Vậy là, Đại hội điểm loại hình đảng bộ cơ sở của tỉnh mình đã diễn ra thành công. Đây là điểm khởi đầu cho các đảng bộ cơ sở còn lại, tiến tới Đại hội cấp huyện, Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, một không khí trang nghiêm nhưng không nặng nề, một xã hội thu nhỏ ở cấp xã thật rộn ràng. Một Đại hội của những đại biểu lớn tuổi ngồi cận kề với lớp đảng viên trẻ tuổi. Đại hội của Đảng bộ xã nhưng cũng là “Đại hội của lòng dân, của cuộc sống”!
Văn kiện thật súc tích, không “tầm chương trích cú”, không sao chép rập khuôn, mà mang đầy “hơi thở” của cuộc sống dựa trên nền tảng năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và mỗi đại biểu, mỗi đảng viên trong Đảng bộ. Thực trạng của địa phương được phân tích khách quan, cả điểm mạnh, cả điểm yếu, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Các phát biểu tham luận không gượng gạo, lý luận suông, mà sâu sắc, gắn với thực tiễn – từ chuyện nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên, tinh thần hợp tác trong cộng đồng dân cư, chuyện đường làng ngõ xóm, chuyện công ăn việc làm, chuyện an sinh xã hội, chuyện trái xoài quê hương v.v..
Nhìn những gương mặt các cấp uỷ viên mới được bầu, những người chịu trách nhiệm cho sự phát triển quê hương này, thấy có niềm tin nhiều hơn. “Một tập thể giỏi không chỉ là tập hợp những cá nhân giỏi, mà phải là một tập thể đoàn kết, hợp tác với nhau, sẻ chia nhau trong thực hiện chương trình hành động và trong công việc hàng ngày”! Một tập thể giỏi là một tập thể tập hợp những cá nhân luôn tự nhủ rằng: “Mình không phải là người giỏi nhất, mà mình hội đủ những điều kiện hơn những người khác”! Một tập thể giỏi là một tập thể luôn hướng đến một mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng sống của người dân quê hương mình! Một tập thể giỏi là một tập thể luôn học tập theo tư tưởng gần dân, phong cách trọng dân của Bác Hồ! Mỗi người luôn ghi nhớ, luôn tự thấm nhuần lời dạy của Bác: “Đạo đức cách mạng là hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”. Mỗi người đừng tự biến mình thành những “quan cách mạng” như Bác Hồ từng nhắc nhở mỗi chúng ta!
Chọn lựa cán bộ cấp uỷ phải bảo đảm yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, rồi còn cơ cấu thành phần. Nhưng còn một điều kiện quan trọng hơn không thể “đong, đo, đếm” được, đó là “thái độ đối với cuộc sống và công việc được giao”. Đội ngũ cán bộ ấy làm việc không chỉ thể hiện trách nhiệm, mà còn cao hơn là sự dấn thân, là niềm đam mê, là lý tưởng cao cả. Đội ngũ cán bộ ấy phải biết hoá giải những xung đột luôn luôn xảy ra trong một tập thể đông người, nhiều tính cách, nhận thức khác nhau, để đi đến sự đồng tâm, hợp ý, vì quê hương xứ sở. Đội ngũ cán bộ ấy phải biết đau đáu nổi lo cho dân, tập hợp được người dân, kích hoạt sáng kiến của người dân, tạo thành sức mạnh của “Lòng Dân – Ý Đảng”!
Tổ chức Đại hội thành công là điều thật đáng mừng! Nhưng Đảng bộ, người dân trông chờ vào một nhiệm kỳ thành công mới là điều quan trọng hơn! “Chuyện gì rồi cũng qua”! Đại hội kết thúc và nhiệm vụ mới lại bắt đầu. Bao nhiêu là công việc, bao nhiêu là nhiệm vụ đang ở phía trước. “Nông thôn mới đâu phải là đích đến, mà cả một hành trình” nâng dần lên, cao dần hơn! Hội quán cũng chỉ là điều kiện cần, Tổ Nhân dân tự quản cũng vậy, Hợp tác xã cũng thế! Phải làm sao từ những tổ chức đó, làm đổi thay nông nghiệp hiệu quả hơn, không phó thác vào sự may rủi của thị trường. Phải làm sao từ những tổ chức đó, diện mạo nông thôn được đổi thay hàng ngày, môi trường càng xanh, càng sạch, càng đẹp. Phải làm sao từ những tổ chức đó, chất lượng sống của người dân được cải thiện qua từng năm tháng, những gương mặt người dân luôn ngời lên niềm hạnh phúc, niềm tin vào cấp uỷ đảng, chính quyền. Đạt được những điều đó, mới có thể tự hào nói rằng: “Đây là nơi đáng sống, đáng đến, đáng quay về”!
Mà đâu chỉ là chuyện nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cấp uỷ cơ sở còn biết bao việc làm “hết ngày này qua ngày khác”! Nào là, chuyện an ninh trật tự với nhiều tệ nạn xã hội luôn tiềm ẩn gây bất an xã hội. Nào là, chuyện an sinh xã hội, nhất là những người còn nghèo khó, khuyết tật, neo đơn v.v.. Nào là, chuyện mức sống của gia đình chính sách làm sao cho tương xứng với những người có công với đất nước, với quê hương. Nhiệm vụ nào cũng khó, công việc nào cũng nặng nề, nhưng làm gì thì làm, điều trước tiên là phải thật sâu sát đến từng nếp nhà, từng ngõ xóm, từng đối tượng đặc thù. Không được hô hào khẩu hiệu chung chung!
Muốn làm được những điều lớn lao đó, thì không được tự bằng lòng với kiến thức mình đã học, hiểu biết mình đã có, mà phải học, học không ngừng! Học để biết, biết những điều chưa biết và cả những điều đã biết nhưng không còn phù hợp với sự thay đổi. Học để làm, không phải “làm cho xong việc”, mà làm sao công việc hiệu quả hơn. Học để khẳng định giá trị của mình, giá trị từ tri thức và giá trị từ cuộc sống. Học để chung sống hoà hợp với nhau, tôn trọng nhau, nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến cá nhân mình…
Ngồi dự Đại hội mà nghe văng vẳng những lời ca: “Người người nghe tiếng quê hương vẫy gọi. Tổ quốc gọi tên mình… Đoàn kết cho ta sức mạnh. Băng qua bão giông”. Mỗi người hãy thúc giục bản thân mình và thúc giục mọi người xung quanh cùng tiến lên, bằng những hành động cụ thể, thiết thực cho quê hương xứ sở. Đừng trông chờ ỷ lại, đừng rập khuôn máy móc!
Theo dongthap.gov.vn