sở, ngành do các Sở, ngành quản lý nhưng Điều 15 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế quy định Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp UBND tỉnh trong việc quản lý công tác pháp chế ở địa phương. Thực tiễn Sở Tư pháp chỉ thực hiện được 3 nhiệm vụ đó là: tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế; báo cáo công tác pháp chế theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra công tác pháp chế. Đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản đề xuất Chính phủ trong ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cần quy định thêm nhiệm vụ pháp chế tại các Sở, ngành (UBND tỉnh Quảng Nam).
Trả lời:
Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, địa phương được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật…Đây là các văn bản pháp lý quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương, Sở Tư pháp các tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ về công tác pháp chế. Hiện nay, Chính phủ đang xem xét để ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan đến cơ cấu tổ chức, trong đó có Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi Chính phủ thông qua Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, trong đó có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
9. Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ pháp chế về quy trình, kỹ năng xây dựng chính sách, nghiệp vụ đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL, soạn thảo VBQPPL, kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới trong xây dựng VBQPPL nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác này (UBND các tỉnh: Khánh Hòa, Nghệ An).
Trả lời:
Nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác pháp chế, thời gian qua Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên sâu với nội dung phong phú, thiết thực cho đội ngũ làm công tác pháp chế Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, Bộ đã biên soạn và phát hành Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tác động của chính sách và Sổ tay soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác pháp chế, Bộ sẽ tiếp tục đổi mới về nội dung, phương pháp, chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ pháp chế, trong đó chú trọng đến các nội dung tập huấn liên quan đến công tác xây dựng pháp luật như tập huấn về quy trình, kỹ năng xây dựng chính sách, nghiệp vụ đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL, soạn thảo VBQPPL, kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới trong xây dựng VBQPPL…).
10. Đối với công tác lấy ý kiến dự thảo VBQPPL do Trung ương ban hành, đề nghị Bộ Tư pháp gửi sớm và cho địa phương thời hạn nhiều ngày để việc lấy ý kiến đóng góp cho nội dung dự thảo bảo đảm chất lượng nhất là đối với những văn bản phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan, nhiều cấp nhằm tránh việc lấy ý kiến hình thức (UBND tỉnh Vĩnh Long).
Trả lời:
Đối với việc lấy ý kiến dự án, dự thảo VBQPPL do cơ quan nhà nước ở Trung ương soạn thảo (gồm: luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ), Luật năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến” (khoản 1 Điều 57, Điều 91, điểm d khoản 2 Điều 97, khoản 2 Điều 101). Do vậy, khi gửi dự án, dự thảo VBQPPL cho các Bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo VBQPPL có trách nhiệm tuân thủ và bảo đảm đúng thời hạn nêu trên.
Bên cạnh đó, để bảo đảm thực chất, tránh hình thức trong quá trình tổ chức lấy ý kiến, Luật năm 2015 quy định cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm “nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến” (khoản 1 Điều 57).
Như vậy, Luật năm 2015 đã quy định cụ thể, rõ ràng và hợp lý về chủ thể lấy ý kiến, thời hạn lấy ý kiến và trách nhiệm của cơ quan lấy ý kiến và cơ quan, tổ chức được đề nghị góp kiến. Theo đó, thời hạn 20 ngày để cơ quan, tổ chức trả lời bằng văn bản là hợp lý và đủ để các cơ quan, tổ chức này tổ chức nghiên cứu hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng văn bản góp ý đối với dự án, dự thảo VBQPPL.
Tuy nhiên, đúng như địa phương nêu, thời gian qua việc lấy ý kiến dự án, dự thảo VBQPPL nhìn chung còn mang tính hình thức, đôi khi cơ quan chủ trì soạn thảo cũng chưa tuân thủ nghiêm quy định của Luật năm 2015 về thời hạn lấy ý kiến. Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ soạn thảo cho người làm công tác soạn thảo của các bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó chú trọng hơn đến kỹ năng tổ chức lấy ý kiến dự án, dự thảo VBQPPL. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc lấy ý kiến, trước tiên cần thực hiện việc lấy ý kiến theo các nguyên tắc chung được áp dụng rộng rãi trên thế giới như việc lấy ý kiến phải bảo đảm đầy đủ, truyền đạt rõ ràng, thông điệp gửi đi phải ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với trình độ của đối tượng lấy ý kiến, xác định phương pháp lấy ý kiến phù hợp với từng đối tượng được lấy ý kiến.
Hai là, trong quá trình thẩm định dự án, dự thảo, Bộ Tư pháp chú trọng hơn nữa trong việc phát biểu ý kiến thẩm định về việc tuân thủ hồ sơ, trình tự, thủ tục soạn thảo nói chung và trình tự, thủ tục lấy ý kiến đối với dự án, dự thảo nói riêng.
Ba là, nghiên cứu, xây dựng cơ chế giám sát việc tổ chức lấy ý kiến, tham gia góp ý kiến và trách nhiệm giải trình, phản hồi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy trình lấy ý kiến dự án, dự thảo VBQPPL.
Bốn là, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lấy ý kiến góp ý, mở rộng quyền của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và hiệp hội trong việc tham gia các công việc của Nhà nước, minh bạch hoá quá trình nhận ý kiến góp ý và phản hồi về những vấn đề được góp ý.
11. Đối với việc góp ý văn bản quy phạm pháp luật, ngoài việc góp ý bằng văn bản, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu có cơ chế trao đổi, thảo luận giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan được lấy ý kiến để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất đồng giữa các cơ quan, tạo sự đồng thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản, từ đó giúp cho quá trình triển khai thực hiện, áp dụng văn bản sau này được thuận lợi (Đài truyền hình Việt Nam).
Trả lời:
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) là quy định các hình thức lấy ý kiến đa dạng, phong phú hơn so với các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước đây. Cụ thể là ngoài lấy ý kiến bằng văn bản, có thể lấy ý kiến bằng các hình thức khác như lấy ý kiến trực tiếp, lấy ý kiến thông qua hội thảo, tọa đàm hoặc các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết (khoản 2 Điều 113). Bên cạnh đó, Luật năm 2015 còn có các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất đồng giữa các cơ quan, tạo sự đồng thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản, từ đó giúp cho quá trình triển khai thực hiện, áp dụng văn bản sau này được thuận lợi. Cụ thể như sau:
Điều 94 Luật năm 2015 quy định: “Trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về những vấn đề lớn thuộc nội dung của dự thảo nghị định thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp gồm đại diện lãnh đạo của cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan để thảo luận trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định. Căn cứ vào ý kiến tại cuộc họp này, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ”.
Điều 100 của Luật quy định: “Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp gồm đại diện lãnh đạo của cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp, lãnh đạo của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan để giải quyết trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định khi trình quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.
Điều 104 của Luật năm 2015 quy định: “trong trường hợp dự thảo còn vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các đơn vị thì tổ chức pháp chế chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thống nhất ý kiến trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Căn cứ vào ý kiến tại cuộc họp này, đơn vị chủ trì soạn thảo phối hợp với tổ chức pháp chế, các đơn vị có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo thông tư trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”.
Điều 10, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định trong trường hợp cần thiết cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức họp để lấy ý kiến về những chính sách cơ bản trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy, ngoài việc lấy ý kiến và góp ý bằng văn bản, Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định nhiều hình thức để trao đổi, thảo luận giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan được lấy ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất đồng giữa các cơ quan, tạo sự đồng thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản. Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đều quy định về việc thảo luận trước giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm thẩm định và các cơ quan có liên quan (bao gồm cả cơ quan được lấy ý kiến) về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng của VBQPPL, cần phải tăng cường hơn nữa cơ chế đối thoại và tăng cường cơ chế trao đổi, phối hợp trực tiếp giữa các cơ quan, tổ chức để bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật và tạo thuận lợi cho việc thi hành văn bản sau khi được ban hành.
12. Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác pháp chế, đề nghị cần có ý kiến đối với các Bộ, ngành trong việc lấy ý kiến đóng góp văn bản quy phạm pháp luật, chỉ nên lấy ý kiến cơ quan thuộc Chính phủ đối với các văn bản liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đó (Đài Truyền hình Việt Nam).
Trả lời:
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) có nhiều quy định mang tính chất đột phá, trong đó có những quy định về đổi mới quy trình tham gia, góp ý kiến xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nội dung này được thể hiện dưới một số điểm chính như sau:
Một là, đối với luật, pháp lệnh việc lấy ý kiến được coi là thủ tục bắt buộc trong cả giai đoạn đề nghị xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo. Thời hạn đăng tải để lấy ý kiến ít nhất 30 ngày với đề nghị xây dựng chính sách và ít nhất 60 ngày với dự án, dự thảo văn bản.
Hai là, quy định cơ quan, tổ chức lấy ý kiến phải xác định rõ địa chỉ đăng tải, tiếp nhận ý kiến góp ý. Báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trình; trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình và trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Bà là, ngoài việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật năm 2015 quy định trách nhiệm bắt buộc lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và đề nghị xây dựng nghị định.
Bốn là, nội dung lấy kiến phải phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và tập trung vào những chính sách lớn, quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân. Trong thời gian dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết đang được lấy ý kiến nếu cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý lại dự thảo văn bản mà khác với dự thảo đã đăng tải trước đó thì phải đăng lại dự thảo văn bản đã được chỉnh lý (khoản 1 Điều 57).
Năm là, quy định các hình thức lấy ý kiến đa dạng, phong phú như: đăng tải để lấy ý kiến, lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo, tọa đàm hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết (khoản 2 Điều 113).
Sáu là, tăng cường trách nhiệm giải trình ý kiến góp ý bằng việc bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý; đăng tải công khai báo cáo giải trình, tiếp thu trên các cổng thông tin điện tử nêu trên (khoản 1 Điều 36, khoản 3 Điều 57, khoản 3 Điều 86). Bên cạnh đó, Luật năm 2015 bổ sung trách nhiệm phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức thành nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 5).
Tuy nhiên, hiện nay, việc lấy ý kiến đối với dự thảo VBQPPL còn dàn trải, mang tính hình thức, chưa đảm bảo được chất lượng. Để nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức lấy ý kiến đối với dự án, dự thảo VBQPPL, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường tập huấn cho bộ, ngành, địa phương về các phương pháp và cách thức lấy ý kiến dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng lấy ý kiến thực chất, đúng đối tượng, tránh dàn trải và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.
13. Đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức hội thảo, hội nghị và các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác pháp chế các Bộ, ngành, và công tác tư pháp, pháp chế các địa phương để trao đổi, học tập kinh nghiệm góp phần tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế; có biện pháp nhằm đa dạng hóa các hình thức tập huấn cho pháp chế Bộ, ngành trong các lĩnh vực về sở hữu trí tuệ, pháp luật về lao động, tài chính, hợp đồng…(Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam).
Trả lời:
Bộ Tư pháp luôn xác định việc tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ người làm công tác pháp chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ người làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương. Việc tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo về công tác pháp chế một mặt tạo điều kiện để người làm công tác pháp chế có điều kiện để trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương, mặt khác còn từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, từ đó giúp chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế ngày càng được nâng cao. Với tinh thần đó, những năm qua, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều đợt tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế trên cả nước. Đơn cử đối với lĩnh vực xây dựng pháp luật, trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức 10 hội tập huấn cho cán bộ pháp chế bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban công tác pháp chế để trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế. Riêng trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 hội nghị giao ban tại hai miền Nam – Bắc với chủ đề về công tác pháp chế và xây dựng pháp luật.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế với nhiều hình thức và nội dung đa dạng, phong phú hơn, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, pháp luật về lao động, tài chính, hợp đồng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cán bộ pháp chế Bộ, ngành, địa phương.
14. Việc yêu cầu đăng tải dự thảo VBQPPL trên Cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành là quá dài (30 ngày), việc quy định thời gian đăng tải như Luật làm kéo dài thời gian xây dựng VBQPPL, trong khi đó, việc lấy ý kiến dưới hình thức đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, ít hiệu quả và nhận được rất ít ý kiến tham gia góp ý. Do đó, đề nghị, Bộ Tư pháp chỉnh sửa nội dung này trong quá trình sửa Luật Ban hành VBQPPL (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (Luật năm 2015) quy định thời hạn đăng tải lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó:
Đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan đề nghị có trách nhiệm đăng tải toàn văn hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của cơ quan đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.
Đối với, thời hạn đăng tải dự thảo VBQPPL, Luật năm 2015 quy định cơ quan chủ trì soạn thảo phải đăng tải toàn văn dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ trong thời gian ít nhất là 60 ngày.
Quy định về việc đăng tải ở cả 2 giai đoạn theo quy định của Luật năm 2015 là phù hợp vì nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện và minh bạch, trong đó sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp luật. Sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chính sách, pháp luật giúp tránh được bệnh chủ quan, duy ý chí, áp đặt từ một phía của cơ quan quản lý nhà nước. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của đa số quần chúng nhân dân thì sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử để bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình từ xây dựng chính sách đến soạn thảo văn bản pháp luật không chỉ bảo đảm tính hợp lý về mặt nội dung của văn bản pháp luật mà còn tạo điều kiện cho sự đồng thuận và tuân thủ pháp luật trong quá trình thi hành. Ngoài ra, một quy trình lập pháp “mở” là yêu cầu bắt buộc đối với một xã hội phát triển.
Mặc dù việc đăng tải đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự hiệu quả, đôi khi còn hình thức. Việc tiếp thu, phản hồi ý kiến còn hình thức. Sự tham gia đóng góp của các cơ quan, tổ chức cá nhân thông qua các trong thông tin điện tử còn hạn chế về số lượng, thậm chí nhiều dự án luật không nhận được ý kiến đóng góp bằng hình thức này. Trên thực tế việc đăng tải chủ yếu bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật luật, còn việc bảo đảm sự tham gia góp ý phải thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong quá trình tổng kết, đánh giá 3 năm thi hành Luật cũng cho thấy việc đăng tải đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, việc bảo đảm công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật là yêu cầu bắt buộc. Đây cũng là khoảng thời gian hợp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp cận được đối với đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL và có đủ thời gian nghiên cứu, góp ý. Luật năm 2015 cho phép các cơ quan chủ động về thời điểm đăng tải lấy ý kiến, nhưng phải đăng tải đủ thời gian để bảo đảm chất lượng của đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo VBQPPL.
15. Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ thực hiện chủ chương sắp xếp bộ máy làm công tác xây dựng pháp luật của các Bộ, ngành theo hướng tập trung nguồn nhân lực, bảo đảm kinh phí để thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, pháp luật tương xứng với vị trí, vai trò của công tác xây dựng pháp luật (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Trả lời:
Công tác xây dựng thể chế là một hoạt động phức tạp, có liên quan đến nhiều mặt của đời sống, có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng trong xã hội. Để xây dựng, ban hành được một văn bản tốt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì cần có các điều kiện bảo đảm tương ứng về nguồn lực con người, phương tiện, cơ sở vật chất và kinh phí. Thực tế công tác xây dựng pháp luật thì bên cạnh yếu tố con người thì vấn đề kinh phí đảm bảo cho công tác này là cần thiết, không thể thiếu.
Với lý do đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) đã dành 01 điều (Điều 171) quy định về bảo đảm nguồn lực, bảo đảm kinh phí cho xây dựng, ban hành VBQPPL. Căn cứ quy định của Luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34) đã đưa ra các quy định cụ thể về bảo đảm nguồn lực, kinh phí cho hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL tại Chương X (11 điều từ Điều 172 đến Điều 182). Theo đó, tại Điều 173, 177, 179, 180, 181, 182 đã quy định chi tiết về bố trí nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành VBQPPL. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện pháp luật có trách nhiệm: (1) Bảo đảm đầy đủ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ trong tổng biên chế được giao tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; (2) Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật của cơ quan, địa phương mình; (3) Thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ, công chức để điều động, biệt phái cán bộ, công chức có năng lực, trình độ từ các cơ quan khác sang làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật khi có yêu cầu.
Thứ hai, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật có trách nhiệm ưu tiên bố trí kinh phí để hiện đại hóa phương tiện, hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thứ ba, kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật do ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp hiện hành.
Như vậy, theo quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34 thì việc kiện toàn bộ máy, sắp xếp nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật là trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ. Ngoài nguồn kinh phí do Nhà nước cấp, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ quan có thể huy động thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ các dự án, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để bổ sung vào kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Về phần mình, thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho bộ, ngành, địa phương. Định kỳ, Bộ Tư pháp tổ chức rà soát người làm công tác xây dựng pháp luật để có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho người làm công tác xây dựng pháp luật. Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu để báo cáo Chinh phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 34 nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, theo đó, vấn đề nguồn nhân lực sẽ là nội dung được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tiếp theo của công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tiến tới chuyên nghiệp hóa người làm công tác xây dựng pháp luật.
16. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, có cơ chế tài chính đủ vả bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật và công tác tư pháp nói chung để thu hút chuyên gia giỏi tham gia xây dựng pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông)
Luật năm 2015 đã có quy định về cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình lập đề nghị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể hóa quy định của Luật năm 2015, Điều 11 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) cho phép trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức lập đề nghị có thể huy động sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, hội, hiệp hội, tổ chức khác có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học vào các hoạt động như: (1) Tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; rà soát đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; (2) Khảo sát, điều tra xã hội học; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội có liên quan đến các chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (3) Tập hợp, nghiên cứu, so sánh tài liệu, điều ước quốc tế có liên quan đến các chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (4) Đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trong giai đoạn soạn thảo, các chuyên gia, nhà khoa học được quy định là thành phần bắt buộc trong Ban soạn thảo, trong Hội đồng thẩm định, Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế huy động chuyên gia, nhà khoa học, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã dành 01 điều (Điều 175) để quy định về điều kiện bảo đảm cho việc sử dụng chuyên gia trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản. Chuyên gia tham gia vào các công đoạn của quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được hưởng các chế độ sau: (1) Được nhận tiền thù lao theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa cơ quan, đơn vị chủ trì với chuyên gia; (2) Được cung cấp thông tin có liên quan trong quá trình thực hiện công việc; (3) Được hỗ trợ chi phí tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước có nội dung phù hợp với công việc của chuyên gia ghi trong hợp đồng với mức hỗ trợ theo quy định của pháp luật; (4) Có quyền đề xuất phương thức thực hiện công việc của chuyên gia ghi trong hợp đồng phù hợp với yêu cầu chuyên môn của công việc đó; (5) Được khen thưởng và vinh danh xứng đáng với kết quả, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Chuyên gia sẽ được nhận thù lao theo mức ghi trong hợp đồng và tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo phân cấp hoặc kinh phí hợp pháp khác dựa trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của chuyên gia.
Như vậy, về cơ bản, Luật năm 2015 và Nghị định số 34 đã quy định cụ thể các chế độ, chính sách để thu hút chuyên gia trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Để huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong công tác xây dựng pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ có thể huy động thêm các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ cho việc thuê các chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan có thể sử dụng nguồn kinh phí tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan để thuê chuyên gia. Bảo đảm gắn kết giữa công tác nghiên cứu khoa học và xây dựng pháp luật.
17. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng cơ chế cho phép thuê chuyên gia tham vấn hoạch định chính sách bằng kinh phí ngân sách cho các Bộ ngành có cơ sở thực hiện, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Trả lời:
Luật năm 2015 đã dành 01 điều (Điều 171) quy định về bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành VBQPPL. Căn cứ quy định của Luật năm 2015, Nghị định số 34 đã đưa ra các quy định cụ thể về bảo đảm nguồn lực cho hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL tại Chương X (11 điều từ Điều 172 đến Điều 182), Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật (Thông tư số 338) cũng quy định mức chi cụ thể đối với hoạt động này. Theo đó, tại Điều 175, 181, 182 Nghị định số 34, khoản 8 Điều 4 Thông tư số 338 đã quy định chi tiết về chế độ của các chuyên gia tham gia vào quá trình lập đề nghị. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, Hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật được ngân sách nhà nước cấp kinh phí. Hoạt động lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh gồm các hoạt động như: tổng kết việc thi hành pháp luật; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội có liên quan; nghiên cứu khoa học, thông tin tư liệu, Điều ước quốc tế, dịch tài liệu của nước ngoài ra tiếng Việt; xây dựng nội dung của chính sách; đánh giá tác động của chính sách; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan; chỉnh lý, hoàn thiện đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; lập các loại danh Mục, chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương. Như vậy, Luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rất cụ thể về việc sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên của các bộ, cơ quan ngang bộ cho công tác xây dựng pháp luật, trong đó có mục chi cho chuyên gia.
Thứ hai, kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bao gồm cả kinh phí lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, do ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên của bộ, ngành và cơ quan chuyên môn ở địa phương. Ngoài nguồn kinh phí này, ngân sách nhà nước bố trí một Khoản kinh phí để hỗ trợ cho việc xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bao gồm cả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được phê duyệt và cấp cho cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
Thứ ba, trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng chuyên gia có năng lực phù hợp với từng công việc.
Thứ tư, chuyên gia được nhận tiền thù lao theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa cơ quan, đơn vị chủ trì với chuyên gia; được hỗ trợ chi phí tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước có nội dung phù hợp với công việc của chuyên gia ghi trong hợp đồng với mức hỗ trợ theo quy định của pháp luật;
Thứ năm, Tiền thù lao và tiền hỗ trợ cho chuyên gia được thực hiện theo các quy định sau: (1) Tiền thù lao và tiền hỗ trợ cho chuyên gia được thanh toán từ ngân sách nhà nước theo phân cấp hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có); (2) Tiền thù lao cho chuyên gia được thanh toán theo mức ghi trong hợp đồng; (3) Việc thanh, quyết toán tiền thù lao và tiền hỗ trợ cho chuyên gia được thực hiện theo quy định của pháp luật và trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của chuyên gia.
Thứ sáu, quy định về định mức chi cho các nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đócó chi lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia độc lập: Trong trường hợp đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thuyết minh, tờ trình, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các báo cáo chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia độc lập thì mức chi 1.000.000 đồng/báo cáo.
Như vậy, về cơ bản, Luật năm 2015, Nghị định số 34, Thông tư số 338 đã có quy định về cơ chế cho phép thuê chuyên gia tham vấn hoạch định chính sách bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Luật cũng không cấm các cơ quan chủ trì soạn thảo huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài để hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có hoạt động xây dựng chính sách.
18. Đề nghị Bộ Tư pháp có giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng văn bản, giảm xung đột, chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện nay để tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, có giải pháp tích hợp, giảm số lượng văn bản quy phạm pháp luật để làm minh bạch, rõ ràng, tăng tính thống nhất, đồng bộ và tránh xung đột, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Trả lời:
Trong thời gian qua, mặc dù công tác xây dựng, ban hành VBQPPL đã đạt được nhiều tiến bộ về nội dung và chất lượng nhưng đúng như Quý Bộ đã nêu thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục khắc phục trong thời gian tới như: chất lượng của một số VBQPPL được ban hành còn thấp; tình trạng xung đột, chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản vẫn xảy ra; hệ thống VBQPPL nhìn chung còn tương đối cồng kềnh…
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế cho công tác xây dựng pháp luật (trình Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật) đến công tác chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên, liên tục đối với hoạt động xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Luật năm 2015 đã tiếp tục giảm 05 loại VBQPPL gồm: (1) Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị – xã hội; (2) Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với nhau; (3) Chỉ thị của UBND cấp tỉnh; (4) Chỉ thị của UBND cấp huyện; (5) Chỉ thị của UBND cấp xã. Như vậy, theo quy định của Luật năm 2015, hệ thống VBQPPL hiện hành chỉ còn 28loại văn bản.
Bên cạnh đó, Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định mới, hợp lý và chặt chẽ hơn nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng của VBQPPL như: quy định rõ hơn thẩm quyền về mặt nội dung và thẩm quyền về mặt hình thức của từng chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL; hạn chế nghiêm việc quy định thủ tục hành chính trong một số loại văn bản; quy định xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước trong việc đề nghị xây dựng văn bản, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, góp ý, ban hành VBQPPL; tăng cường công khai, dân chủ trong hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL…
Thứ hai, về sự quan tâm, chỉ đạocủa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác xây dựng pháp luật
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ luôn xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên đối với công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành VBQPPL nhằm kịp thời xử lý sai phạm trong trường hợp văn bản không bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc nội dung không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất. Ngày 8/9/2017, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1362/TTg-PL về việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo có trách nhiệm: (1) Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, cần chủ động báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, có ý kiến khác nhau cần phải được xử lý kịp thời, thống nhất ngay từ đầu để bảo đảm chất lượng và tiến độ của dự án; (2) Trong quá trình soạn thảo cần xác định rõ những nội dung trong luật, pháp lệnh giao quy định chi tiết, cơ quan có trách nhiệm soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết, hiệu lực của nội dung giao quy định chi tiết; Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các nội dung giao quy định chi tiết, kịp thời đề xuất xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết ngay sau khi luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp, lập Danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; (3) Tăng cường theo dõi, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động, sự tham gia và ý thức trách nhiệm của từng thành viên Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh. Trong báo cáo hằng quý gửi Bộ Tư pháp về tình hình, tiến độ soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo phải có nội dung báo cáo về tình hình và chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban soạn thảo; (4) Tuân thủ nghiêm các quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP liên quan đến thời hạn và hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra các đề nghị xây dựng, các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tại các Phiên họp thường kỳ Chính phủ, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng về công tác xây dựng pháp luật như: các bộ, cơ quan ngang bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; các bộ, cơ quan trình dự án luật phải chủ động, khẩn trương xây dựng, trình ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, không để khoảng trống pháp lý…
Thứ ba, về trách nhiệm của Bộ Tư pháp
Sau khi Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được ban hành, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai tốt Luật và Nghị định. Đồng thời, nhằm tinh gọn hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng của các VBQPPL, Bộ Tư pháp thực hiện nhiều nhiệm vụ như:
– Kiểm soát chất lượng ban hành VBQPPL thông qua công tác thẩm định, kiểm tra VBQPPL; theo dõi chặt chẽ các bộ, ngành trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
– Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nghiêm quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP trong việc ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao, hạn chế số lượng văn bản quy định chi tiết; đồng thời, thực hiện có hiệu quả quy định về việc soạn thảo, ban hành một văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều VBQPPL.
– Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan thường xuyên rà soát các VBQPPL để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ khi phát hiện những văn bản sai phạm, thiếu tính thống nhất, đồng bộ.
– Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho những người trực tiếp làm công tác xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định của các bộ, ngành, địa phương.
Một số giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới:
Với mục tiêu xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, gọn nhẹ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, trong thời gian tới, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, thực hiện hoặc tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành VBQPPL, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật năm 2015 thời gian qua.
Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Ba là, nghiên cứu cải tiến quy trình tổ chức thẩm định, nâng cao chất lượng thẩm định, kiên quyết không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án, dự thảo VBQPPL không cần thiết ban hành, không bảo đảm chất lượng; xây dựng cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, soạn thảo, thẩm định các dự án, dự thảo VBQPPL.
Bốn là, tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra VBQPPL nhằm kiểm soát chặt hơn tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL, đặc biệt là thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ để kịp thời bãi bỏ các văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội.
Năm là, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong việc bảo đảm nguồn nhân lực, kinh phí đối với công tác xây dựng VBQPPL để bảo đảm phù hợp với những yêu cầu mới và ngày càng cao của công tác này.
Sáu là, hiện đại hoá phương thức và phương tiện xây dựng pháp luật; khai thác, ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp, tiến độ, chất lượng và hiệu quả xây dựng pháp luật. Tăng cường hơn nữa việc áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình xây dựng văn bản để tổ chức, cá nhân có thể tham gia ý kiến trực tiếp, phản biện trong quá trình soạn thảo VBQPPL.
Bảy là, tập trung nguồn lực cho công tác tổ chức thi hành VBQPPL nhằm tạo sự gắn kết với công tác xây dựng, ban hành VBQPPL.
II. LĨNH VỰC KIỂM TRA, RÀ SOÁT, HỢP NHẤT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT, PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT
- Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính có sự điều chỉnh, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 8 năm 2011 của Liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Bởi xét thấy các căn cứ pháp lý sử dụng ban hành Thông tư đã hết hiệu lực và được thay thế bằng các văn bản khác (UBND các tỉnh: An Giang, Bình Dương).
Trả lời:
Ngày 30/01/2018, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 351/BTP-KTrVB gửi Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp với một số đề xuất như: bổ sung đối tượng điều chỉnh, nội dung chi; tăng định mức chi, hỗ trợ kinh phí đối với các trường hợp kiểm tra văn bản nhưng không phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật…).
Tuy nhiên, ngày 21/5/2018 Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức và viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và người lao động, nêu rõ: “Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo… ” (khoản 4 mục III); Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị” (khoản 2.2 mục II). Đồng thời, ngày 16/8/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó giao Bộ Tài chính “trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập theo các nội dung nêu tại tiết đ điểm 3.1 khoản 3 mục II và các giải pháp tài chính nêu tại khoản 4 mục III của Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa XII, hoàn thành trong quý IV năm 2018”. Trong bối cảnh Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo triển khai chủ trương cải cách chính sách tiền lương như đã nêu trên, Bộ Tư pháp thấy rằng hiện nay việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP (để thực hiện trong khoảng thời gian ngắn từ 2019-2020) là khó khả thi.
Vì vậy, để đảm bảo việc quán triệt chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải cách tiền lương, ngày 18/10/2018, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4002/BTP-KTrVB gửi Bộ Tài chính (là đơn vị được giao chủ trì sửa đổi Thông tư liên tịch nêu trên) đề xuất tiếp tục thực hiện kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản tại các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới theo Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP đến khi có chính sách tiền lương mới và tạm dừng việc sửa đổi, bổ sung Thông tư này.
- Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tập tăng cường huấn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản cho các địa phương đặc biệt là cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh để nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ này (UBND tỉnh Khánh Hòa).
Trả lời:
Thời gian qua, Bộ Tư pháp luôn chú trọng và tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bảnthông qua các lớpbồi dưỡng nghiệp vụ về công tác soạn thảo, ban hành văn bản QPPL do Bộ Tư pháp tổ chức hằng năm, trong đó, Cục Kiểm tra văn bản QPPL là đơn vị trực tiếp hướng dẫn, tập huấn, hướng dẫn về công tác kiểm tra, xử lý văn bản.
Bên cạnh đó, Cục Kiểm tra văn bản QPPL còn tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm liên quan đến công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, trong đó có nội dung tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực. Ví dụ như, đầu năm 2019, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã tổ chức một số hội thảo chuyên sâu về văn bản trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và kinh tế như: Hội thảo về “Công tác kiểm tra VBQPPL trong lĩnh vực tài nguyên môi trường”; Hội thảo về “Công ước Quốc tế về Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Công ước HS) và vấn đề nội luật hóa – các nội dung cần lưu ý khi kiểm tra văn bản trong lĩnh vực thuế, hải quan”. Các hội thảo này đều có thành phần là đại diện tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và Sở Tư pháp một số địa phương. Ngoài ra, trong các năm 2018, 2019 Cục đã cử nhiều lượt công chức làm báo cáo viên tập huấn kỹ năng nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL do các bộ, địa phương tổ chức (như: Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Tài chính; các địa phương như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Cà Mau…)
Bên cạnh việc tập huấn thông qua các lớp tập huấn, hội nghị, tọa đàm, Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp đã tổ chức biên soạn, phát hành và đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp 03 cuốn sách nghiệp vụ về các công tác nêu trên như: Sổ tay Hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL năm 2016; Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật năm 2016; Sổ tay tình huống nghiệp vụ kiểm tra, xử lý văn bản QPPL năm 2018. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương truy cập vào địa chỉ điện tử: http://hdnv.moj.gov.vn/Pages/trang-chu.aspx?lvid=21 hoặc Trang thông tin về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và hợp nhất văn bản QPPL tại Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp để nghiên cứu, tham khảo phục vụ cho việc năng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ công tác.
3. Đề nghị Bộ Tư pháp có cơ chế gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra văn bản với soạn thảo, thẩm định và theo dõi thi hành pháp luật, tăng cường năng lực xử lý những tình huống văn bản tác động tiêu cực về kinh tế- xã hội. Tổng hợp, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với những văn bản ban hành trái quy định (UBND tỉnh Nghệ An).
Trả lời:
Theo quy định hiện hành về kiểm tra văn bản QPPL tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL, trách nhiệm tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền đã được Chính phủ quy định cụ thể đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; HĐND, UBND các cấp; chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (tại các Điều 111, 113 và 114 của Nghị định). Theo đó, trong quá trình tổ chức triển khai công tác kiểm tra văn bản, các cơ quan được giao thẩm quyền kiểm tra văn bản cần có cơ chế gắn kết công tác này với công tác soạn thảo, thẩm định và theo dõi thi hành pháp luật; đặc biệt, trong quá trình triển khai nhiệm vụ tự kiểm tra văn bản do mình ban hành, cơ quan kiểm tra cần gắn kết chặt chẽ việc tự kiểm tra văn bản với việc soạn thảo, thẩm định và theo dõi thi hành pháp luật tại cơ quan, địa phương mình để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý văn bản trái pháp luật, nhất là đối với những văn bản có khả năng tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội trong phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Tại Bộ Tư pháp, thời gian qua, việc thực hiện công tác kiểm tra văn bản luôn được gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng thuộc Bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra, sọan thảo, thẩm định và theo dõi thi hành pháp luật trên cơ sở các quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (như: Quyết định về thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong công tác rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật) và sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ trong từng trường hợp văn bản cụ thể. Theo đó, khi thẩm định đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản cần có sự tham gia phối hợp của nhiều đơn vị thì một đơn vị được phân công chủ trì, các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp thẩm định về nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn của đơn vị mình, đặc biệt phải luôn có sự tham gia phối hợp của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, trong quá trình tổ chức kiểm tra văn bản, đặc biệt là kiểm tra văn bản theo thẩm quyền và đôn đốc xử lý đối với những văn bản trái pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kết luận, Bộ cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương để thông tin, trao đổi, thảo luận bằng hình thức Công văn và các cuộc họp, qua đó phát hiện, xác định văn bản trái pháp luật và đôn đốc xử lý trong trường hợp người, cơ quan ban hành văn bản đó chậm xử lý hoặc xử lý không đúng quy định.
Trong các năm gần đây, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời văn bản trái pháp luật do các cơ quan cấp bộ và chính quyền cấp tỉnh ban hành thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp luôn được Bộ Tư pháp xác định là nội dung trọng tâm hằng năm trong công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Trong trường hợp người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật không tự xử lý theo đúng quy định, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo thẩm quyền. Cụ thể, trong năm 2017, trên cơ sở theo dõi kết quả xử lý đối với những văn bản trái pháp luật đã được Bộ thông báo/kết luận, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với 19 văn bản đã quá thời hạn mà chưa được xử lý (gồm 06 văn bản cấp bộ, 13 văn bản cấp tỉnh); sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, các văn bản nêu trên đã được cơ quan ban hành xử lý dứt điểm. Trong năm 2018 và năm 2019, thực hiện Nghị quyết Phiên họp Chính phủ số 109/NQ-CP ngày 23/8/2018 chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2018, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ Tư pháp đã theo dõi sát sao, quyết liệt đôn đốc, kiến nghị xử lý hiệu quả đối với các văn bản trái pháp luật do cơ quan cấp bộ, địa phương ban hành đã được Cục Kiểm tra văn bản QPPL và các bộ, địa phương phát hiện, kết luận trong năm 2017 và năm 2018.
4. Đối với việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật, một số Bộ, ngành yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành đó. Tuy nhiên, theo quy định thì cơ quan thuộc Chính phủ không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cũng không trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này nên không thuộc đối tượng rà soát. Đề nghị Bộ Tư pháp có biện pháp để giải quyết vấn đề này, tránh tình trạng văn bản đi văn bản lại giữa các cơ quan (Đài Truyền hình Việt Nam).
Trả lời:
Theo quy định hiện hành về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Ủy ban nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được giao trách nhiệm thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản. Tuy nhiên, trên thực tế có thể có trường hợp trong quá trình thực hiện rà soát văn bản thuộc trách nhiệm của mình, một số Bộ, ngành thấy rằng văn bản được rà soát có nội dung liên quan đến Đài Truyền hình Việt Nam cần được lấy ý kiến, đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam (với tư cách là cơ quan thuộc Chính phủ) phối hợp trong rà soát văn bản. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định số 34/2016/NĐ-CP không quy định trách nhiệm rà soát cho cơ quan thuộc Chính phủ nhưng trường hợp xét thấy việc phối hợp, cho ý kiến là cần thiết, phù hợp, Đài Truyền hình Việt Nam có thể phối hợp, cho ý kiến, trả lời các Bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Đối với trường hợp các Bộ, ngành yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện rà soát văn bản không phù hợp với trách nhiệm rà soát văn bản đã được Chính phủ quy định, Đài Truyền hình Việt Nam có thể thông tin trực tiếp đến các cơ quan này. Đối với tình huống này, Bộ Tư pháp sẽ thông tin, hướng dẫn các Bộ, ngành trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác rà soát văn bản để bảo đảm công tác này được triển khai đúng quy định, hiệu quả.
III. LĨNH VỰC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
1. Về nội dung đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính (UBND tỉnh Hà Tĩnh).
Trả lời:
Hiện nay, theo quy định tại Điều 34[2] Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trong thi hành án hành chính. Tuy nhiên, hiện nay do chưa có quy định hướng dẫn thống nhất về cơ quan chuyên môn giúp UBND các cấp trong công tác quản lý về thi hành án hành chính nên tại mỗi địa phương, nhiệm vụ này được giao cho các cơ quan tham mưu khác nhau (có 42/63 địa phương giao cho Cục Thi hành án dân sự (THADS), 14/63 địa phương giao cho Sở Tư pháp, 03/63 địa phương giao cho Văn phòng UBND, còn 04 địa phương chưa giao cơ quan tham mưu) từ đó dẫn đến sự không thống nhất và ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước.
Vì vậy, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến nêu trên của UBND tỉnh Hà Tĩnh; sẽ nghiên cứu, tham mưu để hoàn thiện thể chế pháp luật về quản lý nhà nước về thi hành án hành chính.
2. Về nội dung đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức trực tiếp quản lý, theo dõi công tác THADS, hành chính tại cơ sở nhằm trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn (UBND tỉnh Yên Bái).
Trả lời:
Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính được Bộ Tư pháp rất quan tâm. Năm 2019, Bộ Tư pháp giao Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức 14 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 833 lượt công chức làm công tác thi hành án dân sự; lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về theo dõi thi hành án hành chính cho Lãnh đạo 63 Cục thi hành án dân sự và cán bộ, công chức được giao tham mưu làm công tác theo dõi thi hành án hành chính; đồng thời quan tâm chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp hơn với từng đối tượng và thực tiễn công tác thi hành án. Tiếp thu ý kiến của địa phương về việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức thuộc Sở, ban ngành theo dõi về công tác thi hành án dân sự, hành chính, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các lớp trong thời gian tới.
IV. LĨNH VỰC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
1.Đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn để thống nhất thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho tổ chức pháp chế của các bộ, ngành thực hiện để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm và sử dụng hiệu quả kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Trả lời:
Hàng năm, để thống nhất thực hiện công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPLTrung ương đã tham mưu ban hành Kế hoạch của Hội đồng và ban hành theo thẩm quyền Kế hoạch của Bộ Tư pháp. Trong đó các Kế hoạch, Bộ Tư pháp đều có hướng dẫn, chỉ đạo các nội dung về PBGDPL và định hướng triển khai công tác này bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của nhân dân.
Đồng thời, tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Cổng thông tin điện tử PBGDPL tích hợp với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng về PBGDPL, Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia hình thành Hệ thống thông tin về PBGDPL tập trung, thống nhất. Thông tin, dữ liệu sẽ được kết nối, chia sẻ về cho các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương khai thác, sử dụng theo quy định. Các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp cung cấp, tích hợp thông tin, số liệu PBGDPL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử PBGDPL.
Do đó, với việc xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử PBGDPL, Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia sẽ hình thành Hệ thống thông tin về PBGDPL tập trung, thống nhất, là nơi lưu trữ kho tài liệu PBGDPL để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng khai thác, sử dụng.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 3147/QĐ-BTP ngày 28/12/2018 ban hành Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ đối với báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật nhưng đến nay Bộ Tư pháp chưa ban hành tài liệu nên khó khăn cho địa phương trong tổ chức triển khai tập huấn cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo Chương trình khung. Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, sớm chỉ đạo thực hiện (UBND tỉnh Bến Tre).
Trả lời:
Ngày 28/12/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3147/QĐ-BTP ban hành Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ đối với báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Tại mục IV.2 của Chương trình quy định: “Căn cứ vào Chương trình khung và Bộ tài liệu nguồn, Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chủ động tham khảo, lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp, thời gian để tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý phù hợp với nhu cầu, tình hình, điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương”.
Do đó, Chương trình và Bộ tài liệu nguồn được xây dựng nhằm để các bộ, ngành, địa phương tham khảo, vận dụng để nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện công tác PBGDPL thuộc phạm vi quản lý. Trong thời gian Bộ Tài liệu nguồn do Bộ Tư pháp chưa ban hành, đề nghị các địa phương chủ động xây dựng Chương trình, nội dung tập huấn cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý trên cơ sở Chương trình khung và có thể xem xét, điều chỉnh phù hợp sau khi Bộ tài liệu được ban hành chính thức (dự kiến quý III năm 2020).
3. Kiến nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thành việc xây dựng Cổng/Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Bộ Tư pháp để các địa phương xây dựng, hoàn thiện Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL thống nhất với chuẩn cấu trúc dữ liệu của Bộ Tư pháp (UBND tp Hồ Chí Minh).
Trả lời:
Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến và sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sớm hoàn chỉnh Cổng Thông tin điện tử PBGDPL dùng chung cả nước (dự kiến năm 2020).
Trên cơ sở tiếp nhận khó khăn, vướng mắc của một số bộ, ngành, địa phương nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng liên quan tới việc xây dựng Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL của bộ, ngành, địa phương, mối liên kết với Cổng thông tin điện tử PBGDPL, hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng và dự kiến ban hành công văn hướng dẫn về vấn đề này (dự kiến ban hành trong tháng 12/2019).
4. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở để các địa phương có căn cứ ban hành văn bản về kinh phí phục vụ xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với mức chi phù hợp điều kiện thực tế hiện nay. Thường xuyên cấp phát tài liệu và tập huấn kiến thức, nghiệp vụ PBGDPL cho các địa phương. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương để nhân rộng các mô hình tuyên truyền pháp luật hiệu quả như mô hình câu lạc bộ pháp luật. Khen thưởng kịp thời đối với công tác PBGDPL để động viên, khuyến khích các địa phương không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác này (UBND các tỉnh: Nghệ An, Quảng Trị).
Trả lời:
a) Về sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP:
Năm 2018, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá thực trạng việc triển khai Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP hiện nay (Công văn số 1035/BTP-PBGDPL ngày 29/3/2018), qua đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu công tác này. Tuy nhiên, kết quả tổng hợp ý kiến cho thấy, các bộ, ngành, địa phương cơ bản vẫn đánh giá việc triển khai Thông tư liên tịch khá ổn định, đảm bảo tương quan thống nhất chung về nội dung chi, mức chi với các văn bản tài chính hiện hành về các lĩnh vực công việc có tính chất tương tự, là cơ sở pháp lý quan trọng để đáp ứng việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí cho công tác PBGDPL. Đối với một số nội dung chi, mức chi không còn phù hợp do các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư liên tịch đã sửa đổi, bổ sung, thay thế, đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP để áp dụng văn bản mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế trong việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí, bảo đảm nội dung và mức chi theo quy định hiện hành.
Ngày 21/5/2019, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5822/BTC-HCSN trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về bảo đảm kinh phí phục vụ công tác PBGDPL. Theo đó, Bộ Tài chính nêu rõ, trong bối cảnh Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt triển khai chủ trương cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Tài chính thống nhất với đề xuất của Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP đến khi áp dụng chính sách tiền lương mới. Ngày 12/6/2019, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5134/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với các đề xuất của Bộ Tài chính, trong đó có đề xuất nêu trên.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính nắm bắt kịp thời ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để từng bước có sự điều chỉnh, khắc phục vướng mắc, đảm bảo tính khả thi, cần thiết và phù hợp với thực tế.
b) Về cấp phát tài liệu và tập huấn kiến thức, nghiệp vụ PBGDPL cho các địa phương:
Hàng năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức biên soạn tài liệu PBGDPL dưới nhiều hình thức gồm đặc san tuyên truyền pháp luật; sách chuyên khảo, các câu hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật, tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật, tờ gấp pháp luật… và chủ động cung cấp các bài giảng điện tử giới thiệu nội dung cơ bản của Luật, Pháp lệnh mới ban hành và đăng tải trên Trang thông tin PBGDPL cho đội ngũ làm công tác PBGDPL trên cả nước.
Về tổ chức tập huấn kiến thức, nghiệp vụ PBGDPL cho các địa phương: Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định cụ thể trách nhiệm PBGDPL của các cơ quan, tổ chức, trong đó, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm “tập huấn, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho địa phương, hàng năm, Bộ Tư pháp đều có tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho công chức thực hiện công tác PBGDPL tại các Sở Tư pháp, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ này.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng PBGDPL; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai công tác PBGDPL; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện các bài giảng điện tử, triển khai hiệu quả Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL góp phần đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình mới.
5. Trong thời gian qua, Trung ương ban hành các Đề án Phổ biến giáo dục pháp luật nhưng không cấp kinh phí tổ chức thực hiện, do đó, đã tạo ra áp lực ngân sách đối với địa phương. Kính đề nghị Trung ương nên định hướng tổng quát còn địa phương xây dựng chính sách cụ thể để vừa bảo đảm được yêu cầu Phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương vừa chủ động được nguồn kinh phí của mình (UBND tỉnh Quảng Nam).
Trả lời:
Tại điểm a, khoản 1 Điều 27 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm “Quyết định các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phân bổ dự toán ngân sách địa phương cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Như vậy, theo quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Hội đồng nhân dân phân bổ dự toán ngân sách địa phương cho công tác PBGDPL trên cơ sở Sở Tư pháp tham mưu đề xuất nội dung chi, mức kinh phí cho công tác PBGDPL, phối hợp với Sở Tài chính để trình dự toán tới Uỷ ban nhân dân. Mức kinh phí cụ thể được phân bổ phụ thuộc vào tình hình ngân sách, điều kiện của địa phương và Kế hoạch triển khai nhiệm vụ PBGDPL trong năm. Vì vậy, Trung ương không thể định hướng tổng quátvề mức kinh phícho công tác PBGDPL ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Đồng thời, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã quy định rõ cơ chế tài chính cho công tác PBGDPL. Theo đó, kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách do ngân sách nhà nước bảo đảm và thực hiện theo nguyên tắc phân cấp ngân sách Trung ương và địa phương “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm” (Khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015). Đồng thời, kinh phí có thể huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
6.Đề nghị Bộ Tư pháp tập huấn việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL cho các tỉnh nhất là xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL theo Đề án Thủ tướng đã phê duyệt; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh để tập huấn lại cho đội ngũ báo cáo viên cấp huyện và tuyên truyền pháp luật cấp xã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác PBGDPL (UBND tỉnh Trà Vinh).
Trả lời:
– Về tập huấn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin: Thực hiện Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, Bộ Tư pháp sẽ dự kiến tổ chức các lớp tập huấn về triển khai Đề án, các hoạt động nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL trong năm 2020 và năm 2021.
– Về tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh: Hàng năm, Bộ Tư pháp đều có tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho công chức thực hiện công tác PBGDPL tại các Sở Tư pháp, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh nhằm góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ này.
7. Hiện nay, do điều kiện của tỉnh miền núi, kinh tế xã hội còn khó khăn, ngân sách tỉnh chưa tự cân đối được, nên tỉnh chưa thể bố trí đảm bảo kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Để đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh Yên Bái theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Điểm d Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 (UBND tỉnh Yên Bái).
Trả lời:
Mặc dù Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rõ cơ chế tài chính để triển khai công tác PBGDPL đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách nhưng đến thời điểm hiện tại, quy định trên là không khả thi trên thực tế và không thống nhất với quy định của Luật ngân sách nhà nước. Luật ngân sách nhà nước quy định về nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách đã xác định nguyên tắc: “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm” (Khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015).
Để khắc phục tình trạng này, hằng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương, trong đó có các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách tự bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL trong phạm vi ngân sách được Trung ương giao. Thông tư số 132/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 tại Điểm b Khoản 2 Điều 3 quy định: “Căn cứ dự toán chi ngân sách được giao năm 2018, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở”.
Tuy nhiên, có thực tế như địa phương phản ánh, đó là các xã, phường, thị trấn không được bố trí kinh phí cho công tác này. Xuất phát thực tế triển khai Luật PBGPDL và các văn bản hướng dẫn thi hành nêu trên, trong chỉ đạo, hướng dẫn, Bộ Tư pháp luôn đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm bảo đảm kinh phí, nguồn lực để triển khai nhiệm vụ PBGDPL. Do đó, đề nghị các địa phương chủ động tham mưu, lập dự toán, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi ngân sách của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.
Ngoài ra, đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan Tư pháp các cấp phát huy vai trò đầu mối, chủ trì tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo, điều phối các hoạt động và kinh phí thực hiện Chương trình, các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương để lồng ghép, tiết kiệm, tránh tình trạng dàn trải, lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước trong công tác PBGPDL tại cùng một địa bàn, lĩnh vực, đối tượng cụ thể.
Về lâu dài, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với bộ, ngành, đoàn thể đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành luật, pháp lệnh để có được nguồn lực bảo đảm cho công tác này; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, điều chỉnh các quy định về lĩnh vực công tác này đảm bảo tính khả thi, phù hợp, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác này trong tình hình mới, trong đó có nghiên cứu đề xuất về việc quy định định mức PBGPDL ở địa phương nếu hợp lý. Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan Tư pháp, tổ chức pháp chế tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL; tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với công tác PBGDPL; có giải pháp lồng ghép các hoạt động để khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; khuyến khích, huy động các nguồn lực theo tinh thần xã hội hoá để công tác PBGDPL thực sự là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong khả năng và điều kiện ngân sách được cấp để triển khai các Đề án PBGDPL, Bộ Tư pháp sẽ cố gắng cân đối để có sự hỗ trợ chỉ đạo điểm cần thiết cho một số địa phương thực sự khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo định hướng tại Chương trình PBGPDL giai đoạn 2017 – 2021 để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho địa phương.
8. Đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức hội thi, hội nghị, hội thảo, tọa đàm riêng cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật hoặc hòa giải viên giỏi cấp tỉnh để học tập, trao đổi kinh nghiệm (UBND tp Hồ Chí Minh).
Trả lời:
Về tổ chức hội thi: Năm 2020, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”, Bộ Tư pháp dự kiến phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hội thi báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi toàn quốc.
Về hội nghị, hội thảo, tọa đàm riêng: Hàng năm, Bộ Tư pháp đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho công chức thực hiện công tác PBGDPL tại các Sở Tư pháp, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh nhằm góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Đặc biệt, thời gian qua, đối với một số nội dung mang tính trọng tâm, quan trọng, Bộ Tư pháp đã chú trọng tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm với sự tham dự của các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên cơ sở, gia tăng thời lượng giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức các hoạt động.
Tuy nhiên, trên cơ sở kiến nghị của địa phương, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chú trọng hơn tới các nội dung liên quan trực tiếp tới chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên cơ sở để Trung ương cũng như địa phương có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, để góp phần thực hiện có hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, nhân dân các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân; đồng thời tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên cả nước, định kỳ 05 năm, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc. Năm 2016, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, dự kiến năm 2021 Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.
9. Luật Hòa giải ở cơ sở bộc lộ những bất cập (qua tổng kết 05 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013), cũng đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác hòa giải trong thời gian qua. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, sớm đề xuất sửa đổi Luật Hòa giải ở cơ sở cho phù hợp với tình hình hiện nay” (UBND tỉnh Bến Tre).
Trả lời:
Luật hòa giải ở cơ sở số 35/2013/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Sau 5 năm triển khai thi hành, Luật hòa giải ở cơ sở đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được một số kết quả đáng kể; bên cạnh đó còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, khó khăn nhất định. Để đánh giá tổng thể tác động của văn bản Luật đối với đời sống xã hội, Bộ Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch số 370/KH-BTP ngày 29/01/2019 Tổng kết 5 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở 2013.
Trên cơ sở báo cáo của 07 Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và và quá trình theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ Tư pháp đã tổng hợp xây dựng Báo cáo số 265/BC-BTP ngày 29/7/2019 Đánh giá kết quả 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Báo cáo số 265/BC-BTP đã đánh giá, nhận diện một cách khách quan, toàn diện những kết quả, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân của các tồn tại, bài học kinh nghiệm, qua đó đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Một trong các kiến nghị, đề xuất Báo cáo nêu ra là đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề xuất Quốc hội khóa XV sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở với những nội dung cơ bản cụ thể.
Đồng thời, Bộ cũng đang dự kiến tiến hành một số hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng dự án Luật hòa giải cơ sở (như khảo sát, tổ chức tọa đàm, hội thảo…), bảo đảm kịp tiến độ trình nếu được chính thức đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa XV.
10. Đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, tham mưu sửa đổi Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 08/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Lý do: thời gian đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã (đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” được xét hằng năm, theo kết quả thực hiện trong năm, thường xét trong Quý IV/2019). Trong khi đó, kết quả thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là trước ngày 25/01 năm liền kề sau năm đánh giá (UBND tỉnh Bình Dương).
Trả lời:
Để cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện nguyên tắc “Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg), ngày 15/8/2017, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2873/BTP-PBGDPL đề nghị Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thực hiện nội dung này. Đối với nội dung về “Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định ban hành văn bản về việc công nhận “đô thị văn minh”. Bộ Tư pháp đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình xây dựng văn bản xét, công nhận “đô thị văn minh”, tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp để bổ sung kết quả xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thành một tiêu chí trong xét, công nhận “đô thị văn minh”.
Ngày 01/11/2019, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4313/BTP-VP gửi Văn phòng Chính phủ về đăng ký đề án đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020 trong đó có đề xuất, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 619/QĐ-TTg. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Quyết định số 619/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn để các địa phương thuận lợi trong đánh giá.
11. Về kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định về lập dự toán, sử dụng, quyết toán kinh phí công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật cho phù hợp với các quy định hiện hành (UBNC các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh)
Trả lời:
– Về phổ biến, giáo dục pháp luật:
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL đã quy định rõ cơ chế tài chính cho công tác PBGDPL. Theo đó, kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách do ngân sách nhà nước bảo đảm và thực hiện theo nguyên tắc phân cấp ngân sách Trung ương và địa phương “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm” (Khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015). Đồng thời, kinh phí có thể huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Qua theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy việc dành nguồn kinh phí cho công tác PBGDPL phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và điều kiện ngân sách được giao. Vì vậy, trong chỉ đạo, hướng dẫn, Bộ Tư pháp luôn đề nghị lãnh đạo Bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương quan tâm bảo đảm kinh phí, nguồn lực để triển khai nhiệm vụ PBGDPL. Do đó, đề nghị các địa phương chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi ngân sách của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.
Ngoài ra, đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan Tư pháp các cấp phát huy vai trò đầu mối, chủ trì tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo, điều phối các hoạt động và kinh phí thực hiện Chương trình, các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương để lồng ghép, tiết kiệm, tránh tình trạng dàn trải, lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước trong công tác PBGPDL tại cùng một địa bàn, lĩnh vực, đối tượng cụ thể.
Về phía Bộ Tư pháp, ngày 23/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2739/BTP-KHTC gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc, trong đó đề nghị quan tâm bố trí kinh phí thỏa đáng cho công tác PBGDPL. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp chủ động nắm bắt chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và phối hợp chặt chẽ với Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện.Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất, điều chỉnh các quy định về kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo tính khả thi, phù hợp, đồng bộ và hiệu quả.
Về lâu dài, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Bộ, ngành, đoàn thể đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành luật, pháp lệnh để có được nguồn lực bảo đảm cho công tác này. Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan Tư pháp, tổ chức pháp chế tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL; tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với công tác PBGDPL; có giải pháp lồng ghép các hoạt động để khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; khuyến khích, huy động các nguồn lực theo tinh thần xã hội hoá để công tác PBGDPL thực sự là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
– Về hòa giải ở cơ sở:
Hiện nay, thể chế về hòa giải ở cơ sở cơ bản đã đầy đủ (Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở).
Qua theo dõi tình hình triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trên, Bộ Tư pháp nhận thấy các văn bản nêu trên đã đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý triển khai công tác hòa giải ở cơ sở đồng bộ, hiệu quả. Trong năm 2019, trên cơ sở báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở của các địa phương, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, ban hành Báo cáo số 265/BC-BTP ngày 27/9/2019 của Bộ Tư pháp về đánh giá kết quả 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm đánh giá tổng thể tác động của văn bản Luật đối với đời sống xã hội; làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ đó kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề xuất Quốc hội khóa XV sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hòa giải ở cơ sở.
– Về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật:
Sau 02 năm triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg) và Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2019 của Bộ Tư pháp quy định điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Thông tư số 07/2017/TT-BTP), Bộ Tư pháp đã tổng hợp các báo cáo của địa phương và tổ chức sơ kết Quyết định số 619/QĐ-TTg gắn với Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 tại Nghệ An ngày vào ngày 06/12/2019. Trên cơ sở kiến nghị của địa phương tại các báo cáo, đồng thời, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Bộ Tư pháp cũng đã đề xuất đưa nội dung sửa đổi, bổ sung Quyết định số 619/QĐ-TTg vào Chương trình làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020 (Công văn số 4313/BTP-VP ngày 01/11/2019).
V. QUẢN LÝ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THEO DÕI THI HÀNH PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã bộ lộ những bất cập, hạn chế dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: Chưa quy định rõ về trách nhiệm cơ quan, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; về trách nhiệm phản hồi của cơ quan tiếp nhận thông tin kiến nghị thông qua hoạt động theo dõi … Đề nghị sớm sửa đổi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình hiện nay (UBND các tỉnh: Bến Tre, Quảng Trị, Đà Nẵng).
Trả lời:
Trên cơ sở bám sát thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến việc xây dựng, hoàn thiện thể thế về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật nêu tại khoản 2 mục II của Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022”, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định trong tháng 9/2019 và hiện nay, đang thực hiện tiếp thu giải trình ý kiến thành viên Chính phủ). Dự kiến Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP sẽ khắc phục các hạn chế, bất cập như phản ánh của các địa phương.
2. Một số quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn thiếu đồng bộ, khả thi (Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính; giữa các Nghị định xử phạt với nhau…). Công tác thống kê số liệu theo các biểu mẫu thống kê theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp gặp nhiều khó khăn do một số yêu cầu thống kê không có cơ sở hoặc không rõ ràng (số đối tượng vi phạm hành chính trong trường hợp một đối tượng thực hiện nhiều hành vi vi phạm khác nhau hoặc nhiều đối tượng cùng thực hiện một hành vi vi phạm…); quy định thời hạn tổng hợp báo cáo quá ngắn, trong khi nội dung báo cáo rất nhiều, cơ quan tham mưu khó đáp ứng được về thời gian và chất lượng báo cáo. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm điều chỉnh những vấn đề trên cho phù hợp (UBND tỉnh Bến Tre).
Trả lời:
– Về một số quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn thiếu đồng bộ, khả thi (Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính; giữa các Nghị định xử phạt với nhau…): do kiến nghị không nêu cụ thể những bất cập, thiếu đồng bộ, khả thi giữa Luật Phòng, chống ma túy, Luật XLVPHC và các nghị định xử phạt nên Bộ Tư pháp không có căn cứ trả lời cụ thể về vấn đề này. Hiện nay, Luật XLVPHC đang được sửa đổi, bổ sung, trong đó, một số vấn đề vướng mắc giữa Luật XLVPHC và Luật Phòng, chống ma túy cũng đang được Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình triển khai, thực hiện pháp luật về cai nghiện ma túy, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để hoàn thiện các quy định pháp luật.
– Về công tác thống kê số liệu theo các biểu mẫu còn gặp nhiều khó khăn như việc xác định đối tượng vi phạm hành chính trong trường hợp một đối tượng thực hiện nhiều hành vi vi phạm hoặc một hành vi vi phạm được thực hiện bởi nhiều đối tượng: Bộ Tư pháp xin ghi nhận kiến nghị của địa phương để nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Thông tư số 16/2018/TT-BTP).
– Về quy định thời hạn tổng hợp báo cáo là quá ngắn, trong khi đó, nội dung báo cáo lại quá nhiều sẽ khó đáp ứng được về thời gian và chất lượng của báo cáo: Về vấn đề này, Bộ Tư pháp thấy rằng, điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư số 16/2018/TT-BTP quy định: Báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải được gửi về Bộ Tư pháp chậm nhất là 07 ngày, kể từ ngày chốt số liệu. Quy định này là để đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định về thời gian chốt số liệu và thời hạn gửi báo cáo định kỳ quy định tại Điều 12, Điều 13 Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/1/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Theo đó, khi dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được hoàn thiện, việc thống kê các số liệu theo yêu cầu của báo cáo sẽ đảm bảo tính chính xác và khoa học, tạo thuận lợi công tác báo cáo thống kê về xử lý vi phạm hành chính.
3. Chính phủ đã ban hành Nghị định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, nhưng đến nay chưa có phần mềm chung để thực hiện việc xây dựng, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu này, đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, xử lý (việc xác định tình tiết tăng nặng, công tác thống kê số liệu…). Đề nghị quan tâm, sớm xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính để địa phương thực hiện (UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Bến Tre, Hà Tĩnh,Quảng Nam).
Trả lời:
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang triển khai thực hiện việc chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số 3015/VPCP-PL ngày 30/3/2017 của Văn phòng Chính phủ).
Ngày 27/11/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án, trong đó, tại điểm a khoản 1 Điều 2 nêu rõ: “Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và đưa vào khai thác kể từ năm 2021”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, phấn đấu đưa vào khai thác kể từ năm 2021.
4. Đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện Khung theo dõi thi hành pháp luật và Hệ thu thập dữ liệu phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật để ban hành Thông tư quy định tiêu chí theo dõi thi hành pháp luật làm cơ sở đánh giá việc triển khai thực hiện công tác này tại các cơ quan, đơn vị, địa phương (UBND tp Đà Nẵng).
Trả lời:
Theo khoản 3 mục II của Quyết định số 242/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cụ thể, định lượng để xác định được mức độ thực thi pháp luật cũng như đánh giá được chính xác, toàn diện hiệu quả tác động của văn bản quy phạm pháp luật trong thực tiễn. Theo đó, giải pháp đặt ra là Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức áp dụng thí điểm Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thu thập dữ liệu phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở kết quả áp dụng thí điểm.
Bộ Tư pháp xác định đây là vấn đề mới và khó nên để có cơ sở thực tiễn áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật chủ trì thực hiện và huy động sự hỗ trợ nguồn lực để nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Khung Theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu. Trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan áp dụng thí điểm Khung theo dõi trong lĩnh vực bảo hiểm y tế và Luật Hòa giải ở cơ sở tại 02 địa phương nêu trên. Trên cơ sở kết quả áp dụng thí điểm, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 242/QĐ-TTg.
5. Đề nghị Bộ Tư pháp quy định cụ thể chế độ báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho thống nhất, đồng bộ với chế độ báo cáo tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước (vì hiện nay Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định thời hạn gửi báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm là trước 15 tháng 10 của năm, còn theo Nghị định số 09/2019/NĐ-CP quy định thời hạn báo cáo năm là tháng 12 hàng năm) – (UBND các tỉnh: Đồng Tháp, Gia Lai).
Trả lời:
Trên cơ sở bám sát thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến việc xây dựng, hoàn thiện thể thế về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật nêu tại khoản 2 mục II của Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022”, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định trong tháng 9/2019 và hiện nay, đang thực hiện tiếp thu giải trình ý kiến thành viên Chính phủ). Dự kiến Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP sẽ khắc phục các hạn chế, bất cập như phản ánh của các địa phương.
6. Đề nghị sớm ban hành Chỉ tiêu thống kê quốc gia làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (UBND tỉnh Hà Tĩnh).
Trả lời:
Theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP), Bộ Tư pháp có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ tiêu thống kê quốc gia làm cở sở cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thống kê, việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ tiêu thống kê quốc gia (trong đó có chỉ tiêu thống kê quốc gia làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật) là thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các Bộ, ngành có trách nhiệm ban hành chỉ tiêu thống kê ngành. Do đó, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ xem xét bãi bỏ khoản 2 Điều 15, khoản 2 Điều 16 của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (đã trình Chính phủ tháng 9/2019).
Thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu quy định một số nội dung cần thiết trong Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Thông tư số 16/2018/ TT-BTP quy định chế độ báo cáo trong công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Hiện nay, Bộ Tư pháp cũng đang nghiên cứu, xây dựng Khung Theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu phục vụ việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo đó, Khung theo dõi có những chỉ tiêu, chỉ số phục vụ cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật.
7. Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm hướng dẫn kịp thời những khó khăn vướng mắc của các địa phương trong việc thi hành các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, tố tụng hành chính,… được thể hiện ở các báo cáo, văn bản xin ý kiến riêng, phản ánh trong các hội nghị, hội thảo để pháp luật được áp dụng một cách thống nhất, đồng bộ, bảo đảm tính khả thi (UBND thành phố Hồ Chí Minh).
Trả lời:
Bộ Tư pháp hàng năm đều tổ chức các lớp tập huấn về hướng dẫn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, đồng thời đối với những khó khăn, vướng mắc mà địa phương có Công văn kiến nghị, Bộ Tư pháp đều có văn bản trả lời đầy đủ, chi tiết và hướng xử lý cụ thể những khó khăn, vướng mắc được nêu. Tính đến tháng 12 năm 2019, liên quan đến lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã có gần 70 văn bản trả lời kiến nghị, hướng dẫn nghiệp vụ cho các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân.
8. Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tập huấn chuyên sâu cho cán bộ pháp chế các Sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện điều tra, khảo sát, kiến thức và kỹ năng các hình thức theo dõi thi hành pháp luật (UBND các tỉnh Đồng Tháp; Khánh Hòa).
Trả lời:
Trong các năm vừa qua, Bộ Tư pháp luôn quan tâm, chú trọng công tác tập huấn chuyên sâu cho cán bộ pháp chế các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện điều tra, khảo sát, kiến thức và kỹ năng các hình thức theo dõi thi hành pháp luật. Trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức 01 lớp tập huấn về công tác theo dõi thi hành pháp luật cho các địa phương khu vực miền Trung và 01 lớp tập huấn cho các Bộ, ngành và một số địa phương lân cận thành phố Hà Nội. Bộ cũng cử báo cáo viên của Bộ giảng cho các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác theo dõi thi hành pháp luật ở địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục ưu tiên thực hiện hoạt động tập huấn chuyên sâu cho cán bộ pháp chế các Bộ, ngành và địa phương.
VI. LĨNH VỰC HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH, CHỨNG THỰC
1. – Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn quy trình đăng ký hộ tịch đối với các trường hợp đã được cấp thẻ thường trú/những trường hợp không có giấy tờ tùy thân nhưng chưa được cấp thẻ thường trú; quy định cụ thể về thời gian được phép làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam đối với những trường hợp đã cấp thẻ thường trú(UBND tỉnh An Giang).
– Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn về việc quản lý cư trú đối với những trường hợp đã được cấp thẻ thường trú; điều kiện mua bán bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với những người không quốc tịch nhưng đã được cấp thẻ thường trú (UBND tỉnh An Giang).
– Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc tiếp nhận trẻ em là người không quốc tịch được tham gia học tập tại các trường học như công dân Việt Nam (UBND tỉnh An Giang).
– Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý số người di cư tự do (hơn 500 người) đang sinh sống tại các xã biên giới nhưng họ không đủ điều kiện cấp thẻ thường trú; địa phương đã vận động họ quay về Campuchia làm ăn sinh sống nhưng họ vẫn không đồng ý (UBND tỉnh An Giang).
Trả lời:
– Về quy trình đăng ký hộ tịch cho người di cư tự do từ Campuchia về: Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn cụ thể tại các lớp tập huấn và trong tài liệu tập huấn đã được cấp phát đến từng địa phương trong thời gian triển khai Tiểu Đề án 2. Việc đăng ký hộ tịch cho những trường hợp được nêu trong kiến nghị của địa phương cũng được thực hiện như hướng dẫn trước đây của Bộ Tư pháp. Vì vậy, đề nghị địa phương triển khai thực hiện.
– Về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho những trường hợp đã được cấp thẻ thường trú: Về vấn đề này, ngày 14/8/2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2245/VPCP-NC (Mật) thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Tiểu Đề án 2 “Giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người dân di cư tự do từ Campuchia về nước”. Tại Công văn này, Thủ tướng Chính phủ giao: “Bộ Tư pháp chỉ đạo Sở Tư pháp địa phương hướng dẫn những người đã được cấp Thẻ thường trú lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam; tiến hành đăng ký hộ tịch cho họ sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam và có biện pháp quản lý tình trạng giấy tờ cho người dân di cư tự do từ Campuchia về nước”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, Luật Hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành những Luật này, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu và sẽ sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.
– Về quản lý cư trú đối với những trường hợp đã được cấp Thẻ thường trú và chưa được cấp Thẻ thường trú không thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, tuy nhiên, trong thời gian tới Bộ sẽ có Công văn trao đổi với Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) về kiến nghị của địa phương để Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương trong việc quản lý người di cư.
– Về việc giải quyết các quyền lợi như cấp thẻ y tế, bảo hiểm xã hội, được tham gia học tập: Triển khai thực hiện Tiểu Đề án 2, Bộ Tư pháp chỉ có trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch và các loại giấy tờ tùy thân khác cho người dân di cư tự do về nước. Do đó, đối với những kiến nghị này đề nghị UBND tỉnh chủ động chỉ đạo các Sở, ban ngành của địa phương (Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo) để có phương án giải quyết cụ thể theo hướng dẫn của Bộ, ngành chủ quản.
5. Về trách nhiệm thông báo khi có sự thay đổi về hộ tịch: Điều 30, Luật Hộ tịch quy định “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật liên quan đến thay đổi hộ tịch của cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật này, Tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án, bản sao quyết định đến UBND nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân để ghi vào Sổ hộ tịch”. Để thực hiện tốt quy định này, UBND thành phố giao Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân thành phố chỉ đạo, quán triệt Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân thành phố và Tòa án quận, huyện thực hiện đúng quy định nêu trên. Tuy nhiên, hiện nay, các tòa án trên địa bàn thành phố vẫn chưa gửi đầy đủ các quyết định, bản án theo quy định. Vì vậy, đề nghị quy định rõ về cơ chế kết nối thông tin giữa cơ quan đăng ký hộ tịch với cơ quan tòa án và bổ sung chế tài xử lý đối với trường hợp không thực hiện thông báo khi có sự thay đổi về hộ tịch theo quy định của pháp luật (UBND tp Đà Nẵng).
Trả lời:
Liên quan đến trách nhiệm thông báo khi có sự thay đổi về hộ tịch, theo quy định của pháp luật, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật hộ tịch đã quy định trách nhiệm gửi thông báo của Tòa án, các cơ quan khác cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi vào Sổ hộ tịch khi có sự thay đổi về hộ tịch của công dân. Do đó, nếu trên địa bàn Tòa án nhân dân không thực hiện việc gửi thông báo cho Ủy ban nhân dân theo quy định nêu trên thì đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp tập hợp, báo cáo về Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) để Bộ Tư pháp có văn bản trao đổi với Tòa án nhân dân tối cao.
6. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an có biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp thẻ thường trú đối với những trường hợp người nước ngoài có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam hoặc trẻ em là con đẻ của công dân Việt Nam với người nước ngoài xin cấp thẻ thường trú để xin nhập quốc tịch Việt Nam (UBND tỉnh Hải Dương).
Trả lời:
Về kiến nghị này, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau: Việc cấp Thẻ thường trú cho người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, cơ quan Công an có trách nhiệm cấp giấy tờ này theo quy định (không thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp). Vì vậy, nếu Sở Tư pháp phát hiện vướng mức đề nghị trao đổi trực tiếp với cơ quan Công an địa phương để được giải đáp kịp thời.
7. Đề nghị Bộ Tư pháp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thống kê, đánh giá số liệu sinh tử cho đội ngũ cán bộ công chức Tư pháp – Hộ tịch nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024 (UBND tỉnh Khánh Hòa).
– Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm thực hiện công tác đào tạo, tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác hộ tịch, kiện toàn, nâng cao trình chuyên môn nghiệp vụ đối với công Tư pháp – Hộ tịch (UBND tỉnh Lâm Đồng).
– Đề nghị Bộ Tư pháp sớm tổ chức các lớp tập huấn về công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và cách thức thực hiện nhiệm vụ Số hóa Sổ hộ tịch cho các địa phương để triển khai thực hiện thống nhất (UBND các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng, Yên Bái)
Trả lời:
– Việc tập huấn nghiệp vụ hộ tịch được xác định là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên của cơ quản lý nhà nước về hộ tịch ở cả Trung ương (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) và địa phương (Sở Tư pháp).
Do đó, về phía các địa phương, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, bố trí đội ngũ báo cáo viên có đủ năng lực, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn.
Ở Trung ương, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã phối hợp với Học viện Tư pháp và các Trường Trung cấp Luật xây dựng Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch tại cấp huyện, cấp xã và các Trường Trung cấp luật; thường xuyên cử báo cáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy tại các lớp tập huấn nghiệp vụ theo đề nghị của Học viện Tư pháp, các Trường Trung cấp Luật và địa phương.
– Đối với nhiệm vụ số hóa Sổ hộ tịch, ngày 25/4/2019, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1437/BTP-CNTT (kèm theo tài liệu “Hướng dẫn thực hiện số hóa sổ hộ tịch”) gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn triển khai thống nhất. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại các tài liệu này, các địa phương cần chủ động triển khai việc số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn địa phương. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan liên hệ trực tiếp với Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin) để được hỗ trợ, giải đáp.
8. Đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chứng thực liên quan đến tài sản là động sản để thống nhất việc áp dụng pháp luật (UBND tỉnh Phú Yên).
Trả lời:
Do kiến nghị không nêu rõ vướng mắc trong thực hiện chứng thực liên quan đến tài sản là động sản nên Bộ Tư pháp không có căn cứ để trả lời cụ thể.
Đối với chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chỉnh phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch cũng đã có quy định:
– Về thẩm quyền chứng thực: thuộc về Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã (khoản 1 và khoản 2 Điều 5);
– Về địa điểm: việc chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu (khoản 5 Điều 5)
– Về trình tự, thủ tục: được quy định tại chương III Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Lời chứng áp dụng đối với hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản là mẫu lời chứng tại điểm 4 mục I Phụ lục mẫu lời chứng, mẫu sổ chứng thực.
Các quy định này được triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
9. Đề nghị Bộ Tư pháp bổ sung quy định và hướng dẫn việc thực hiện thay đổi hộ tịch cho cá nhân đã chuyển đổi giới tính theo Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 (UBND tỉnh Phú Yên).
Trả lời:
Liên quan đến việc chuyển đổi giới tính, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch”. Tuy nhiên hiện nay, luật về chuyển đổi giới tính chưa được ban hành nên chưa có cơ sở pháp lý để công nhận việc chuyển đổi giới tính và đăng ký thay đổi hộ tịch. Do đó, hiện tại, đối với các yêu cầu thay đổi hộ tịch do chuyển đổi giới tính thì cơ quan đăng ký hộ tịch tạm thời từ chối giải quyết.
10. Đề nghị bãi bỏ tờ khai cấp bản sao trích lục hộ tịch khi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh. Thay vào đó, cấp theo yêu cầu của người dân như cấp bản sao trước đây.Vì khi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, người yêu cầu đã khai tất cả các thông tin ở tờ khai đăng ký khai sinh, trường hợp người dân yêu cầu cấp bản sao trích lục phải khai thêm ở tờ khai cấp bản sao với các thông tin tương tự tại tờ khai đăng ký khai sinh sẽ gây phiên hà, mất thời gian và tốn công sức (UBND tỉnh Quảng Trị).
Trả lời:
Hiện nay, Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015. Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến này trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2015/TT-BTP.
11. Đối với người Lào liên quan đến kết hôn vùng biên giới đang gặp phải vấn đề hết sức khó khăn là giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Để có được giấy tờ này, họ phải đến Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao Lào, trong khi đó khoảng cách tới các cơ quan này rất xa nên phần lớn họ không thể cung cấp được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có xác nhận của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao theo pháp luật nước Lào, vì vậy, không thể tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn cho họ. Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Tư pháp 2 nước xem xét, hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ vướng mắc này để tạo thuận lợi cho đăng ký kết hôn vùng biên giới (UBND tỉnh Quảng Trị).
Trả lời:
Pháp luật hộ tịch hiện hành có nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi đối với thủ tục đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Lào ở vùng biên giới, cụ thể: việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng cấp sử dụng để đăng ký kết hôn được miễn hợp pháp hóa lãnh sự, chỉ phải dịch ra tiếng Việt và có cam kết của người dịch về việc dịch đúng nội dung; trình tự giải quyết đơn giản hơn thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thông thường (ví dụ: thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thông thường trong thời hạn 10 ngày làm việc; thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn ở khu vực biên giới là 03 ngày làm việc, trừ trường hợp phải xác minh).
Việc cấp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của công dân Lào để đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam tại Việt Nam do pháp luật Lào quy định, thông tin về giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của công dân Lào sử dụng để đăng ký kết hôn tại Việt Nam do Đại sứ quán Lào tại Hà Nội cung cấp. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền kết hôn của công dân hai nước, trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục trao đổi với phía bạn đề xuất giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho các bên khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
12. Với số lượng người rất lớn được nhập quốc tịch Việt Nam lần này, đối tượng là hộ nghèo, không có nghề nghiệp, tỉnh Quảng Trị đang phải đối mặt với những khó khăn về giải quyết chế độ an sinh xã hội và đất đai canh tác cho người dân, đảm bảo cho họ được hưởng đầy đủ các chế độ của những công dân Việt Nam thực thụ. Đó chính là gánh nặng ngân sách mà tỉnh không thể gánh vác một mình. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ xem xét, có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để thực hiện tốt công tác này (UBND tỉnh Quảng Trị).
Trả lời:
Vấn đề an sinh xã hội không thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp. Vì vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị kiến nghị với Bộ, ngành chủ quản để có giải pháp kịp thời.
13. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn, quy định trách nhiệm cung cấp thông tin sinh, tử của cơ quan quản lý nhà nước về y tế cho cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch để triển khai, thực hiện có hiệu quả và đạt được các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024 đề ra (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trả lời:
Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định: Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện việc cấp Giấy chứng sinh, Giấy báo tử và cung cấp số liệu thống kê sinh, tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Do đó, nhiệm vụ xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn, quy định trách nhiệm cung cấp thông tin sinh, tử do Bộ Y tế chủ trì, Bộ Tư pháp là đơn vị phối hợp thực hiện.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng dự thảo Thông tư ban hành chế độ báo cáo thống kê ngành y tế.
14. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn, có giải pháp triển khai thực hiện việc thu thập, công bố tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh, tỷ lệ người chết được đăng ký khai tử hàng năm (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).
– Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá việc thu thập, tính tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử để xây dựng và hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá tỷ lệ đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai tử và chỉ đạo triển khai, hướng dẫn thực hiện các giải pháp phù hợp để địa phương thực hiện đúng tiến độ các chỉ tiêu cụ thể của Chương trình (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).
– Đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thống kê và xác định tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trả lời:
Theo quy định pháp luật hiện hành, công tác thống kê số liệu sinh, tử thuộc chức năng của nhiều ngành khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu vào Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Mỗi ngành đều có quy định riêng để thực hiện công tác thống kê này, xây dựng nguồn dữ liệu phục vụ cho hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành nói riêng và hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia nói chung, dẫn đến việc xác định tỉ lệ đăng ký khai sinh, tỉ lệ đăng ký khai tử đang là một thách thức lớn.
Trong thời gian tới, để xác định tỉ lệ đăng ký khai sinh, khai tử chính xác, phản ánh đúng mối tương quan giữa các trường hợp được đăng ký khai sinh với tổng số trẻ em sinh ra, các trường hợp được đăng ký khai tử với tổng số người chết, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc cập nhật, hoàn thiện CSDL điện tử hiện có; chia sẻ dữ liệu liên ngành (từ Trung ương đến địa phương) để xác định đúng tỉ lệ đăng ký khai sinh, tỉ lệ đăng ký khai tử.
15. Đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản trao đổi với Bộ Công an về vấn đề liên quan đến Mẫu Sổ hộ khẩu hiện hành không thể hiện thông tin nơi sinh hoặc không ghi nơi cư trú, thời gian chuyển đến… của công dân nên công chức hộ tịch gặp khó khăn trong việc xác định thông tin về nơi sinh hoặc nơi đã đăng ký khai sinh trước đây, nhằm thống nhất giải quyết (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trả lời:
Điều 9 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp đã quy định các giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh, bao gồm: bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam; trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có giấy tờ này thì giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ sau đây là cơ sở để xác định nội dung đăng ký lại khai sinh: Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú; Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, Hồ sơ học tập do cơ quan đào tạo, quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận; Giấy tờ khác có thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân; Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Như vậy, Sổ hộ khẩu là một trong những giấy tờ làm cơ sở xác định nội dung đăng ký lại khai sinh, việc xác định nội dung đăng ký lại khai sinh không chỉ căn cứ vào Sổ hộ khẩu của cá nhân mà còn căn cứ vào các giấy tờ, hồ sơ khác của cá nhân.
Hiện tại, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đang phối hợp xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có trường thông tin về “Nơi sinh” và “Nơi đăng ký khai sinh”. Sau khi hai Cơ sở dữ liệu này hoàn thiện và vận hành thống nhất trên toàn quốc, các thông tin nêu trên sẽ được chia sẻ, phục vụ cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.
16. Đề nghị Bộ Tư pháp quy định cụ thể và chỉ đạo các tỉnh thống kê và thông báo rộng rãi công khai về tình trạng lưu giữ sổ hộ tịch cho các UBND cấp xã, huyện biết rõ để thuận tiện trong giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời giảm thiểu được quy trình xác minh không cần thiết trong giải quyết đăng ký lại khai sinh (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trả lời:
Theo quy định của Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, trường hợp yêu cầu đăng ký hộ tịch không thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch đã đăng ký trước đây thì công chức làm công tác hộ tịch có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ Sổ hộ tịch. Như vậy, hiện tại, thủ tục xác minh về việc lưu giữ Sổ hộ tịch là thủ tục bắt buộc.
Tuy nhiên, hiện nay, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đang được hình thành. Sau khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chính thức được vận hành đồng bộ thì việc xác minh thông tin hộ tịch sẽ được rút ngắn về thời gian, công chức làm công tác hộ tịch có thể tự tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
17. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm sửa đổi Thông tư số 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thi hành Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó cần có hướng dẫn thêm về sổ hộ tịch (thêm nội dung về giấy tờ tùy thân cho phù hợp nội dung thực tế phải điền; quy định rõ về người thân thích đăng ký khai tử, hướng dẫn về việc xác minh việc đăng ký kết hôn có yêu tố nước ngoài, về việc trao giấy chứng nhận kết hôn,…) – (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trả lời:
Thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá, đề xuất hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch được giao tại Quyết định số 660/QĐ-BTP ngày 11/5/2017, năm 2019, Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015. Dự thảo Thông tư đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 15/2015/TT-BTP nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đăng ký và quản lý hộ tịch. Dự thảo Thông tư đã được gửi lấy ý kiến rộng rãi của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý (bao gồm ý kiến của tỉnh Thừa Thiên Huế), Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định, dự kiến ban hành trong năm 2019.
18. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng hoặc ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện kết nối hệ thống Cơ sở Dữ liệu điện tử dùng chung cho hoạt động công chứng, chứng thực để hạn chế tối đa các tranh chấp dân sự (UBND tỉnh Phú Thọ).
Trả lời:
Liên quan đến Cơ sở Dữ liệu điện tử dùng chung cho hoạt động công chứng, chứng thực, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có ý kiến như sau:
Hiện nay, Bộ Tư pháp chưa xây dựng phần mềm riêng để quản lý công tác chứng thực thống nhất trên phạm vi toàn quốc, do đó, chưa thể thực hiện kết nối thành Cơ sở Dữ liệu dùng chung. Bộ Tư pháp thấy rằng, việc xây dựng Cơ sở Dữ liệu điện tử dùng chung cho hoạt động công chứng, chứng thực là thực sự cần thiết, phù hợp với xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự. Một số địa phương đã chủ động xây dựng phần mềm để quản lý công tác công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cung cấp và trao đổi thông tin tại địa phương cũng như đảm bảo sự chính xác, an toàn của hợp đồng, giao dịch, hỗ trợ cảnh báo, ngăn chặn yêu cầu công chứng, chứng thực nhiều lần một tài sản đã đưa ra thực hiện giao dịch, đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và nhà ở như Vĩnh Phúc, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang… Cơ sở pháp lý của việc xây dựng phần mềm về quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở Dữ liệu công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh được quy định tại Điều 5 và Điều 43 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
VII. LĨNH VỰC LÝ LỊCH TƯ PHÁP
1. Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác của ngành Tư pháp, nhất là công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp đáp ứng mục tiêu cải cách tư pháp, cụ thể: sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật LLTP và văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp, thống nhất với các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Phí, lệ phí năm 2015 (UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
– Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật LLTP về nội dung quy định trình tự, thủ tục đương nhiên xóa án tích, đối tượng yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 để tránh lạm dụng (UBND các tỉnh,thành phố: Đà Nẵng, Hải Dương).
– Đề nghị Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung về thời hạn cấp Phiếu LLTP đối với trường hợp phải xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định tại Khoản 1, Điều 48 Luật LLTP theo hướng: “1. Thời hạn cấp Phiếu LLTP không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu LLTP là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 47 của Luật này thì thời hạn không quá 15 ngày; trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 25 ngày”, cho phù hợp với thực tế xác minh các trường hợp đương nhiên được xóa án tích (UBND tỉnh Phú Yên).
– Đề nghị Bộ Tư pháp sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về LLTP phù hợp với thực tiễn công tác LLTP hiện nay và lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (UBND tỉnh Yên Bái)
– Đề nghị bãi bỏ khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP và khoản 1 Điều 25 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP. Lý do: Việc xác minh về việc người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật hình sự có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không đã được Trung tâm LLTP quốc gia – Cục V06 – Phòng V06 xác minh và trả lời kết quả cho Sở Tư pháp từ khi 18 tuổi đến thời điểm hiện nay. Do vậy, việc Sở Tư pháp gửi văn bản yêu cầu xác minh Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị kết án cư trú sau khi chấp hành xong bản án về việc người đó bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không là không cần thiết (UBND tỉnh Quảng Trị).
– Đề nghị Bộ Tư pháp quy định cụ thể thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục đối với yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân trong trường hợp đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để địa phương triển khai thực hiện (UBND thành phốHồ Chí Minh, Hà Nam, tỉnh Quảng Trị).
– Đề nghị Bộ Tư pháp tách thủ tục yêu cầu xóa án tích trong cấp Phiếu LLTP thành một thủ tục hành chính riêng (UBND tỉnh Quảng Nam).
Trả lời:
Trong quá trình tổng kết, đánh giá thực tiễn hơn 09 năm triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp phục vụ dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP), bên cạnh nhiều kết quả đáng ghi nhận, Bộ Tư pháp đã xác định vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác LLTP, trong đó có những vấn đề quan trọng như kiến nghị nêu trên như: sự đồng bộ, phù hợp. thống nhất giữa Luật LLTP với các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Phí, lệ phí năm 2015; trình tự, thủ tục, thời hạn xác minh về đương nhiên xóa án tích; tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP số 2; về thành phần hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp… Do đó, Bộ Tư pháp đã tập trung nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật đặc biệt là các quy định về pháp nhân thương mại phạm tội, ngày 07/9/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình số 378/TTr-CP về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP Chính phủ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này. Đến nay, Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án hình sự được thông qua trong đó quy định cụ thể về việc thi hành án hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội, vì vậy, Bộ Tư pháp dự kiến đề xuất tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật LLTP một cách toàn diện vào năm 2021. Những nội dung kiến nghị của các địa phương đối với việc sửa đổi nội dung có liên quan đến Luật LLTP cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu, nghiên cứu để đưa vào nghiên cứu, sửa đổi Luật LLTP trong thời gian tới.
2. Hiện nay, hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP chuyển về Trung tâm LLTP quốc gia để xác minh, không chuyển sang Công an thành phố. Do đó, đề nghị Trung tâm LLTP quốc gia xem xét, xác minh, cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp, đảm bảo thông tin chính xác, đúng thời gian quy định (UBND thành phố Cần Thơ);
– Việc thực hiện thủ tục cấp Phiếu LLTP bằng giải pháp Kiềng ba chân: trình tự dài, nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian và phải bố trí nhiều nhân lực.. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, tổng hợp những vướng mắc trong thực hiện giải pháp này để điều chỉnh các trình tự, thành phần hồ sơ và mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các đơn vị để thực hiện đảm bảo thời hạn và giảm áp lực cho bộ phận công chức làm nhiệm vụ LLTP (UBND tỉnh Phú Thọ).
Trả lời:
Để giải quyết tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP, trên cơ sở thống nhất giữa Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Bộ Công an, Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp và Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (nay là Cục Hồ sơ nghiệp vụ), Bộ Công an ký Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP để hỗ trợ Sở Tư pháp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP. Quy chế số 02 đã quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, trình tự, thủ tục và thời hạn tra cứu, trả kết quả giữa các cơ quan: Trung tâm LLTP quốc gia – Bộ tư pháp, Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06)-Bộ Công an, Phòng Hồ sơ công an tỉnh tại địa phương (PV06) và Sở Tư pháp. Để giảm các giấy tờ khi chuyển hồ sơ yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn cụ thể về thành phần hồ sơ gửi tra cứu, xác minh theo Quy chế số 02. Hiện nay Sở Tư pháp chỉ phải scan một số loại giấy tờ cần thiết cho việc tra cứu, như: (1) Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP; (2) Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu; (3) Phiếu yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin lên Phần mềm tra cứu, xác minh thông tin LLTP. Do đó, hầu hết các Sở Tư pháp tỉnh/thành đều thực hiện việc scan hồ sơ và chuyển lên Phần mềm một cách nhanh chóng, thuận lợi. Nhìn chung, khi thực hiện theo Quy chế số 02, Trung tâm LLTP quốc gia phối hợp với V06 và PV06 trả kết quả sớm hơn với thời hạn Luật định. Tuy nhiên, hiện nay, theo thống kê thì vẫn còn một tỷ lệ nhỏ, khoảng 2 đến 3% còn chậm so với quy định(trước đây tỷ lệ chậm cấp Phiếu LLTP đến 40%, đặc biệt có tỉnh lên đến 60 – 70%)đều là những trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP không khai trung thực về quá trình cư trú, thay đổi thông tin nhân dân, từng bị kết án…; hoặc là những trường hợp khi tra cứu, xác minh thấy rằng đương sự đã từng bị bắt, lập căn cước nhưng chưa rõ kết quả xử lý của các cơ quan tố tụng.
Để có sự đánh giá một cách toàn diện, khách quan về kết quả đạt được và xác định những hạn chế, bất cập của Quy chế này, dự kiến trong năm 2020 Trung tâm LLTP quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để sơ kết 02 năm thực hiện Quy chế số 02.
3. Đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo Trung tâm LLTP quốc gia tiếp tục có văn bản hướng dẫn việc thực hiện Quy chế phối hợp số 02 đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh sự mâu thuẫn trong việc áp dụng pháp luật trong lĩnh vực LLTP (UBND tỉnh Đồng Tháp).
Trả lời:
Quy chế số 02 được xây dựng trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an và Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Ngày 29/6/2018, Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Bộ Công an xây dựng Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP. Thời gian triển khai Quy chế số 02 bắt đầu từ 01/4/2019.
Để triển khai hiệu quả Quy chế số 02, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Trung tâm LLTP quốc gia đã triển khai có hiệu quả Quy chế số 02. Cụ thể: ngày 17/01/2019, Trung tâm đã có Công văn số 58/TTLLTPQG-HCTH về việc hướng dẫn triển khai Quy chế phối hợp số 02, theo đó hướng dẫn Sở Tư pháp trong phạm vi toàn quốc về việc chuyển hồ sơ tra cứu qua Phần mềm “Kiềng ba chân”, Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp – Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an – Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh tiến hành đồng thời tra cứu, xác minh thông tin. Đồng thời, đảm bảo triển khai đồng bộ Quy chế số 02, Trung tâm LLTP quốc gia đã có Công văn số 135/TTLLTPQG-HCTH ngày 15/3/2019 về việc hướng dẫn triển khai Quy chế số 02 gửi Sở Tư pháp và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 07/3/2019, Trung tâm LLTP quốc gia phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an tổ chức lớp tập huấn Hướng dẫn sử dụng phần mềm Hỗ trợ tra cứu, xác minh thông tin cấp Phiếu LLTP cho 63 Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 30/5/2019, Trung tâm LLTP quốc gia đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ký công văn số 1974/BTP-TTLLTPQG về việc triển khai Quy chế số 02 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay đã có 61/63 Sở Tư pháp thực hiện Quy chế số 02.
4. Đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo Trung tâm LLTP quốc gia tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trả lời kết quả xác minh thông tin LLTP kịp thời, chính xác hơn đặc biệt là những trường hợp đương nhiên được xóa án tích để địa phương có cơ sở cấp Phiếu LLTP cho cá nhân, tổ chức đúng thời hạn pháp luật quy định đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính (UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hải Dương, Quảng Bình).
– Đề nghị Bộ Tư pháp trao đổi, thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm hơn nữa trong việc cung cấp thông tin theo đề nghị của Sở Tư pháp để đảm bảo việc cấp Phiếu LLTP cho công dân (UBND tỉnh Hà Nam).
– Đề nghị Bộ Tư pháp làm việc với cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin LLTP ở Trung ương để có chỉ đạo trong Ngành thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/05/2012 của liên Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (UBND tp Hồ Chí Minh).
– Đề nghị ban hành cơ chế phối hợp xác minh giữa các cơ quan liên quan, trong đó xác định rõ thời gian xác minh của từng cơ quan và cách thức xử lý thông tin LLTP khi hết thời gian quy định mà không nhận được văn bản xác minh của các cơ quan liên quan (UBND tp Hồ Chí Minh).
– Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo các cơ quan ngành dọc cung cấp đầy đủ thông tin án tích tồn đọng hoặc có giải pháp xây dựng Đề án giải quyết thông tin án tích còn tồn đọng (UBND tỉnh Sơn La).
Trả lời:
Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan (công an, tòa án, viện kiểm sát, thi hành án) trong việc cung cấp thông tin LLTP về án tích cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP (Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp) để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP; đồng thời cũng quy định rõ những loại thông tin LLTP về án tích phải cung cấp cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP (như: trích lục bản án, các quyết định thi hành, giấy chứng nhận liên quan đến việc thi hành bản án của người bị kết án…). Đặc biệt, Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 liên tịch Bộ Tư pháp, Tòa án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan ở Trung ương và giữa các cơ quan ở địa phương (Sở Tư pháp, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát tỉnh/thành phố). Ngoài ra, triển khai công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an tại Thông báo kết luận số 02/TB-BCA-BTP ngày 23/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công tác phối hợp năm 2017 và các năm tiếp theo, Trung tâm LLTP quốc gia phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53), Bộ Công an ký Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Như vậy, Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành cơ bản đã quy định đầy đủ trách nhiệm của các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin LLTP về án tích cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP nói chung và Sở Tư pháp tỉnh/thành phố nói riêng.
Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cung cấp thông tin LLTP về án tích của các cơ quan liên quan như kiến nghị nêu trên, về phía Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp dự kiến tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính) vào ngày 25/12/2019 để có giải pháp cho những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật LLTP, Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 hiện nay.
5. Đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo về LLTP cho đội ngũ cán bộ được phân công chuyên trách làm công tác LLTP (UBND các tỉnh Lâm Đồng, Yên Bái).
Trả lời:
Ngay sau khi Luật LLTP năm 2009 được ban hành, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tư pháp đã tổ chức 04 lớp đào tạo nghiệp vụ LLTP cho công chức, viên chức làm công tác LLTP tại Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp trên toàn quốc với hơn 150 học viên; tổ chức 08 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ LLTP, 06 lớp tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý LLTP. Gần đây nhất, năm 2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 lớp tập huấn chuyên sâu về Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 cho cán bộ làm công tác LLTP vào ngày 20-21/9/2018 (lớp miền Bắc) và ngày 27-28/9/2018 (lớp miền Nam); năm 2019, Bộ Tư pháp tổ chức 01 lớp tập huấn vào ngày 29-30/11/2019 tại Cần Thơ.
6. Đề nghị Bộ Tư pháp làm việc với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính theo hướng cho phép Sở Tư pháp sử dụng phí cung cấp thông tin LLTP để thực hiện chế độ chính sách đối với công chức, người lao động làm công tác LLTP (UBND tp Hồ Chí Minh).
Trả lời:
Hiện nay, Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin LLTP, theo đó số tiền phí thu được của Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp để thực hiện tra cứu, xác minh và nộp vào ngân sách nhà nước. Nội dung chi được thực hiện theo Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ.
Ngoài ra, để đảm bảo việc phân bổ ngân sách nhà nước cho công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP, ngày 14/8/2018, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 3013/BTP-KHTC về việc kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tư pháp trong quá trình lập, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trong công tác LLTP, đặc biệt là việc cập nhật thông tin, dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu LLTP tại địa phương. Trên cơ sở đó, đề nghị Sở Tư pháp lập dự toán đề nghị Ủy ban nhân dân cấp kinh phí trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP.
7.Theo Quyết định số 2244/QĐ-BTP này 24/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực LLTP thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Trong đó, việc cấp Phiếu LLTP quy định thời hạn giải quyết hồ sơ là: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được yêu cầu cấp Phiếu LLTP là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày”. Thời hạn tra cứu, xác minh đối với cơ quan Công an là “Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh LLTP, cơ quan Công an cấp tỉnh thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng án tích của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp kết quả tra cứu. Trường hợp phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an thì thời hạn không quá 09 ngày làm việc”. Do vậy, đề nghị Bộ Tư pháp xem xét sửa đổi thống nhất để áp dụng trên toàn quốc (UBND tỉnh Hà Nam).
Trả lời:
Thời hạn giải quyết hồ sơ cấp Phiếu LLTP tại Quyết định số 2244/QĐ-BTP này 24/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực LLTP căn cứ trên cơ sở quy định của Luật LLTP là 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được yêu cầu cấp Phiếu LLTP là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày. Đối với thời hạn tra cứu, xác minh đối với cơ quan Công an là: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh LLTP, cơ quan Công an cấp tỉnh thực hiện tra cứu thông tin về tình tạng án tích của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp kết quả tra cứu. Trường hợp phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an thì thời hạn không quá 09 ngày làm việc”.
Tuy nhiên, để cải cách thủ tục hành chính tại địa phương, nhằm rút ngắn thời hạn cấp Phiếu LLTP, Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an ký Quy chế phối hợp số 02, theo đó thời hạn trả lời kết quả tra cứu, xác minh cho Sở Tư pháp là 5 ngày làm việc, trường hợp có thông tin đến việc khởi tố, kết án thì thời hạn 09 ngày làm việc và cung cấp các bản photo các tài liệu có liên quan như bản án, quyết định thi hành án, Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù…, bảo đảm độ chính xác của thông tin, qua đó giúp cho Sở Tư pháp trả kết quả sớm hoặc đúng thời hạn cấp Phiếu LLTP, rút ngắn thời hạn cấp Phiếu LLTP cho công dân.
VIII. LĨNH VỰC NUÔI CON NUÔI
Đề nghịBộ Tư pháp có hướng dẫn thêm đối với việc cho, nhận con nuôi trong nước, Uỷ ban nhân dân cấp xã không nhận được thông báo của cha, mẹ nuôi về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha, mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Nuôi con nuôi (UBND tỉnh Hậu Giang).
Trả lời:
Việc cha, mẹ nuôi không thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần và sự hòa nhập của con nuôi là thực trạng tương đối phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay do không có chế tài để đảm bảo thực hiện. Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã chưa quy định mức xử phạt đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ này của cha, mẹ nuôi.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Nuôi con nuôi, bên cạnh trách nhiệm thông báo tình hình phát triển của con nuôi mà cha, mẹ nuôi có nghĩa vụ thực hiện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú của cha, mẹ nuôi cũng cần đảm bảo thực hiện tốt trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi, trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc cha, mẹ nuôi thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình phát triển của con nuôi trong trường hợp không nhận được báo cáo định kỳ theo quy định.
Để khắc phục tình trạng này, Cục Con nuôi đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký việc nuôi con nuôi và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:
– Khi đăng ký việc nuôi con nuôi, đảm bảo thực hiện việc tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, trong đó cha, mẹ nuôi có nghĩa vụ thông báo tình hình phát triển của con nuôi.
– Có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi tại nơi cha, mẹ nuôi thường trú. Trường hợp người nhận con nuôi không thường trú tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký việc nuôi con nuôi thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký việc nuôi con nuôi thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú để kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi.
Nhìn nhận thực trạng trên, trong thời gian tới, Cục Con nuôi sẽ tổng hợp, rà soát và tiến hành nghiên cứu sửa đổi quy định của pháp luật để đảm bảo việc theo dõi tình hình phát triển của con nuôi trong nước được thực hiện đầy đủ, nghiên cứu về việc áp dụng chế tài trong trường hợp cha, mẹ nuôi không thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình hình phát triển của con nuôi.
IX. LĨNH VỰC ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
Sở Tài nguyên – Môi trường chịu trách nhiệm quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ đăng ký biện pháp bảo đảm đối với Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh, con người, cơ cấu tổ chức, biên chế do Sở Tài nguyên – Môi trường thực hiện (Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC của liên bộ Tài nguyên – Môi trường, Tài chính và Bộ Nội vụ).
Trong khi đó cũng tại khoản 5 Điều 66 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về biện pháp đăng ký giao dịch bảo đảm, Điều 17 khoản 3 điểm b Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTN-MT đã giao Sở Tư pháp tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm. Trên thực tế chức năng, nhiệm vụ này Sở Tư pháp không thể thực hiện đầy đủ được vì thiếu kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể như: hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc đăng ký và quản lý đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; hướng dẫn Văn phòng Đăng ký đất đai cập nhật, tích hợp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất vào Hệ thống Dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đăng ký viện pháp bảo đảm theo thẩm quyền.
Đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị với Chính phủ chuyên giao chức năng về Sở Tài nguyên – Môi trường thì phù hợp và thuận lợi hơn (UBND tỉnh Quảng Nam).
Trả lời:
1. Thế chấp tài sản nói chung, thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nói riêng là một trong các quyền dân sự đã được ghi nhận từ Bộ luật dân sự năm 1995, 2005, nay là Bộ luật dân sự năm 2015 (sau đây gọi là BLDS). Thế chấp quyền sử dụng đất, đăng ký biện pháp bảo đảm, xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là các nội dung nằm trong phần bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và các chế định khác có liên quan của BLDS.
Trên cơ sở quy định của BLDS, Luật đất đai đã quy định một trong các quyền của người sử dụng đất là thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu hợp pháp và có đủ điều kiện để thế chấp.
Quy định của BLDS và Luật đất đai cho thấy, đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không chỉ đơn thuần là thủ tục đăng ký biến động đất đai mà còn là công cụ pháp lý được Nhà nước ghi nhận để các chủ thể trong giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm thực hiện, bảo vệ quyền dân sự của mình khi dùng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; tạo căn cứ phát sinh hiệu lực công khai, xác lập quyền đối kháng với người thứ ba trong xử lý tài sản bảo đảm, xác lập thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ nợ, bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình và sự ổn định của các giao dịch, quan hệ kinh tế – xã hội có liên quan. Đây là những nội dung quan trọng phải được bảo đảm thực hiện theo quy định của BLDS, văn pháp pháp luật hướng dẫn BLDS (Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm…).
2. Để đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm, bảo đảm mục đích, bản chất pháp lý của đăng ký biện pháp bảo đảm như đã nêu ở trên, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm đã phân định rất rõ chức năng quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm có đối tượng là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, trong đó:
– Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thực hiện quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ đăng ký biện pháp bảo đảm đối với Văn phòng đăng ký đất đai; tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về đất đai để tạo cơ sở cho việc vận hành giao dịch điện tử về đất đai, trong đó có đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, hoàn thành trước năm 2025. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật đất đai và sự phân công của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước thống nhất về xây dựng thể chế về quản lý, sử dụng đất đai; quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; tổ chức, hoạt động của các Văn phòng đăng ký đất đai…;
– Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan chủ trì xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (BLDS, các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi BLDS, Luật đất đai về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm, như Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP) đã được giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nội dung quản lý nhà nước bao gồm: xây dựng thể chế về đăng ký biện pháp bảo đảm; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho người thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm; kiểm tra, thanh tra, theo dõi thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm… Trong tất cả các hoạt động này, Bộ Tư pháp đều phải có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ, ngành khác có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan.
Trên cơ sở chức năng quản lý nhà nước nói chung của Bộ Tư pháp, chức năng của cơ quan tư pháp ở địa phương và để đảm bảo tính “xuyên suốt” trong chỉ đạo, điều hành (theo ngành dọc) từ Trung ương đến địa phương trong quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP đã giao Sở Tư pháp là cơ quan tư pháp địa phương giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ: chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, sở, ngành khác có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc đăng ký thế chấp, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho người thực hiện đăng ký thế chấp; kiểm tra công tác đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất…. Các nhiệm vụ khác liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ đăng ký biến động đất đai, cơ cấu tổ chức của cơ quan đăng ký, số lượng biên chế, cơ sở vật chất… do cơ quan tài nguyên và môi trường địa phương quản lý.
Quy định chức năng quản lý nhà nước của Sở Tư pháp nêu trên giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm soát về mặt pháp lý việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, qua đó đảm bảo sự an toàn, minh bạch, khách quan cho các giao dịch liên quan đến tài sản bảo đảm; đảm bảo sự thông thoáng trong giao lưu dân sự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, quyền lợi của người thứ ba và sự ổn định của các giao dịch, quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại có liên quan tại địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
3. Thực tiễn quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thời gian qua cho thấy, việc giao Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương đã đi vào ổn định. Qua theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy, rất nhiều Sở Tư pháp đã triển khai và thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước của mình; kịp thời, linh hoạt trong cử bộ phận tham mưu, công chức lãnh đạo, công chức chuyên viên có kinh nghiệp thực hiện công tác quản lý, ví dụ: nhiều Sở Tư pháp đã giao cho Phòng Bổ trợ tư pháp giúp thực hiện quản lý về công tác đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Việc quản lý về đăng ký biện pháp bảo đảm gắn liền với quản lý nhà nước về công chứng, bán đấu giá tài sản đã giúp các thiết chế này phát huy vai trò trong việc hỗ trợ người dân trong việc xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm.
Với vai trò là cơ quan chủ trì, thực hiện trên cơ sở Quy chế phối hợp được UBND tỉnh ban hành, nhiều Sở Tư pháp đã phối hợp rất tốt với các Sở, ngành, tổ chức có liên quan ở địa phương như Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đât đai, Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố, tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng… trong việc xây dựng văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp, tổng hợp vướng mắc, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, qua đó kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực đăng ký thế chấp, góp phần đưa công tác này của địa phương đi vào nề nếp, ổn định (như Sở Tư pháp Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Bến Tre, Tiền Gang…).
Xuất phát từ những lý do chủ yếu nêu trên, Bộ Tư pháp cho rằng, việc Chính phủ tiếp tục giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và giao Sở Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm tại địa phương là phù hợp.
X. LĨNH VỰC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC
1. Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức tập huấn về công tác bồi thường nhà nước, đồng thời phổ biến những kinh nghiệm vụ việc thực tế của các địa phương, cơ quan khác để tham khảo, học tập lẫn nhau (UBND các tỉnh Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế).
Trả lời:
Sau khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) có hiệu lực (từ ngày 01/7/2018), trong năm 2018, 2019, Bộ Tư pháp (Cục Bồi thường nhà nước) đã tổ chức 17 hội nghị tập huấn ( Năm 2018, tổ chức 11 hội nghị; năm 2019, tổ chức 06 Hội nghị). Bên cạnh đó, trong năm 2018, 2019, Bộ Tư pháp (Cục Bồi thường nhà nước) đã cử 36 lượt cán bộ Lãnh đạo cấp Cục và cấp phòng làm báo cáo viên tại Hội nghị tập huấn tại một số địa phương (năm 2018 có 11 địa phương tổ chức; năm 2019 có 01 bộ và 6 địa phương tổ chức).
Như vây, kể từ khi Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực đến nay, việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước đã được Bộ Tư pháp (Cục Bồi thường nhà nước) triển khai hằng năm. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp, Bộ Tư pháp chưa tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước một cách sâu, rộng. Do đó, để thực hiện hiệu quả công tác này, bên cạnh trách nhiệm của Bộ Tư pháp, đề nghị bộ, ngành và đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước cần quan tâm và có sự chủ động tổ chức, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp cử chuyên gia tổ chức và báo cáo viên tham gia hỗ trợ, đồng thời cung cấp tài liệu để các bộ, ngành địa phương chủ động tổ chức các lớp tập huấn tại cơ quan, địa phương, ngành mình.
Dự kiến trong năm 2020, Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước, kỹ năng giải quyết bồi thường, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, triển khai 03 văn bản mới được ban hành trong năm 2019, gồm: Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 quy định biện pháp thực hiện hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường và Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước cho đội ngũ được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
2. Các cơ quan ở Trung ương cần có quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan về quản lý nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước. Cần xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật về bồi thường nhà nước nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập còn tồn tại (UBND tỉnh Lâm Đồng).
Trả lời:
a) Việc xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật về bồi thường nhà nước
Sau khi Luật TNBTCNN năm 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 01 Nghị định và Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo thẩm quyền đã ký ban hành 06 Thông tư, Thông tư liên tịch (trong đó có 03 thông tư, thông tư liên tịch bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, liên tịch ban hành trong lĩnh vực bồi thường nhà nước; 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN)[3].
Như vậy, tính đến nay, hệ thống pháp luật về bồi thường nhà nước cơ bản đã hoàn thiện, các cơ quan, tổ chức, người dân có đủ căn cứ pháp luật để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực bồi thường nhà nước.
b) Về việc cần có quy định về cơ chế phối họp giữa các cơ quan liên quan về quản lý nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước
Trên cơ sở nội dung của Luật TNBTCNN năm 2017, Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật TNBTCNN và các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đã quy định việc Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước. Tuy nhiên, thực tế qua công tác theo dõi, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước và báo cáo của các địa phương thời gian qua, nhiều địa phương đã có kiến nghị, đề xuất việc cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước với các cơ quan liên quan thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến, tổ chức phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền trong việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước với các cơ quan có liên quan để công tác bồi thường nhà nước được hiệu quả, thiết thực. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đề nghị các bộ, ngành ở trung ương và các cơ quan, tổ chức ở địa phương chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước theo quy định của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
XI. LĨNH VỰC BỔ TRỢ TƯ PHÁP
1. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản sau: Luật Giám định tư pháp; Nghị định 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật (UBND tỉnh An Giang).
Trả lời:
– Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Bộ Tư pháp đã lập Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp báo cáo Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2019-2020, trong đó bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Ngày 22/8/2019, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp (Tờ trình số 345/TTr-CP). Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thẩm tra dự án Luật (ngày 05/9/2019); Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật (ngày 19/9/2019 và Quốc hội đã cho ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ (ngày 19/11/2019) và thảo luận tại Hội trường (ngày 25/11/2019). Theo Chương trình, dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sẽ được Quốc hội thông qua vào Kỳ hợp thứ 9.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất về cơ chế phối hợp trong trưng cầu, tiếp nhận và thực hiện vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; thời hạn giám định; yêu cầu đối với nội dung trưng cầu và kết luận giám định; trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với hoạt động giám định tư pháp… Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được ban hành sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám định tư pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật tố tụng nói riêng.
– Năm 2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết 07 năm thi hành Nghị định số 77/2008/NĐ-CP nhằm tổng kết những kết quả đạt được trong thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP. Về cơ bản, các nội dung của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP phù hợp với thực tiễn, tuy nhiên, do sự thay đổi của một số văn bản pháp luật có liên quan như Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý…. và thay đổi của tình hình thực tế, cần thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn tư vấn viên pháp luật, phạm vi hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, mẫu Thẻ tư vấn viên pháp luật, mô hình Trung tâm tư vấn pháp luật, phí tư vấn pháp luật… Từ năm 2015 đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức một số hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến rộng rãi về định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP và phương hướng xây dựng mô hình Trung tâm tư vấn pháp luật trong thời gian tới. Cho đến thời điểm này, Bộ Tư pháp đang tiếp tục đánh giá thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất những nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2008/NĐ-CP và chuẩn bị các bước cho việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2008/NĐ-CP theo quy trình được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt động bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại; văn bản pháp luật theo hướng giảm thuế suất cho các tổ chức hành nghề luật sư tại những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, phù hợp với tính chất đặc thù hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư; có chính sách hỗ trợ khuyến khích luật sư đẩy mạnh hoạt động tại vùng sâu, vùng xa (Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang).
Trả lời:
Bộ Tư pháp ghi nhận kiến nghị này của địa phương. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam và các cơ quan có liên quan tranh thủ huy động các nguồn lực để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động của luật sư tại một số địa bàn khó khăn. Để phát triển đội ngũ luật sư thương mại, thời gian qua, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Liên đoàn luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư địa phương đã tổ chức các lớp bồi dưỡng miễn phí do dự án quốc tế với nước ngoài hỗ trợ hoặc có thu phí (ở mức tối thiểu để bù đắp chi phí) cho các luật sư; về cơ bản, các khóa bồi dưỡng này nhận được sự ủng hộ và sự tham gia nhiệt tình của các luật sư. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tình hình kinh tế – xã hội của mỗi địa phương, hàng năm, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn có chính sách hỗ trợ cho việc đào tạo, bồi dưỡng luật sư hội nhập.
Hàng năm, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư đều tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho luật sư, cán bộ tư vấn pháp luật của các địa phương. Trong các năm 2016, 2017, 2018, 2019, các hoạt động này đều có sự tham gia của đại biểu là luật sư, luật gia trên địa bàn tỉnh An Giang.
Về đề xuất xây dựng văn bản pháp luật theo hướng giảm thuế suất cho các tổ chức hành nghề luật sư tại những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, Bộ Tư pháp đã nhiều lần trao đổi, làm việc với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tài chính thì do các tổ chức hành nghề luật sư cũng được coi là một loại hình doanh nghiệp nên việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Tùy thuộc vào chính sách của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét, hỗ trợ việc giảm thuế suất cho tổ chức hành nghề luật sư, đặc biệt ở các địa phương có tình hình kinh tế – xã hội khó khăn, góp phần phát triển hoạt động luật sư và đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
3. Đề nghị Bộ Tư pháp, Đảng Đoàn, Liên đoàn luật sư Việt Nam cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng luật sư về kiến thức và kỹ năng hành nghề luật sư trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại và hội nhập quốc tế; tạo cơ chế bảo đảm quyền bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 để đội ngũ luật sư có cơ hội đóng góp cùng các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Trả lời:
Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế Việt Nam và Đoàn luật sư nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế với hàng trăm lượt luật sư tham gia. Chủ đề của các lớp bồi dưỡng chủ yếu liên quan đến nội dung hội nhập quốc tế như tài chính, ngân hàng, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, xây dựng, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, trọng tài thương mại….. Hầu hết các lớp bồi dưỡng đều thu hút sự quan tâm và tham gia của các luật sư, đặc biệt là luật sư trẻ. Còn đối với hoạt động đào tạo luật sư hội nhập, trong thời gian qua, Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế thuộc Học viện Tư pháp đã tổ chức được 02 khóa đào tạo và nhận được phản hồi tích cực từ phía học viên. Với mức học phí phù hợp và đội ngũ giảng viên là các luật sư nước ngoài và luật sư hàng đầu của Việt Nam đang hành nghề trong các công ty luật lớn, giàu uy tín, kinh nghiệm, nhiệt tình giảng dạy, chương trình đào tạo được chỉnh lý và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của học viên, việc đào tạo luật sư hội nhập của Trung tâm đang từng bước khẳng định uy tín và tạo dựng niềm tin từ cộng đồng xã hội. Hiện nay, Trung tâm đang tổ chức tuyển sinh khóa 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia khá đông của đội ngũ học viên, chủ yếu là các cử nhân luật trẻ thông thạo ngoại ngữ.
Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Đảng Đoàn và Liên đoàn luật sư Việt Nam làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng để từng bước đảm bảo quyền bào chữa của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng, nâng cao vị thế, vai trò của luật sư trong tố tụng, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, từng bước hiện thực hóa các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, nâng cao nhận thức của các cán bộ làm công tác tố tụng về vai trò, đặc thù hoạt động của nghề luật sư.
4. Luật Giám định tư pháp, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định có liên quan đến giám định tư pháp chưa quy định trong trường hợp có nhiều kết luận giám định khác nhau thì kết quả của lần giám định nào sẽ là kết quả chính thức được sử dụng trong việc giải quyết vụ án, điều này gây khó khăn trong hoạt động tố tụng; chưa quy định chế tài xử lý trong trường hợp kéo dài việc giám định, chế tài xử lý giám định viên làm không đúng, không đầy đủ trách nhiệm khi thực hiện hoạt động giám định. Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn địa phương để giải quyết những vấn đề trên (UBND tỉnh Bến Tre).
Trả lời:
– Về trường hợp có nhiều kết luận giám định khác nhau thì kết quả của lần giám định nào sẽ là kết quả chính thức được sử dụng trong việc giải quyết vụ án
Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì các cơ quan giám định tư pháp là độc lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định, không có quy định cơ quan giám định ở cấp nào là cao hơn, vì: kết luận giám định tư pháp mang tính khoa học, là một trong những nguồn chứng cứ được thu thập theo thủ tục luật định, làm căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét, đánh giá và quyết định khi giải quyết vụ án. Vì vậy, không nên đặt ra yêu cầu xác định “kết luận giám định cuối cùng”, vì không thể coi kết luận giám định của một cấp nào đó là tuyệt đối đúng, mà trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần xem xét, đánh giá cùng với các nguồn chứng cứ khác. Trường hợp có mâu thuẫn về kết luận giám định, trong trường hợp cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng quyết định trưng cầu giám định lại. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ chung của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, Luật Giám định tư pháp đã có quy định (Điều 30) nhằm hạn chế việc giám định nhiều lần và có “điểm dừng”, theo đó, nếu vụ việc đã được Hội đồng giám định lại lần thứ hai thì không giám định lại nữa, trừ trường hợp đặc biệt do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định. Đồng thời theo quy định tại Điều 212 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì: Kết luận giám định lại trong trường hợp do Hội đồng giám định thực hiện trong trường hợp đặc biệt được sử dụng để giải quyết vụ án.
– Về việc quy định chế tài xử lý trong trường hợp kéo dài việc giám định, chế tài xử lý giám định viên làm không đúng, không đầy đủ trách nhiệm khi thực hiện hoạt động giám định
Luật Giám định tư pháp đã có một số quy định có tính chất xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức được trưng cầu thực hiện giám định trong việc tiếp nhận và thực hiện giám định (Điều 4); cấm việc cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định (khoản 3 Điều 6); quy định nghĩa vụ của người giám định trong việc thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu (điểm c khoản 2 Điều 23). Tương ứng với các quy định nêu trên, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm. Tùy tính chất, mức độ vi phạm người giám định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 383 Bộ luật hình sự về tội từ chối kết luận giám định.
Như vậy, các quy định liên quan đến hoạt động giám định tư pháp cơ bản đồng bộ, tới đây các cơ quan liên quan sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Giám định tư pháp năm 2012, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các quy định có liên quan thì chất lượng hoạt động giám định tư pháp và chất lượng hoạt động tố tụng trong thời gian tới sẽ được nâng cao, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nêu trên.
5. Thể chế cho hoạt động thừa phát lại đến nay chưa được hoàn thiện dẫn đến hoạt động này gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Đề nghị sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng, hoàn thiện quy định về chế tài xử phạt đối với lĩnh vực thừa phát lại để điều chỉnh, quản lý hoạt động Thừa phát lại vào nền nếp (UBND các tỉnh: Bến Tre, Sóc Trăng).
Trả lời:
Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh đã được trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến. Thực hiện ý kiến chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 10868/VPCP-PL ngày 27/11/2019 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đang tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo Nghị định, trong đó có nội dung quy định như kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Tháp, sẽ trình Chính phủ xem xét, quyết định ban hành Nghị định trong tháng 12/2019.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013, Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó có bổ sung các hành vi vi phạm trong hoạt động của Thừa phát lại và hình thức xử phạt tương ứng. Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp trình Chính phủ và dự kiến sẽ được ban hành sau khi Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) được ban hành.
6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, Điều 2 Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng năm 2014, theo đó bãi bỏ các quy định có liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” vẫn chưa được điều chỉnh hoặc bãi bỏ nên các địa phương lúng túng trong việc áp dụng thời điểm triển khai thực hiện việc bãi bỏ quy hoạch. Đồng thời, điểm b Khoản 2 Điều 69 Luật Công chứng và Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch quy định Bộ Tư pháp có trách nhiệm “Xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển nghề công chứng”. Đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành chính sách phát triển nghề công chứng theo quy định trên. Ngày 12/02/2019, Bộ Tư pháp có Công văn số 449/BTP-BTTP về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật Công chứng năm 2014. Tuy nhiên, một số nội dung chỉ đạo, hướng dẫn tại Công văn số 449/BTP-BTTP còn chung chung, chưa định hướng cụ thể nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ xin phép thành lập văn phòng công chứng (UBND thành phố Đà Nẵng).
Trả lời:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Điều 2 của Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng năm 2014. Tiếp đó, ngày 26/8/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ban hành Danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 thuộc danh mục các quy hoạch hết hiệu lực hành. Ngày 12/02/2019, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 449/BTP-BTTP về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch và Luật công chứng hướng dẫn về chủ trương, định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Các địa phương cần nghiên cứu kỹ, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương mình bảo đảm chất lượng hoạt động công chứng.
Thực hiện quy định của Luật công chứng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, Bộ Tư pháp đang xây dựng chính sách phát triển nghề công chứng để trình Chính phủ xem xét, quyết định ban hành bảo đảm Nhà nước có chính sách phát triển nghề công chứng một cách phù hợp.
7. Về sự bất hợp lý trong việc thực hiện cơ chế tài chính giữa Phòng Công chứng thuộc Sở Tư pháp (là đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư) và Văn phòng Công chứng. Theo thống kê, từ năm 2015 đến năm 2018, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thu phí công chứng và nộp ngân sách như sau:
+ Tổng số tiền phí công chứng và thù lao công chứng của 3 Phòng Công chứng là: 96.808.526.772 đồng, nộp ngân sách là 33.100.663.411 đồng;
+ Tổng số tiền phí công chứng và thù lao công chứng của 16 VPCC là: 215.074.066.434 đồng (cao gấp hơn 2 lần mức thu của các Phòng Công chứng) nhưng chỉ nộp ngân sách 28.323.183.713 đồng (thấp hơn 03 Phòng Công chứng).
Mức nộp ngân sách nhà nước của các Văn phòng Công chứng thấp hơn so với các Phòng Công chứng, trong khi nguồn thu của các Văn phòng Công chứng cao hơn rất nhiều, do các Văn phòng Công chứng hoạt động theo loại hình Công ty hợp danh nên sau khi khấu trừ các khoản thu, chi của doanh nghiệp, số còn lại mới đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Các Phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập, phải trích nộp 25% nguồn thu vào ngân sách nhà nước, sau đó mới cân đối chi hoạt động.
Nguồn thu của các Văn phòng Công chứng những năm gần đây rất lớn, nhưng lại nộp ngân sách thấp hơn các Phòng Công chứng nên có sự không công bằng giữa hai loại hình hoạt động. Điều này cho thấy, chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là đúng đắn, tuy nhiên, Bộ Tư pháp cần phải nghiên cứu, tham mưu quy định về phương thức, cách thức hoạt động và đóng góp ngân sách để đảm bảo sự công bằng giữa các Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng, tránh lợi ích nhóm khi thực hiện chủ trương xã hội hóa (UBND thành phố Đà Nẵng).
Trả lời:
Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, chế độ tài chính được thực hiện theo các văn bản pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, chịu sự điều chỉnh của Luật Công chứng, Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Về cơ bản, hiện nay chế độ tài chính của hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng là khác nhau do địa vị pháp lý khác nhau.
Bộ Tư pháp ghi nhận ý kiến nêu trên và sẽ có nghiên cứu, tổng kết đánh giá, trong trường hợp xét thấy có thể điều chỉnh sự bất hợp lý thì sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi chế độ tài chính của hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng đối với Phòng công chứng và Văn phòng công chứng.
8. Một số quy định pháp luật về giám định tư pháp còn bất cập, gây ra nhiều khó khăn như: Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định chỉ có các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, di vật, cổ vật, bản quyền tác giả mới được thành lập Văn phòng giám định tư pháp; điều kiện được thành lập Văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp có từ đủ 05 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng … dẫn đến nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện để thành lập Văn phòng giám định tư pháp, gây nhiều trở ngại trong việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp (UBND thành phố Đà Nẵng).
Trả lời:
– Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định chỉ có các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, di vật, cổ vật, bản quyền tác giả mới được thành lập Văn phòng giám định tư pháp là nhằm thể chế chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó: “Thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên”.
– Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Luật Giám định tư pháp thì: muốn được thành lập Văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp có từ đủ 05 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng. Thực tiễn thi hành đã có một số vướng mắc và đã được đánh giá trong tổng kết 05 thực hiện Luật giám định tư pháp, do đó, quy định này đã được xem xét, sửa đổi bổ sung theo hướng giám định viên tư pháp chỉ cần 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng (sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 15).
9. Về việc hủy kết quả đấu giá tài sản: Điều 72 Luật Đấu giá tài sản quy định về các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản. Tuy nhiên, các trường hợp hủy kết quả đấu giá tại Điều 72 còn chung chung, chưa đảm bảo tính bao quát và dễ bỏ sót, không xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về đấu giá tài sản trên thực tế. Bên cạnh đó, Luật Đấu giá tài sản chưa quy định cụ thể về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp nên gây khó khăn trong việc áp dụng trên thực tế. Cụ thể như: Luật Đấu giá tài sản chưa quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền hủy kết quả đấu giá tài sản trong các trường hợp được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 72 Luật này, gây khó khăn trong quá trình áp dụng trên thực tế. Bởi lẽ, hiện nay liên quan đến việc đấu giá tài sản đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau về mối quan hệ hành chính hay quan hệ dân sự trong từng giai đoạn đấu giá tài sản. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ thẩm quyền hủy kết quả đấu giá tài sản trong từng trường hợp để đảm bảo tính khả thi trên thực tế (UBND thành phố Đà Nẵng)
Trả lời:
Điều 72 Luật Đấu giá tài sản đã liệt kê các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản, trong đó khoản 3 quy định theo hướng dẫn chiếu đến khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản: “Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản bị hủy bỏ theo quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này”, theo đó, chủ thể có quyền hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản là người có tài sản khi có một trong 05 căn cứ được quy định tại khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản.
Đối với quy định tại khoản 4 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản, theo pháp luật dân sự và các quy định của Luật Đấu giá tài sản thì quan hệ giữa các bên trong hoạt động đấu giá tài sản là quan hệ dân sự. Do đó, trường hợp “người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản” thì quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự.
10. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Công chứng để khắc phục những hạn chế trong tổ chức và hoạt động, tên gọi của các tổ chức hành nghề công chứng (UBND tỉnh Đồng Nai).
Trả lời:
Bộ Tư pháp ghi nhận nội dung kiến nghị của địa phương liên quan đến triển khai thi hành Luật Công chứng và sẽ tiếp tục tổng hợp những hạn chế, bất cập, vướng mắc về mặt thể chế, trong quá trình triển khai, đánh giá kết quả thực hiện Luật Công chứng để báo cáo Chính phủ, Quốc hội sớm đưa Luật Công chứng sửa đổi, bổ sung vào Chương trình.
11. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Nghị định về thừa phát lại và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thừa phát lại và đấu giá tài sản (theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016) – (UBND các tỉnh: Đồng Nai, Hải Dương).
Trả lời:
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013, Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó có bổ sung các hành vi vi phạm trong hoạt động của Thừa phát lại và hình thức xử phạt tương ứng. Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp trình Chính phủ và dự kiến sẽ được ban hành sau khi Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) được ban hành.
12. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại, theo hướng quy định Thừa phát lại tự chịu trách nhiệm cá nhân đối với Vi bằng do mình lập, Sở Tư pháp không thực hiện kiểm tra tính hợp pháp của Vi bằng (UBND tỉnh Đồng Tháp).
Trả lời:
Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại đã được trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến. Thực hiện ý kiến chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 10868/VPCP-PL ngày 27/11/2019 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đang tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo Nghị định, trong đó có nội dung quy định như kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Tháp, sẽ trình Chính phủ xem xét, quyết định ban hành Nghị định trong tháng 12/2019.
13. Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến hoạt động bổ trợ tư pháp, như Luật Công chứng năm 2014, Luật Luật sư năm 2006, Luật Giám định tư pháp năm 2012, trong đó cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực trên (UBND tỉnh Đồng Tháp).
Trả lời:
Hiện nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2019), dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng dự kiến thực hiện tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014 trong năm 2020, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật này. Bộ Tư pháp ghi nhận nội dung kiến nghị trên và sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền trong việc sửa đổi các văn bản có liên quan trong thời gian tới.
14. Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Công chứng năm 2014 về xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng thì: “Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng và quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương”, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng tại địa phương. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp và các Bộ ngành sớm quan tâm thực hiện (UBND tỉnh Hà Tĩnh).
Trả lời:
Đối với cơ sở dữ liệu công chứng, Luật Công chứng năm 2014 đã giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là UBND cấp tỉnh) có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng tại địa phương. Do vậy, trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng thuộc về UBND cấp tỉnh. Trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp cũng đã có các Công văn hướng dẫn chung gửi UBND cấp tỉnh về vấn đề này (Công văn số 729/BTP-BTTP ngày 9/3/2017 của Bộ Tư pháp). Đề nghị các địa phương nghiên cứu Công văn hướng dẫn của Bộ và thực hiện theo thẩm quyền Luật giao.
15. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, tổng hợp những hạn chế, vướng mắc trong hoạt động đấu giá tài sản, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực này để tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình quản lý và cho các tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên trong hoạt động hành nghề (UBND tỉnh Hà Tĩnh)
– Đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo hướng bổ sung các quy định cụ thể về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Chi nhánh doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, quyền và nghĩa vụ của Chi nhánh trong việc cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản; việc xử lý, bàn giao, lưu trữ hồ sơ đấu giá của doanh nghiệp đấu giá tài sản sau khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động (UBND tỉnh Bình Dương).
Trả lời:
Triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ động, thường xuyên tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho địa phương phát sinh trong thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản đối với nhiều vấn đề như thù lao dịch vụ đấu giá tài sản, việc thành lập, đăng ký, chuyển đổi doanh nghiệp đấu giá tài sản, việc thành lập Hội đồng đấu giá tài sản, việc xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá, vấn đề về tiền đặt trước và trình tự, thủ tục đấu giá tài sản…qua đó, nâng cao hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản tại các địa phương trong cả nước. Những kiến nghị của Hà Tĩnh và Bình Dương liên quan đến việc nghiên cứu, tổng hợp những hạn chế, vướng mắc trong hoạt động đấu giá tài sản, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực này để tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình quản lý và cho các tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên trong hoạt động hành nghề; bổ sung các quy định cụ thể về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Chi nhánh doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, quyền và nghĩa vụ của chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản; việc xử lý, bàn giao, lưu trữ hồ sơ đấu giá của doanh nghiệp đấu giá tài sản sau khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu và đề xuất các cơ quan, đơn vị liên quan các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc của địa phương trong thời gian tới.
16. Các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản còn chung chung, khó xác định. Mặt khác, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa giao trách nhiệm cho cơ quan nào chủ trì trong việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Do đó, đề nghị Trung ương ban hành hoặc phân cấp cho địa phương ban hành các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để áp dụng cụ thể tại địa phương khi người có tài sản thực hiện lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá tài sản (UBND tỉnh Hậu Giang).
Trả lời:
Luật đấu giá tài sản tại Điều 56 đã quy định các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, trong số đó có những tiêu chí quan trọng như phương án đấu giá khả thi, hiệu quả, năng lực, kinh nghiệm, uy tín của tổ chức đấu giá tài sản và các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.
Việc Luật Đấu giá tài sản vừa quy định các tiêu chí chung trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của Luật Đấu giá tài sản vừa cho phép người có tài sản có quyền đưa ra tiêu chí khác phù hợp như nêu trên nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình áp dụng thực tiễn, qua đó, tạo điều kiện cho người có tài sản đấu giá có thể tùy thuộc vào tính chất của tài sản, thực tiễn việc tổ chức đấu giá tài sản đó để đưa ra tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá phù hợp.
17. Bộ Tư pháp nên tham mưu quy định chế tài xử lý đối với trường hợp hợp thức hóa quy định về công chứng viên hợp danh (mượn công chứng viên ngoài tỉnh để được cấp Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng, sau đó rút khỏi hợp danh, Văn phòng công chứng vẫn hoạt động đến gần thời điểm 6 tháng thì tiếp tục mượn công chứng viên để hợp thức, tránh bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động) – (UBND tỉnh Phú Yên).
Trả lời:
Việc quy định và xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng đều trên nguyên tắc và cơ sở gốc của vấn đề, đó là từ luật nội dung. Bộ Tư pháp sẽ có rà soát, nghiên cứu đề nghị về vấn đề này theo hướng vấn đề nào thuộc thẩm quyền quy định trong Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, vấn đề nào sẽ do văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng quy định.
18. Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giám định tư pháp, thì Sở Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực giám định tư pháp. Trong khi đó Trung tâm Pháp y tỉnh thuộc Sở Y tế, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh và một số giám định viên thuộc các Sở. Cơ cấu tổ chức, biên chế, con người không thuộc Sở Tư pháp do đó việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giám định tư pháp giao Sở Tư pháp là không phù hợp. Đề nghị Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ chuyển chức năng, nhiệm vụ này về các Sở, ngành chuyên môn (UBND tỉnh Quảng Nam).
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Giám định tư pháp thì: “Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương; chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý về hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.
Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp chuyên ngành, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý; phối hợp với Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương”.
Các quy định nêu trên đã thể hiện tính “cộng đồng” trách nhiệm giữa cơ quan (Sở Tư pháp) giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý giám định tư pháp và trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành đối với các lĩnh vực giám định tư pháp thuộc phạm vi chuyên môn của các sở, ngành ở địa phương. Quy định này hiện đang được thực hiện ổn định và không thuộc phạm vi sửa đổi Luật giám định tư pháp lần này.
19. Đề nghị Bộ Tư pháp xem xét ban hành hoặc tham mưu ban hành các biểu mẫu, sổ sách liên quan đến hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư và Đoàn luật sư (UBND tỉnh Sóc Trăng)
Trả lời:
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Luật luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật luật sư về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư và Thông tư số 02/2015/TT-BTP ngày 16/01/2015 của Bộ Tư pháp quy định một số mẫu giấy tờ về luật sư và hành nghề luật sư, trong đó có các biểu mẫu, sổ sách liên quan đến hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam…
20. Thực trạng hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 160 Giám định viên tư pháp trên tất cả các lĩnh vực. Nhìn chung đáp ứng yêu cầu phục vụ tố tụng, riêng trong lĩnh vực tài chính – kế toán số lượng Giám định viên tư pháp còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu giám định của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh, dẫn đến có vụ án kéo dài.
Tại Khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp như sau:
“1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:
a) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.
Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên;
c) Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định”.
Khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp không quy định rõ người được đề nghị bổ nhiệm Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính kế toán phải công tác trong ngành tài chính hay ngoài ngành tài chính. Từ thực trạng đó, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai đề xuất có thể phối hợp với Sở Tư pháp và cơ quan trực tiếp quản lý công chức rà soát, lựa chọn các công chức ngạch kế toán của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh có đủ tiêu chuẩn theo khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp để lập hồ sơ, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai bổ nhiệm Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính – kế toán, như vậy có phù hợp với quy định pháp luật hay không? (STP tỉnh Gia Lai)
Trả lời:
Điểm b khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp quy định: “có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên”. Như vậy, Luật giám định tư pháp chỉ căn cứ chuyên môn được đào tạo và thời gian thực tế hoạt động ở lĩnh vực được đào tạo mà không có quy định bắt buộc người được đề nghị bổ nhiệm Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính kế toán phải công tác trong ngành tài chính hay ngoài ngành tài chính. Vì vậy, đề xuất của Sở Tài chính tỉnh Gia Lai trong việc phối hợp với Sở Tư pháp và cơ quan trực tiếp quản lý công chức rà soát, lựa chọn các công chức ngạch kế toán của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh có đủ tiêu chuẩn theo khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp để lập hồ sơ, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai bổ nhiệm Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính – kế toán là phù hợp với quy định pháp luật.
21. Hiện nay, địa phương đang cần tạo nguồn từ công chức, viên chức thuộc Sở Tư pháp để đề nghị bổ nhiệm công chứng viên nhưng gặp phải vướng mắc quy định hiện hành về tập sự hành nghề công chứng. Để tạo thuận lợi hơn cho các địa phương trong việc phát triển nguồn công chứng viên và tạo điều kiện cho các Sở Tư pháp thuận tiện trong công tác tổ chức cán bộ có liên quan, đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể về vấn đề này và kiến nghị với cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tế (UBND tỉnh Yên Bái).
Trả lời:
Theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 04/2015/TT-BTP ngày 15/4/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng thì người đang là cán bộ, công chức, viên chức (trừ viên chức làm việc tại Phòng công chứng), sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân thuộc trường hợp không được đăng ký tập sự hành nghề công chứng. Quy định nêu trên là để người tập sự có đủ thời gian toàn tâm, toàn ý tập trung cho tập sự về kỹ năng hành nghề và các công việc liên quan đến công chứng tránh tình trạng “ghi tên đánh trống” không bảo đảm chất lượng tập sự. Trước mắt, việc tập sự để tạo nguồn công chứng viên tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-BTP. Bộ Tư pháp ghi nhận kiến nghị của địa phương về việc xem xét sửa đổi Luật và sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi vấn đề tập sự khi sửa đổi Luật công chứng.
22. Đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức các Bộ, ngành, địa phương trực tiếp quản lý, theo dõi công tác công chứng, luật sư, đấu giá, giám định tư pháp, tư vấn pháp luật nhằm trau rồi kỹ năng, nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn (UBND tỉnh Yên Bái, Bộ Công thương)
Trả lời:
Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đều ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp (Quyết định số 718/QĐ-BTP ngày 29/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2019). Trong đó có tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn nhằm trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý về công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, tư vấn pháp luật và cũng kịp thời tổ chức các hội nghị triển khai các văn bản mới được ban hành như Luật đấu giá tài sản, Nghị định số 137/2018/NĐ-CP… Trong thời gian tới đề nghị các Sở Tư pháp quan tâm cử đại diện tham dự đầy đủ các hội nghị, hội thảo, lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức.
23. Đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ hòa giải thương mại, để các địa phương cử người tham dự nhằm đảm bảo tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại theo quy định của (UBND tỉnh Đồng Tháp)
Trả lời:
Thực hiện Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải thương mại. Riêng trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức một số lớp bồi dưỡng kỹ năng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cấp giấy xác nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng cho hơn 100 học viên tham dự. Năm 2020 và các năm tiếp theo, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng bằng ngân sách Nhà nước và nguồn hỗ trợ (nếu có), đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam.
24. Đề nghị xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp và tăng cường phân cấp cho cơ quan chuyên môn ở địa phương thực hiện giám định tư pháp; tránh tình trạng quá tải các trưng cầu giám định ở Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương).
Trả lời:
– Về xã hội hóa giám định tư pháp:
Xã hội hóa giám định tư pháp được quy định tại Điều 14 Luật giám định tư pháp năm 2012, theo đó giám định viên ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng, di vật, cổ vật và bản quyền tác giả có thể thành lập Văn phòng giám định tư pháp với tính chất là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập để thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiện nay mới có 01 Văn phòng giám định tư pháp được thành lập, hoạt động giám định tài chính (Văn phòng giám định tư pháp Sài gòn). Để đẩy mạnh xã hội hóa, Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu qua hoạt động giám định tư pháp được phê duyệt theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đẩy mạnh xã hội hó giám định tư pháp theo quy định của Luật giám định tư pháp. Hiện dự thảo Đề án này đang được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
– Về tăng cường phân cấp cho cơ quan chuyên môn ở địa phương thực hiện giám định tư pháp; tránh tình trạng quá tải các trưng cầu giám định ở Trung ương:
Trong quá trình tổng kết 05 năm thực hiện Luật giám định tư pháp đã xác định thực tiễn các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu tập trung trưng cầu các bộ, ngành ở Trung ương thực hiện giám định dẫn đến tình trạng quá tải, trong khi ở địa phương có đủ lực lượng đảm bảo năng lực thực hiện giám định. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp bổ sung 01 điều (Điều 25a) quy định theo hướng: Cá nhân, tổ chức giám định ở cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện giám định theo trưng cầu của người trưng cầu giám định ở cấp huyện, cấp tỉnh trong phạm vi toàn quốc và cấp trung ương. Cá nhân, tổ chức giám định ở cấp trung ương có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện giám định theo trưng cầu của người trưng cầu giám định ở cấp trung ương và người trưng cầu giám định ở cấp huyện, cấp tỉnh trong trường hợp nội dung cần giám định phức tạp, vượt quá năng lực, điều kiện giám định của cá nhân, tổ chức giám định cấp tỉnh. Dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận ở tổ và Hội trường tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIVV, theo Chương trình thì dự thảo Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 9.
25. Đề nghị có quy định rõ về chi phí giám định và chế độ cho các giám định viên bảo đảm tương xứng với tính chất công việc và trách nhiệm của giám định viên (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Trả lời:
Về việc chi trả chi phí giám định tư pháp
Chi phí giám định, chi phí định giá tài sản trong tố tụng đã được quy định cụ thể tại Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng và đã được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng. Các văn bản pháp luật hiện hành đã hướng dẫn cách tính thu, chi trả chi phí giám định tư pháp cho tất cả các lĩnh vực giám định tư pháp, trong đó có các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, xây dựng, pháp y, pháp y tâm thần, tài nguyên môi trường…
26. Đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể căn cứ, cách thức trưng cầu các tổ chức, cá nhân có năng lực làm giám định và bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động giám định; hướng dẫn về việc xem xét, đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng để bảo đảm việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Trả lời:
Về hướng dẫn căn cứ, cách thức trưng cầu giám định tư pháp:
Theo quy định của Luật giám định tư pháp năm 2012 và các quy định pháp luật có liên quan thì trong trường hợp cần thiết, người trưng cầu giám định lựa chọn trưng cầu giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp thep vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp với tính chất, yêu cầu của vụ việc cần giám định (điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 21); quyết định trưng cầu giám định phải bằng văn bản (điểm b khoản 2 Điều 21). Hoạt động trưng cầu giám định tư pháp là một “khâu” của hoạt động tố tụng, phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và trách nhiệm hướng dãn áp dụng thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý và trách nhiệm hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Luật giám định tư pháp năm 2012 đã quy định nhiệm vụ hướng dẫn về việc xem xét, đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng đối với Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý (điểm e khoản 2 Điều 42) và quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân (khoản 1 Điều 44). Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp không có chức năng hướng dẫn căn cứ, cách thức trưng cầu giám định tư pháp cũng như việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp…
XII. LĨNH VỰC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
1. Hiện Quyết định số 02/2008/QĐ-BTP ngày 28/2/2008 của Bộ Tư pháp ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước đã hết hiệu lực thi hành. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm có văn bản hướng dẫn về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho Trung tâm TGPL nhà nước thành phố tổ chức thực hiện (UBND tp Cần Thơ).
Trả lời:
Khoản 11 Điều 4 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định Sở có nhiệm vụ, quyền hạn: “11. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng, phòng chuyên môn nghiệp vụ, chi cục và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở theo hướng dẫn chung của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã được quy định cụ thể tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Do vậy, trong trường hợp cần thiết và căn cứ vào thực tiễn công tác trợ giúp pháp lý của địa phương, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ đạo Sở Tư pháp nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật.
2. Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương về TGPL trong hoạt động tố tụng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao các cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về TGPL, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC và các văn bản pháp luật có liên quan (UBND tỉnh Hà Tĩnh).
– Đề nghị Hội đồng liên ngành ở Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các ngành thành viên Hội đồng tăng cường công tác quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị liên quan do ngành mình quản lý trong việc triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC. Trong đó chú trọng trách nhiệm hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, người bị buộc tội, người bị hại và các đương sự khác về quyền được TGPL (UBND tỉnh Lâm Đồng).
Trả lời:
Để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, năm 2019 Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương đã có Công văn số 2860/BTP-TGPL ngày 31/7/2019 đề nghị các Ngành thành viên Hội đồng Trung ương ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC. Đến nay, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng đã ban hành văn bản chỉ đạo riêng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch triển khai Thông tư trong toàn ngành kiểm sát nhân dân,…
Ngoài ra, năm 2019, để tăng cường trách nhiệm của Hội đồng phối hợp liên Ngành trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng địa phương trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Hội đồng phối hợp liên Ngành Trung ương đã ban hành Công văn số 2962/BTP-TGPL ngày 06/08/2019 đề nghị Hội đồng phối hợp liên nghành về TGPL ở địa phương ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC trong phạm vi địa phương. Do đó, đề nghị Sở Tư pháp – cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương chủ động có các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng, chỉ đạo các ngành thành viên có văn bản chỉ đạo ngành mình nghiêm túc triển khai công tác phối hợp trợ giúp pháp lý theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc thì báo cáo ngay về Bộ Tư pháp – cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương để có giải pháp tháo gỡ.
3. Thực tiễn thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết, thực hiện một số hoạt động tư pháp nhưng đến nay công tác TGPL chưa được đề cập đến trong Chương trình phối hợp này. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp đưa công tác TGPL vào chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (UBND tỉnh Hà Tĩnh).
Trả lời:
Hiện các ngành đã có Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện TGPL đã quy định trách nhiệm của các ngành (Công an, Quốc phòng, TAND, VKSND), Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương đã có Kế hoạch triển khai Thông tư liên tịch số 10, các ngành đã ban hành Kế hoạch, công văn triển khai Thông tư liên tịch số 10 trong ngành mình (Quốc phòng, Tòa án, Kiểm sát…).
Do đó đề nghị Sở Tư pháp – cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương chỉ đạo các ngành nghiêm túc thực hiện Thông tư liên tịch số 10.
4. Khi sửa đổi, thay thế Thông tư quy định và hướng dẫn hoạt động TGPL, cần tích hợp 02 mẫu Bảng kê thời gian thực tế thực hiện vụ việc (Mẫu TP-TGPL-16) và Bảng kê công việc thực hiện vụ việc (Mẫu TP-TGPL-17) ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL vì 02 mẫu này không khác nhau nhiều về công việc, nhiều mục trùng lắp nên trong quá trình thực hiện, người thực hiện TGPL, người thụ hưởng, cơ quan tiến hành tố tụng … rất phàn nàn về thủ tục này.
Đề xuất Bộ Tư pháp, Cục TGPL nên xây dựng chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, thay cho chỉ tiêu tham gia tố tụng những năm gần đây, nhưng vẫn giữ mức định lượng như tham gia tố tụng. Lý do đề xuất: thứ nhất, xuất phát từ thực tiễn đi tham gia đại diện ngoài tố tụng có khi còn khó khăn, phức tạp hơn tham gia tố tụng, vì quy định và chế tài trong thực hiện thủ tục hành chính, các công việc khác không chặt chẽ… bằng hoạt động tố tụng; thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho những địa phương có số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng ít, Trợ giúp viên pháp lý nhiều (UBND tỉnh Kiên Giang).
Trả lời:
– Về tích hợp 02 mẫu Bảng kê thời gian thực tế thực hiện vụ việc (Mẫu TP-TGPL-16) và Bảng kê công việc thực hiện vụ việc (Mẫu TP-TGPL-17) ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BTP:
Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý quy định thù lao thực hiện vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng của luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm thanh toán qua 02 hình thức: thù lao theo buổi làm việc và hình thức khoán chi vụ việc. Thông tư số 08/2017/TT-BTP ban hành 02 Biểu mẫu là để áp dụng cho 02 hình thức này, Mẫu TP-TGPL-16 dùng để áp dụng đối với hình thức thanh toán theo buổi làm việc và Mẫu TP-TGPL-17 áp dụng đối với thanh toán theo hình thức khoán. Khi người thực hiện lựa chọn hình thức thanh toán nào thì chỉ sử dụng 01 mẫu tương ứng để xác nhận. Thủ tục thanh toán này đã rất đơn giản và đã được quy định rõ tại Nghị định số 144/2017/NĐ-CP. Đối với vấn đề này trong các lớp tập huấn văn bản mới, Cục TGPL cũng đã nhấn mạnh làm rõ đối với nội dung này.
– Về chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng:
Luật Trợ giúp pháp lý 2017 ra đời với định hướng Trợ giúp viên pháp lý phải thực hiện vụ việc tham gia tố tụng (Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý quy định Trợ giúp viên pháp lý sẽ bị miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý nếu không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan). Vì vậy, cần giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý để bảo đảm việc thực hiện tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, đồng thời bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định của Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm của công tác TGPL, mà không giao chỉ tiêu thực hiện TGPL bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng và tư vấn cho Trợ giúp viên pháp lý.
Qua phân tích, nhu cầu TGPL là rất lớn, ước lượng vụ việc TGPL tối đa mà Trung tâm có thể thực hiện là khá lớn nhưng số lượng vụ việc TGPL hiện nay vẫn còn hạn chế. Và mức giao chỉ tiêu hiện nay chỉ ở mức sàn tối thiểu (trung bình chỉ từ 0,5 vụ đến 01 vụ/tháng).
Bên cạnh đó, đây cũng là công cụ để theo dõi, đánh giá vị trí việc làm, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và nghĩa vụ thực hiện tham gia tố tụng của Trợ giúp pháp lý, góp phần giúp các Sở Tư pháp xác định vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong Trung tâm cho phù hợp tránh lãng phí nguồn lực trong điều kiện thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.
5. Đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường công tác thông tin truyền thông về TGPL với hình thức đa dạng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho người thực hiện TGPL (UBND tỉnh Lâm Đồng, Yên Bái).
Trả lời:
– Về tăng cường công tác thông tin truyền thông về TGPL với hình thức đa dạng:
Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp (Cục TGPL) luôn quan tâm đến công tác thông tin truyền thông về TGPL với hình thức đa dạng để người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn biết về quyền được TGPL, vai trò của công tác TGPL trong đời sống xã hội, cụ thể, trong năm 2019, Cục TGPL phát hành hàng ngàn tờ gấp pháp luật; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng và phát sóng 02 phóng sự về các vụ việc thành công; 03 cuộc phỏng vấn về kết quả thực hiện Luật TGPL, kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC và về chất lượng hoạt động TGPL; phát sóng chuyên mục góc tư vấn Đài Truyền hình Việt Nam… Có thể nói công tác thông tin truyền thông về TGPL được Bộ Tư pháp (Cục TGPL) thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung khá phong phú. Dự kiến trong năm 2020 và những năm tiếp theo, căn cứ vào điều kiện thực tế, Bộ Tư pháp (Cục TGPL) sẽ tiếp tục thực hiện và đổi mới phương thức, nhất là truyền thông về các vụ việc TGPL có tầm ảnh hưởng và gây bức xúc trong dư luận xã hội…do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và các đối tượng được TGPL về vai trò của công tác TGPL.
Ở địa phương, các Trung tâm TGPL nhà nước cũng cần chủ động, tăng cường hơn nữa công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng và đổi mới trên các các phương tiện thông tin đại chúng như báo, Đài phát thanh, truyền hình của tỉnh…
– Về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho người thực hiện TGPL:
Để triển khai hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý, trong những năm qua, Bộ Tư pháp luôn quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực thực hiện TGPL. Hàng năm, Bộ Tư pháp đã tổ chức khoảng từ 15-20 lớp tập huấn về kỹ năng TGPL trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự , hành chính và kỹ năng cho các đối tượng đặc thù (người khuyết tật, trẻ em…). Bên cạnh việc đổi mới nội dung, giảng viên là những Luật sư, chuyên gia pháp luật có nhiều kinh nghiệm thực tiễn thì việc đổi mới hình thức, phương pháp tập huấn cũng là một trong những nội dung được Bộ Tư pháp quan tâm. Trong thời gian tới, một mặt Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho người thực hiện TGPL, mặt khác, tiếp tục đổi mới phương pháp tập huấn theo hướng kết hợp những tình huống thực tiễn với lý thuyết, sử dụng phương pháp cùng tham gia để chất lượng công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí, Bộ Tư pháp chỉ tổ chức được các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo và một số người thực hiện TGPL mà chưa thể tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho tất cả đội ngũ người thực hiện TGPL ở địa phương. Do vậy, ở địa phương, các Trung tâm TGPL nhà nước cũng cần chủ động, có kế hoạch bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL ở địa phương mình để những người không tham dự tập huấn ở Trung ương cũng được thụ hưởng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng cần đổi mới nội dung, hình thức tập huấn, bồi dưỡng để bảo đảm phù hợp với trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ,….
6. Đề nghị Bộ Tư pháp hàng nằm tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương kinh phí thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình (UBND tỉnh Sơn La).
Trả lời:
Hàng năm, Bộ Tư pháp đều tổng hợp dự toán do các địa phương chưa tự cân đối ngân sách có đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ gửi Bộ Tài chính để trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung có mục tiêu theo đúng quy định. Từ năm 2017 cho đến nay, hàng năm ngân sách Trung ương đều cấp kinh phí để địa phương thực hiện các nhiệm vụ theo quyết định số 32/2016/QĐ-TTG. Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng là chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2016-2020. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ cố gắng để có văn bản đề xuất chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
7. Hiện nay, các quy định, hướng dẫn về thù lao, chi phí thực hiện vụ việc TGPL và trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng chưa rõ ràng, cụ thể (đặc biệt là vụ việc do Sở Tư pháp giao hay Trung tâm TGPL nhà nước giao cho tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thực hiện) nên gây khó khăn cho Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai khi thực hiện ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hành nghề luật sư (Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai).
Trả lời:
Theo Điều 14 Luật TGPL 2017, có 02 loại hợp đồng thực hiện TGPL đó là (i) Hợp đồng ký kết giữa Sở Tư pháp với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật; và (ii) Hợp đồng ký kết giữa Trung tâm TGPL nhà nước với luật sư, cộng tác viên TGPL.
1) Chủ thể ký kết Hợp đồng:
– Hợp đồng ký kết giữa Sở Tư pháp với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật: một bên là Sở Tư pháp và bên kia là tổ chức (tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật).
– Hợp đồng ký kết giữa Trung tâm TGPL nhà nước với luật sư, cộng tác viên TGPL: một bên là Trung tâm TGPL nhà nước và bên kia là cá nhân (luật sư, cộng tác viên TGPL).
2) Nội dung, thời hạn Hợp đồng:
Thực hiện theo quy định tại Điều 14, 15 Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/ 2017quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL (sau đây viết tắt là Thông tư số 08/2017/TT-BTP) và Bộ luật dân sự 2015.
3) Trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng:
Thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự (Bộ luật dân sự 2015 và các văn bản liên quan) và theo hướng dẫn của Thông tư số 08/2017/TT-BTP.
4) Về việc thực hiện Hợp đồng:
Thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 08/2017/TT-BTP, theo đó:
– Hợp đồng ký kết giữa Sở Tư pháp với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật: Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thực hiện các vụ việc do Sở Tư pháp giao hoặc trực tiếp nhận yêu cầu TGPL (lưu ý: trước khi thực hiện vụ việc TGPL, tổ chức và Sở Tư pháp phải ký kết phụ lục hợp đồng).
– Hợp đồng ký kết giữa Trung tâm TGPL nhà nước với luật sư, cộng tác viên TGPL: Luật sư, cộng tác viên TGPL thực hiện các vụ việc do Trung tâm giao hoặc trực tiếp nhận yêu cầu thực hiện vụ việc TGPL (lưu ý: trước khi thực hiện vụ việc TGPL, cá nhân và Trung tâm phải ký kết phụ lục hợp đồng).
5) Về vấn đề chi trả thù lao, chi phí thực hiện vụ việc TGPL:
– Chi trả cho tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp: Theo điểm b, khoản 3 Điều 13 Luật TGPL thìtổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL được nhận thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL theo quy định của Chính phủ. Điều 14 Nghị định số144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL (sau đây viết tắt là Nghị định số144/2017/NĐ-CP) quy định: Sở Tư pháp thanh toán thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL cho tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL. Mức thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL chi trả cho tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện TGPL được thực hiện tương ứng theo mức chi trả cho luật sư, cộng tác viên TGPL ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm quy định tại Điều 13 Nghị định số144/2017/NĐ-CP. Thủ tục đề nghị thanh toán thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc TGPL thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số144/2017/NĐ-CP.
– Chi trả cho luật sư, cộng tác viên TGPL ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm: Theo khoản 3 Điều 18 Luật TGPL thì luật sư, cộng tác viên TGPL ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL nhà nước được hưởng thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL theo quy định của Chính phủ. Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP đã quy định chi tiết mức thù lao và chi phí thực hiện TGPL chi trả cho luật sư, cộng tác viên TGPL ký hợp đông thực hiện TGPL với Trung tâm.
8. Đề nghị Bộ Tư pháp xem xét không đưa các hoạt động TGPL vào phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu mà đưa các hoạt động TGPL vào phương thức giao nhiệm vụ hoặc một số hình thức khác cho phù hợp với nội dung, đặc thù, tính chất của hoạt động TGPL (UBND tỉnh Yên Bái).
Trả lời:
Ngày 05/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-TTg ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, theo đó các dịch vụ trong lĩnh vực TGPL đều do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí thực hiện. Ngày 10/4/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, theo đó, dịch vụ TGPL được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật về TGPL.
XIV. LĨNH VỰC DÂN SỰ – KINH TẾ
Đề nghị Bộ Tư pháp sớm có hướng dẫn cụ thể trong việc quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý trên Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP (UBND tỉnh Đồng Nai).
Trả lời:
Năm 2019, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin phối hợp Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 để xây dựng Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp trên cơ sở chuyên mục Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
Ngày 24/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, để triển khai các nhiệm vụ của Nghị định, Bộ Tư pháp đã có các văn bản, quyết định hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định trên, riêng nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế đã đề nghị và Cục Công nghệ thông tin đã đưa vào kế hoạch 2020 xây dựng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý sau khi Bộ Tư pháp hoàn thành cơ sở dữ liệu này.
Để quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai giao cho một đầu mối tham khảo các văn bản chuyên ngành về công nghệ thông tin để quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý trên Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
XV. LĨNH VỰC KẾ HOẠCH – TÀI CHÍNH
– Đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ để UBND tỉnh có cơ sở ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật thuộc lĩnh vực quản lý ngành Tư pháp tại địa phương (UBND tỉnh Đồng Nai).
– Đề nghị Bộ Tư pháp xem xét xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật của sản phảm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước về lĩnh vực Tư pháp theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (UBND tỉnh Sơn La).
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 22 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Điều 24 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, các Bộ có trách nhiệm: (1) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác của bộ; (2) Ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do Nhà nước quản lý, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước là dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoặc dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí trong giá, phí, được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Định mức kinh tế – kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước là lượng tiêu hao các yếu tố chi phí về lao động, vật tư, máy móc thiết bị để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Nhận định đây là công việc phức tạp, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể về nội dung xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công. Để triển khai xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp (Cục Kế hoạch – Tài chính) đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định việc xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật đối với các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước (trong đó, phân công đơn vị chủ trì xây dựng, thời gian hoàn thành và hướng dẫn quy trình, nội dung của định mức kinh tế kỹ thuật), dự kiến văn bản hoàn thành, ban hành trong Quý I/2020. Trên cơ sở văn bản này, các đơn vị thuộc Bộ có nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dịch vụ công sẽ được giao thực hiện việc xây dựng, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật đối với dịch vụ công sử dụng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp theo Danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 05/01/2019) trong năm 2020.
XVI. LĨNH VỰC TỔ CHỨC CÁN BỘ
1. Hàng năm, Bộ Tư pháp có ban hành văn bản hướng dẫn tổng kết năm, trong đó yêu cầu các địa phương báo cáo thêm 04 biểu mẫu báo cáo về công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, ở địa phương thường có văn bản sớm hướng dẫn các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị cấp huyện báo cáo kết quả công tác tư pháp và gửi về Sở Tư pháp trước ngày 31/10 để thực hiện báo cáo thống kê và báo cáo kết quả các lĩnh vực công tác về Bộ Tư pháp đảm bảo đúng thời gian quy định. Do đó, khi tiếp nhận văn bản của Bộ thì Sở Tư pháp phải có văn bản yêu cầu các địa phương bổ sung báo cáo theo các biểu mẫu này. Vì vậy, để các địa phương chủ động triển khai thực hiện, đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm ban hành văn bản quy định về biểu mẫu báo cáo công tác tổ chức cán bộ (UBND tỉnh Hà Tĩnh)
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: “Định kỳ hàng năm, thực hiện việc rà soát và báo cáo Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ về tình hình tổ chức cán bộ của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã, tổ chức cán bộ pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.” Theo đó, hành năm Bộ Tư pháp đã yêu cầu các địa phương báo cáo về công tác tổ chức cán bộ (04 biểu mẫu báo cáo về công tác tổ chức cán bộ) kèm theo Công văn yêu cầu báo cáo công tác tư pháp của Bộ.
Ghi nhận kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu việc ban hành văn bản quy định về biểu mẫu báo cáo công tác tổ chức cán bộ.
2. Đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định biên chế làm công tác lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp phù hợp với đặc thù của địa phương, nên quy định số lượng biên chế căn cứ vào số lượng công việc để Sở Tư pháp chủ động trình cơ quan có thẩm quyền kịp thời cấp biên chế, giải quyết yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng (UBND thành phố Hồ Chí Minh).
Trả lời:
Với vai trò là Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành nhiều văn bản, đề án hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức, biên chế của các cơ quan Tư pháp địa phương[4], đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện kiện toàn tổ chức, biên chế các cơ quan tư pháp địa phương theo quy định của pháp luật.
Đối với việc quy định biên chế làm công tác lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp, trong đó có Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, tại Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp” có quy định, đối với 05 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ được thành lập Phòng Lý lịch tư pháp và về biên chế, bảo đảm có ít nhất 07 công chức để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, ngày 09/3/2015, Bộ Tư pháp đã có Chỉ thị số 02/CT-BTP về việc tăng cường xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở Dữ liệu lý lịch tư pháp trong đó có giải pháp kiện toàn, bổ sung cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ quy định về quản lý biên chế công chức thì việc xây dựng, thẩm định và phân bổ chỉ tiêu biên chế hành chính của địa phương thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng số lượng, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn để xem xét, cân đối từ nguồn biên chế được giao của tỉnh trên cơ sở đó có kế hoạch, giải pháp cụ thể để bố trí, kiện toàn biên chế của các cơ quan Tư pháp địa phương theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước hiện nay, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Tư pháp trên địa bàn, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ các cơ quan Tư pháp trên địa bàn tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
3. Đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ công chức, nhân viên hợp đồng làm công tác lý lịch tư pháp (UBND thành phố Hồ Chí Minh).
Trả lời:
Về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ các cơ quan Tư pháp địa phương, trong những năm vừa qua, chế độ, chính sách đối với cán bộ của các cơ quan Tư pháp đã từng bước được hoàn thiện như quy định về chế độ phụ cấp đối với công chức cơ quan Thi hành án dân sự, công chức của các tổ chức pháp chế, chế độ kinh phí tham gia xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được tăng cường… Đồng thời, ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ, Ngành Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ các cơ quan Tư pháp, giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành trong đó có đội ngũ công chức làm công tác lý lịch tư pháp thực sự yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Ngành và của đất nước.
Hiện nay, việc hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ là không phù hợp với quy định của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp địa phương có khối lượng công việc tồn đọng lớn (trong việc xây dựng, quản lý, sửa dụng và khai thác Cơ sở Dữ liệu lý lịch tư pháp) thì có thể đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện thuê khoán thực hiện nhưng bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu theo quy định.
4. – Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể về chức danh nghề nghiệp và mã ngạch viên chức trong lĩnh vực tư pháp để thuận tiện hơn trong quá trình triển khai và thống nhất trên toàn quốc (Hiện nay, một số ngạch viên chức trong lĩnh vực tư pháp chưa có văn bản quy định về mã ngạch, do vậy trong quá trình thực hiện phải sử dụng mã ngạch tương đương để áp dụng cho từng vị trí việc làm cụ thể) – (UBND tỉnh Quảng Bình).
– Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV ngày 23/6/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp pháp lý để áp dụng thống nhất với các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (UBND tỉnh Sơn La).
Trả lời:
Hiện nay các chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp gồm có trợ giúp viên pháp lý, công chứng viên và đấu giá viên. Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV ngày 23/6/2016 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp pháp lý, xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên.
Theo quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tư pháp có trách nhiệm ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.
Thực hiện các quy định nêu trên, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên và quy định thay thế Thông tư số 08/2016/TTLT-BTP-BNV về trợ giúp viên pháp lý.
5. Đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường mở các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ bằng ngân sách nhà nước tạo điều kiện để địa phương được tham gia gặp gỡ trao đổi nghiệp vụ với các đơn vị thuộc Bộ, hạn chế các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ theo hình thức thu kinh phí của đơn vị tham gia tập huấn (UBND tỉnh Vĩnh Long).
Trả lời:
Những năm qua, được sự đồng ý của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã tổ chức một số lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho tư pháp cấp tỉnh, tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, một số năm gần đây, căn cứ quy định của Luật ngân sách, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán Ngân sách hàng năm, việc bồi dưỡng cho các địa phương được Bộ hướng dẫn trên cơ sở phân cấp và từ ngân sách của địa phương. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long quan tâm, tạo điều kiện và bố trí kinh phí để Sở Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch xã.
Trong quá trình tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, Bộ Tư pháp sẽ cử các báo cáo viên là các chuyên gia tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm.
6. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm có ý kiến chỉ đạo Học viện Tư pháp chủ trì, làm đầu mối tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ hộ tịch đối với các địa phương không đủ số lượng học viên để mở lớp theo Cụm hoặc Khu vực nhằm tạo điều kiện cho công chức tư pháp – hộ tịch được tham gia đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch (UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Trả lời:
Ngày 12/3/2018, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 742/BTP-TCCB đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các Sở, Ngành có liên quan của địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch và có kế hoạch cụ thể để bảo đảm trước ngày 01/01/2020, 100% số công chức làm công tác hộ tịch của địa phương được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ về nghiệp vụ hộ tịch. Bộ Tư pháp giao Học viện Tư pháp và 05 Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, Vị Thanh, Thái Nguyên, Đồng Hới, Tây Bắc tổ chức bồi dưỡng theo Chương trình đã được ban hành và cấp chứng chỉ nghiệp vụ hộ tịch cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch nêu trên khi địa phương có nhu cầu.
Vì vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo Sở Tư pháp tỉnh tổng hợp nhu cầu và gửi về Học viện Tư pháp hoặc 01 Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp để kết hợp với địa phương mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho công chức làm công tác hộ tịch nhằm đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Luật hộ tịch.
XVII. LĨNH VỰC THANH TRA
1. Về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng
– Hiện nay, hành vi vi phạm việc thu phí công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng diễn ra thường xuyên, tuy nhiên Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP không quy định các hành vi vi phạm về mức phí, lệ phí nên thành phố Đà Nẵng đã áp dụng Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP để xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm việc thu phí công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng.
Theo đó, Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm quy định về mức phí, lệ phí: “Tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động liên quan đến hành vi vi phạm. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng kể từ ngày Quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành”. Tuy nhiên, Khoản 10, Điều 43 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định Chánh Thanh tra sở chỉ có thẩm quyền xử phạt với hình thức phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền đến 25.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại một số hành vi, không quy định thẩm quyền xử phạt đối với hình thức xử phạt bổ sung. Do đó, khi phát hiện các TCHNCC có hành vi vi phạm quy định về mức phí, lệ phí đến mức nghiêm trọng, có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung thì không có cơ sở pháp lý để tiến hành xử phạt. Đồng thời, việc quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm nhưng không quy định thẩm quyền xử phạt sẽ không đảm bảo tính khả thi khi áp dụng các chế tài trên thực tế.
– Hiện nay, việc xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng dựa trên cơ sở Nghị định số 110/2010/NĐ-CP và Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, các Nghị định này được ban hành trên cơ sở Luật Công chứng năm 2006 mà luật này đã hết hiệu lực. Do đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra các TCHNCC, Sở Tư pháp phát hiện rất nhiều hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực công chứng nhưng không có căn cứ pháp lý để xử lý như: hành vi không điền đầy đủ thông tin trong Phiếu yêu cầu công chứng; hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng, sở hữu chung đối với tài sản khi tham gia giao dịch; hành vi đăng nhập không kịp thời thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng; hành vi không thu thù lao công chứng,… Theo Điều 4 Luật XLVPHC quy định chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền quy định hành vi, hình thức và mức xử phạt. Trong khi đó, Nghị định số 110/2010/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở Luật Công chứng năm 2006 nên không có cơ sở để xử phạt và trong những trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm, Sở Tư pháp chỉ có thể kết luận cho chấn chỉnh, khắc phục.
Bên cạnh đó, mức xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực công chứng hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm trên thực tế. Do đó, trong bối cảnh bỏ quy hoạch phát triển tổng thể tổ chức hành nghề công chứng trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung các hành vi vi phạm, tăng hình thức, mức xử phạt và chú trọng các hình thức xử phạt bổ sung như tước thẻ công chứng viên, rút giấy phép hoạt động đối với các hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng (UBND tp Đà Nẵng).
Trả lời:
– Đối với vấn đề UBND thành phố Đà Nẵng phản ánh, hiện nay, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã có quy định xử phạt đối với các tổ chức hành nghề công chứng khi thực hiện hành vi: “Không thu đúng, thu đủ phí công chứng theo quy định”.
– Về việc Sở Tư pháp Đà Nẵng phản ánh khó khăn, bất cập khi áp dụng khoản 10 Điều 43 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn: Chánh Thanh tra Sở không có thẩm quyền xử phạt đối với hình thức xử phạt bổ sung mà chỉ có thẩm quyền xử phạt đối với hình thức phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, trong khi theo quy định của khoản 3 Điều 2 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quy định về mức phí có hình thức xử phạt bổ xung là: “Tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 đến 06 tháng”. Đối với trường hợp này, sau khi lập Biên bản vi phạm, Thanh tra Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng chuyển Biên bản vi phạm và đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng xử phạt theo thẩm quyền.
– Về việc hiện nay có rất nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực công chứng nhưng không có căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm: Trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã tổng kết tình hình thực tiễn, tổng hợp ý kiến đóng góp của các địa phương, bổ sung rất nhiều hành vi vi phạm còn thiếu trong lĩnh vực công chứng, đồng thời đưa ra các mức xử phạt phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.
2. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp thay thế các Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013, theo hướng bổ sung những hành vi vi phạm, mức phạt chưa được quy định (UBND các tỉnh: Bình Dương, Đồng Tháp, Phú Thọ, Sóc Trăng).
Trả lời:
Ngày 28/3/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Tờ trình số 08/TTr-BTP trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự và phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo. Dự thảo Nghị định đã bổ sung rất nhiều hành vi vi phạm, tăng mức xử phạt tương ứng với tính chất, mức độ của từng hành vi vi phạm, đồng thời, bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.
3. Đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (UBND tỉnh Nghệ An)
Trả lời:
Bộ Tư pháp tiếp thu kiến nghị, đề xuất trên của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ sớm tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, góp phần nâng cao chất lượng cho đội ngũ thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
XVIII. LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
1. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm xây dựng Trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản để tạo điều kiện minh bạch, công khai tài sản đấu giá, góp phần hạn chế tiêu cực trong đấu giá tài sản (UBND tỉnh Hậu Giang).
– Đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng Trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản theo Điều 56 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (UBND tỉnh Sóc Trăng).
Trả lời:
Tháng 11/2019, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp xây dựng Phần mềm quản lý thông tin đấu giá tài sản (bao gồm cả Cổng thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản) nhằm minh bạch, công khai tài sản đấu giá, góp phần hạn chế tiêu cực trong đấu giá tài sản.
Tháng 12/2019, Cục Công nghệ thông tin tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác đấu giá tài sản của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố và các tổ chức đấu giá tài sản trên toàn quốc (trong các ngày 19/12/2019 tại thành phố Đà Nẵng và ngày 20/12/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh).
Dự kiến, tháng 01/2020 sẽ chính thức đưa Cổng thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản vào hoạt động.
2. Đề nghị Bộ Tư pháp nâng cấp, duy trì ổn định Phần mềm “dịch vụ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến” để đảm bảo tốt nhất cho việc phục vụ người dân và công chức truy cập, nộp và tiếp nhận hồ sơ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến mức độ 3, 4 (UBND tỉnh Khánh Hòa).
Trả lời:
Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến của địa phương, trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan để nâng cấp, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân cũng như công chức thực hiện tiếp nhận hồ sơ.
3. Đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về báo cáo thống kê của Ngành (UBND tỉnh Phú Thọ).
Trả lời:
Đối với việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về báo cáo thống kê của Ngành, tháng 11/2019, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Cục Kế hoạch – Tài chính đã tiến hành nâng cấp Phần mềm thống kê ngành tư pháp theo quy định tại Thông tư 03/2019/TT-BTP ngày 20/03/2019 của Bộ Tư pháp, phạm vi triển khai đến cấp xã/phường. Tháng 12/2019, Bộ Tư pháp đã triển khai thử nghiệm cho 06 địa phương: Tuyên Quang, Thái Bình, Long An, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Kạn. Dự kiến kỳ báo cáo năm chính thức 2020 sẽ đưa vào sử dụng trên toàn quốc.
4. Đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tư pháp; sớm xây dựng, triển khai các phần mềm, phần mềm liên thông về các lĩnh vực như: quản lý luật sư, đấu giá, công chứng, thừa phát lại, quản tài viên, thống kê, giao dịch bảo đảm, xử lý vi phạm hành chính, thi đua – khen thưởng,… đưa vào ứng dụng chung trên toàn quốc. Tích cực hỗ trợ các địa phương trong triển khai ứng dụng các phần mềm quản lý nghiệp vụ (UBND các tỉnh: Bình Dương, Quảng Bình).
Trả lời:
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tư pháp luôn được Bộ Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến của các địa phương; trong thời gian tới, căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng bố trí kinh phí, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục xây dựng, nâng cấp các phần mềm trong các hoạt động tư pháp.
5. Đề nghị Bộ Tư pháp nâng cấp, hoàn thiện Phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung để tháo gỡ những vướng mắc địa phương đang gặp phải trong quá trình sử dụng đăng ký mới và nhập dữ liệu hộ tịch cũ từ Sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trả lời:
Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề nghị Quý Ủy ban yêu cầu Sở Tư pháp thống kê cụ thể các vấn đề còn tồn tại và thông tin cho Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin) để nghiên cứu, có phương án xử lý, khắc phục.
XIX. LĨNH VỰC THI ĐUA – KHEN THƯỞNG
Đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường tập huấn nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng, tăng số lượng tập thể, cá nhân được khen thưởng nhằm động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (UBND tỉnh Nghệ An).
Trả lời:
– Về việc tăng cường tập huấn nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng
Trong những năm gần đây, Bộ Tư pháp đều có kế hoạch và tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng cho công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen của các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhằm thông tin, giới thiệu những quy định mới về công tác thi đua, khen thưởng của Trung ương và của Bộ, ngành Tư pháp; trao đổi kỹ năng xây dựng hồ sơ khen thưởng; phương pháp chấm điểm thi đua, xếp hạng; kỹ năng tổ chức các nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, tổ chức các hoạt động kỷ niệm, đại hội thi đua yêu nước; giải đáp những vướng mắc, khó khăn, chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức các phong trào thi đua, xét, đề nghị khen thưởng qua đó nâng cao kiến thức, áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng trong tổ chức phong trào thi đua, bình xét, suy tôn, đề nghị khen thưởng; tăng cường giao lưu, phối hợp giữa các đơn vị.
Đề nghị các đơn vị khi bố trí công chức, viên chức kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng phải đảm bảo tính ổn định, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công tác; cử đúng thành phần, đối tượng tham gia đầy đủ, nghiêm túc các buổi tập huấn nghiệp vụ Bộ tổ chức trong thời gian tới để việc tham mưu Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Thủ trưởng đơn vị trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua, chính sách khen thưởng đạt chất lượng, hiệu quả cao.
– Về việc tăng số lượng tập thể, cá nhân được khen thưởng
Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn, các quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp, các điều kiện, tiêu chí thi đua trong các phong trào thi đua do Bộ, ngành Tư pháp phát động, tổ chức triển khai thực hiện, để kịp thời ghi nhận, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác, trong thực hiện các phong trào thi đua, có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của Bộ, Ngành, hàng năm, Bộ Tư pháp đều ban hành các văn bản hướng dẫn xét, đề nghị khen thưởng để các đơn vị trong toàn Ngành bình xét, suy tôn, khen thưởng theo thẩm quyền, đề nghị Bộ trưởng khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định.
Trung bình hàng năm, Bộ sơ kết (giai đoạn), tổng kết 02-03 phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đợt và thường có gắn với việc xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong các phong trào thi đua. Hiện nay, chỉ tiêu (số lượng) đề nghị Bộ trưởng khen thưởng của các phong trào thi đua giao động từ 03 – 05 trường hợp/Sở. Căn cứ nguyên tắc, căn cứ xét; điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua; đối tượng, thành phần tham gia; phạm vi tổ chức, mức độ ảnh hưởng của thành tích đạt được…, Bộ thường xuyên điều chỉnh chỉ tiêu khen thưởng phù hợp với thực tiễn, để động viên, khích lệ kịp thời các tập thể, cá nhân tích cực tham gia, đạt kết quả cao trong các phong trào thi đua.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 2, Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 05/2018/TT-BTP ngày 07/6/2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp, cá nhân là công chức, viên chức, người lao động tại các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp; cá nhân là công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 06/2018/TT-BTP ngày 07/6/2018 của Bộ tư pháp được xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” (không khống chế chỉ tiêu)./.
– BỘ TƯ PHÁP –