Thường thì, ngồi một chỗ mà nhận định, đánh giá, phán xét, thì dễ rơi vào chủ quan, sai lầm, vô cảm, thiếu sự thấu hiểu, cảm thông, trân trọng. Mỗi người, do những điều kiện, hoàn cảnh, được xã hội phân công, người dân giao phó đứng ở cương vị này, ngồi vào vị trí nọ, là lẽ thường. Mỗi người đều đóng góp những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, địa phương, đất nước, miễn là, làm hết trách nhiệm của mình, làm bằng cái tâm của mình!
Có dịp ngồi hàn huyên với các anh chị ở trụ sở một khóm trong mùa chống dịch Covid-19, có nhiều điều thật đáng suy ngẫm. Một khóm cũng như một ấp thì nhỏ thôi, tưởng rằng đâu có gì là lớn lao, phức tạp. Chỉ vỏn vẹn trên dưới một cây số vuông, khoảng vài trăm nóc nhà, đi một vèo là giáp cả, thì có gì to tát lắm đâu, cực nhọc lắm đâu?!? Công việc hàng ngày thì có phường, xã ấn định xuống phải làm gì, cần làm gì. Nhưng tưởng vậy, mà đâu phải như vậy!
Trong hệ thống của mình, đơn vị ấp khóm không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn. Có lẽ, quan niệm như vậy nên từ chế độ chính sách, công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ khóm ấp chưa thực sự được chú trọng. Nói nào ngay, đối với các anh chị làm ở khóm ấp thì “hậu cần” là có một chút phụ cấp, cộng với “cơm nhà áo vợ”; còn “vũ khí” là lòng nhiệt tình công tác xã hội, cộng với ý thức đảng viên. Vậy là, lao vào công việc. Vậy là, lặn lội ngày đêm. Vậy là, có mặt đầu trên xóm dưới…
Tưởng rằng đơn giản nhưng đâu phải vậy! Đối với ấp khóm thì không có khái niệm nhóm đối tượng này, thành phần kia, mà là người nào, hộ nào, ở xóm nào, đường nào, hẻm nào, thậm chí là ngõ ngách nào. Rồi hộ đó ai là chủ, gia cảnh ra sao, sinh sống bằng nghề gì, con cái học hành đến đâu, có ai tật nguyền, già cả “nay đau mai yếu” không? Các anh chị biết hết, hiểu tường tận cả! Mà đâu chỉ nắm danh sách, tên tuổi không đâu, các anh chị còn biết cả tính nết từng người. Ai là người tử tế, thân thiện với hàng xóm; ai là người “rượu chè bê tha”, hay xích mích trong gia đình, “câu mâu” với cộng đồng.
Cấp trên thường hay nhắc nhở phải “đi tận ngõ, gõ tận nhà” có khi là chung chung thôi, nhưng các anh chị thì chắc khỏi phải nhắc, vì ngày nào cũng vậy, tuần nào cũng vậy và tháng nào cũng vậy. Sáng ngồi uống nước trà với nhà này, tối đến lại thăm hỏi nhà kia. Có sâu sát như vậy, mới biết nhà nào khó khăn để mà đề đạt lên phường xã hoặc vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ. Khi thì gạo thóc cho cả nhà, khi thì học bổng, tập vở cho học sinh nghèo vượt khó, khi thì thuốc thang, bảo hiểm… Rồi vận động “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nay vá ổ gà chỗ này, mai lấp úng ngập chỗ kia. Nội chuyện nhắc nhở giữ gìn vệ sinh môi trường cho sạch, không để dịch bệnh, hay nhắc đổ rác đúng nơi đúng chỗ cũng đâu có dễ dàng gì. Khổ nhất là xem xét chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn. Sót một người, chậm một chút là “lời ra tiếng vào”, là trách móc, là thưa kiện. Người giận, kẻ hờn! Đúng là: “Trăm dâu đổ đầu tằm”!
Làm gì cũng có niềm vui, và cũng có nỗi buồn! Gặp người thông hiểu, vận động hưởng ứng chấp hành thì vui, gặp người tích cực còn được động viên, chia sẻ thì mát cả bụng, nhẹ cả lòng. Nhưng gặp không ít trường hợp quay lưng, cau có, thậm chí còn bị xiên xỏ, bóng gió, thì sao tránh khỏi nặng lòng. Con người cả mà, ai cũng có tự trọng, cũng biết tự ái, cũng còn sĩ diện. Có anh làm ở khóm phân trần thấy thương quá. Ảnh nói: “Nhiều khi tức anh ách luôn, nhưng lại tự nhủ, cũng vì mình chấp nhận làm cán bộ khóm ấp thì phải ráng chịu chứ biết sao bây giờ”! Thì đó, mới chiều hôm trước gặp nhau còn bị lớn tiếng, nặng lời, sáng hôm sao đã “giả lả” như hổng có chuyện gì xảy ra. “Bàn tay có ngón ngắn, ngón dài” mà, trong cộng đồng cũng vậy thôi, cũng có người thế này người thế kia! Nhưng, trong những lúc như vậy biết tỏ cùng ai? Ai sẽ là người đến động viên, chia sẻ? Hay mình chỉ biết than với ta, rồi ta lại động viên chính mình?
Ngay trong mùa dịch Covid mới càng thấy vai trò quan trọng của cấp dưới cơ sở. Khóm, ấp thì làm gì có ban này, ngành kia, chỉ vài ba người thôi mà dang tay gánh vác hết. Chỉ đạo cũng bao nhiêu con người đó, mà tổ chức thực hiện cũng bao nhiêu con người đó. Nào là, tuyên truyền chủ trương phòng chống dịch, thông tin các khuyến cáo của ngành Y tế. Nào là, lập danh sách các gia đình có người thân ở nước ngoài, đi về từ các vùng dịch. Nửa đêm mà nghe tin báo có người lạ đến thì cũng phải quàng vội chiếc áo, xỏ nhanh đôi dép để kịp đến tận nhà, rồi thông báo cho cơ quan chức năng, cho người chịu trách nhiệm. Rồi thực hiện chũ trương phòng chống dịch, hộ này thì không còn bán vé số, hộ kia thì kinh doanh ế ẩm, họ khác thì bị mất việc làm… . Vậy là phải trăm mối lo giúp cho bà con qua cảnh ngặt nghèo trong mùa chống dịch này.
Trong hệ thống của mình, mỗi khi có thành tích gì, xin đừng quên biểu dương các cán bộ khóm ấp nhé! Một lời tri ân dành cho các anh chị, những người “làm dâu trăm họ”.