Một số điều cần biết về Luật Căn cước năm 2023

Thực hiện Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2024 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc triển khai các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XVthông qua tại Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 17 tháng 4 năm 2024, Sở Tư pháp phối hợp Công an Tỉnh phổ biến Luật Căn cước năm 2023 qua chuyên mục Phổ biến pháp luật, biết để làm đúng trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp.

Thượng tá Lâm Phước Hậu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an Tỉnh đã tham gia chuyên mục và thông tin nội dung vì sao phải đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước? Cụ thể, việc sử dụng tên “Luật Căn cước” sẽ đảm bảo thể hiện đầy đủ chính sách, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung Luật. Đồng thời, thể hiện đúng nội dung của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật Căn cước không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân.

Thượng tá Lâm Phước Hậu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội
Công an Tỉnh thông tin về nội dung Luật Căn cước năm 2023

Theo đó, việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ của người dân hoặc chi ngân sách nhà nước, thay đổi mẫu thẻ để phù hợp với tên gọi Luật Căn cước năm 2023. Việc thay đổi tên thẻ Căn cước còn để đảm bảo tương đồng với thông lệ quốc tế; bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ Căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia.

Luật Căn cước quy định thay đổi độ tuổi để được cấp thẻ Căn cước là đối với người dưới 06 tuổi không thực hiện thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học. Người từ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thì thực hiện thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt. Về độ tuổi đổi thẻ Căn cước được Luật Căn cước quy định là công dân Việt Nam đã được cấp thẻ Căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

Ngoài thẻ Căn cước vật lý, mỗi công dân còn được cấp Căn cước điện tử, việc sử dụng Căn cước điện tử có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước hiện hành để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công,…

Luật Căn cước năm 2023 quy định đối với Giấy Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 không còn giá trị sử dụng.

Chuyên mục Phổ biến pháp luật, biết để làm đúng phát sóng vào lúc 18 giờ 15 phút ngày thứ Tư của tuần thứ 3 hằng tháng để thông tin các nội dung, quy định của pháp luật mới ban hành góp phần đa dạng nhiều hình thức phổ biến pháp luật, đưa pháp luật đến với mọi người, mọi nhà./.

Đăng Khoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *