Hai yếu tố hợp pháp về thời hiệu xử phạt, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai hiện hành

Một quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, được coi là hợp pháp cần phải dựa vào hai yếu tố sau:

Thứ nhất, về thời hiệu xử phạt. “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan” (khoản 1 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015). Theo Điều 3 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm. Nếu hết thời hiệu nêu trên, người có thẩm quyền không được xử phạt theo điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Tuy nhiên cần lưu ý, trong thời hạn 02 năm nếu cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được được quy định như sau (Điều 3 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP): Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

Ông Võ Minh Sang, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành

Thứ hai, về thời hạn ra quyết định xử phạt. Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), thời hạn ra quyết định xử phạt tối thiểu là 07 ngày làm việc, tối đa là 2 tháng (tuỳ từng trường hợp cụ thể), kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Hết thời hạn nói trên mà người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt là sai. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, trong trường hợp đã hết thời hạn, thời hiệu nêu trên, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.

Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện. Và việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản này không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)./.

Minh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *