Một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4

– Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP). Theo đó, quy định xử phạt tiền đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động, cụ thể:

+ Từ 05 – 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 01 – 10 người lao động;

+ Từ 10 – 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 – 50 người lao động;

+ Từ 20 – 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 – 100 người lao động;

+ Từ 30 – 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 – 300 người lao động;

+ Từ 40 – 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 02 lần. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.


– Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Theo Nghị định này, cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đồng thời, mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

– Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Thông tư có quy định đáng chú ý về nhận xét vào sơ yếu lý lịch cá nhân, cụ thể theo Điều 15 Thông tư này quy định, người thực hiện chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân không được ghi bất cứ nhận xét nào vào tờ khai lý lịch cá nhân, mà chỉ được ghi lời chứng chứng thực theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/4/2020./.

Ban Biên tập


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *