Xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, tiến bộ tại cơ sở, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, gắn với thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở cơ sở.
Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật và hướng dẫn tài liệu đánh giá chỉ tiêu 18.4 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp; tiêu chí 16 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh và chỉ tiêu 9.6 trong Bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới; quy định thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 865/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh.
Thực hiện theo Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp tổng hợp kết quả báo cáo của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về thực hiện đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trình Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo về Bộ Tư pháp đảm bảo theo quy định, cụ thể kết quả hết năm 2023 có 139/143 đơn vị đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có 111 xã, 19 phường, 09 thị trấn, đạt tỷ lệ 97,2%, cao hơn so với kết quả năm 2022 là 2,1% (năm 2022 đạt tỷ lệ 95,1%); 04/143 đơn vị xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Việc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cả năm 2023 được thuận lợi do được sự hướng dẫn thường xuyên của Bộ Tư pháp, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành Tỉnh và công tác chỉ đạo thường xuyên của Ủy ban nhân dân Tỉnh, của cấp ủy, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nên việc triển khai, hướng dẫn được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc từ Tỉnh đến cấp huyện, cấp xã bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh kết quả đã đạt được thì vẫn còn một số hạn chế như công tác tổng hợp tài liệu đánh giá để minh chứng cho điểm số tiếp cận pháp luật của một số địa phương ở cấp xã đôi khi chưa đạt theo yêu cầu, phải điều chỉnh, bổ sung, thay thế nhiều. Công chức chuyên môn ở cấp xã phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, phần nào ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí và thực hiện quy trình đánh giá tiếp cận pháp luật. Việc duy trì và đảm bảo tính bền vững sau khi xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn còn khó khăn về điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi áp dụng quy định mới. Một số nội dung của chỉ tiêu yêu cầu phải đạt tỷ lệ cao so với thực tiễn nên tổng điểm khó đảm bảo yêu cầu. Đối với chỉ tiêu 3, chỉ tiêu 4 trong tiêu chí 5 theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg thì xã, phường, thị trấn khó chủ động trong tính điểm số nên cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Phương hướng năm 2024, tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Thông tư số 09/2021/TT-BTP, Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh; các văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, phấn đấu có 143/143 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật,. Tổ chức tập huấn, cập nhật quy định thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật cho thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã và công chức chuyên môn phụ trách.
Tổ chức kiểm tra, đồng thời, hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nội dung tiếp cận pháp luật tại cấp huyện, cấp xã. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã đảm bảo thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, trọng tâm là người đứng đầu cấp ủy; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải gương mẫu thực hiện nhiệm vụ đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, không để bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Duy trì và củng cố nhân rộng các mô hình mới về phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động tại địa phương góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật tại các xã, phường, thị trấn. Khuyến khích cấp xã tiếp tục nhân rộng, phát huy hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở giúp duy trì tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở từ 90% trở lên./.
Đăng Khoa