Tại Hội nghị tổng kết công tác Tư pháp năm 2019 và triển khai công tác năm 2020, tổ chức vào ngày 27 tháng 12 năm 2019, có một số ý kiến của các Đại biểu dự Hội nghị, kiến nghị Sở Tư pháp giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác Tư pháp thời gian vừa qua. Trên cơ sở quy định của pháp luật và thực tiễn công tác của Ngành, Sở Tư pháp trả lời các ý kiến kiến nghị như sau:
* Trong lĩnh vực Hộ tịch
1. Đề nghị Sở Tư pháp thống nhất hướng dẫn các địa phương thực hiện quyết toán kinh phí việc cập nhật dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy vào Cơ sỡ dữ liệu hộ tịch điện tử.
Trả lời: Thực hiện Kế hoạch 108/KH-UBND ngày 02/5/2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, việc cập nhật dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy sang dữ liệu hộ tịch điện tử phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019. Sở Tư pháp đã thống nhất với Sở Tài chính chuyển phần kinh phí cập nhật dữ liệu hộ tịch về cho các địa phương, vì vậy đề nghị Phòng Tư pháp chủ động trao đổi với Phòng Tài chính để được hướng dẫn, quyết toán đúng theo quy định.
2. Số lượng thông tin hộ tịch cần cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của một số huyện rất nhiều, nên việc cập nhật chưa đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch đã đề ra. Đề nghị Sở Tư pháp gia hạn thêm thời gian thực hiện cập nhật dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy sang dữ liệu hộ tịch điện tử.
Trả lời: Thực hiện Kế hoạch 108/KH-UBND ngày 02/5/2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh, thời hạn hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch điện tử phải trước ngày 31/12/2019, do đó để đảm bảo phần mềm quản lý hộ tịch được vận hành thông suốt, đồng bộ và hiệu quả, Sở Tư pháp đề nghị các huyện, thị xã, thành phố sớm hoàn thành việc nhập dữ liệu theo Kế hoạch.
Đối với việc nhập dữ liệu đăng ký khai sinh từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2016 khi nhập vào phần mềm sẽ phát sinh số định danh cá nhân, vì Giấy khai sinh đã phát cho công dân nên không thể cập nhật ngay vào Giấy khai sinh. Những trường hợp này, công chức Tư pháp – Hộ tịch ghi số định danh vào Sổ đăng ký khai sinh, nếu mời người dân đến được thì bổ sung vào Giấy khai sinh, nếu không mời được, khi người dân đến cấp bản sao trích lục khai sinh thì kết hợp bổ sung số định danh cá nhân vào Giấy khai sinh.
3. Việc áp dụng Công văn hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên trong giải quyết thủ tục hành chính (lĩnh vực chứng thực qua bưu điện) không đảm bảo cơ sở pháp lý vì Công văn chỉ là văn bản hành chính, nên khi có các Đoàn kiểm tra thì các hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện theo hướng dẫn của Công văn sẽ không đảm bảo theo quy định.
Trả lời: Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang thí điểm chuyển giao cho bưu điện thực hiện các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công, trong đó có lĩnh vực chứng thực (theo Quyết định số 843/QĐ-UBND-HC ngày 27/7/2018, Quyết định số 1338/QĐ-UBND-HC ngày 01/11/2018, Quyết định số 747/QĐ-UBND-HC ngày 24/7/2019, Quyết định số 1382/QĐ-UBND-HC ngày 18/11/2019 của UBND Tỉnh), do đây là mô hình mới, việc thực hiện có nhiều khó khăn trong quá trình tiếp nhận hồ sơ chứng thực từ Bưu điện.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tỉnh tại Công văn số 36/UBND-KSTTHC ngày 16/7/2019, giao Sở Tư pháp hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính đối với lĩnh vực chứng thực theo Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công, Sở Tư pháp đã có Công văn số 2109/STP-HCTP ngày 23/7/2019 xin ý kiến Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp, hướng dẫn về thẩm quyền ký chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Ngày 21/8/2019, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có Công văn số 879/CHTQTCT-CT hướng dẫn thực hiện nội dung trên.
Do đây là giai đoạn thí điểm nên tùy vào tình hình thực tế, các địa phương có thể thực hiện theo quy định của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (gọi tắt là Nghị định số 123/2015/NĐ-CP) hoặc chứng thực theo hướng dẫn tại Công văn số 879/CHTQTCT-CT ngày 21/8/2019 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp. Hiện nay, Bộ Tư pháp chuẩn bị ban hành Thông tư mới hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nội dung này, khi nào Bộ Tư pháp ban hành, Sở sẽ triển khai đến các địa phương thực hiện thống nhất.
4. Đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính khi trong thành phần hồ sơ như Hộ chiếu, giấy tờ khác,…có in hình đường lưỡi bò.
Trả lời: Hiện nay, Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, không quy định việc không tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính khi trong thành phần hồ sơ như Hộ chiếu, giấy tờ tùy thân khác,…có in hình đường lưỡi bò.
Để việc thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật, Sở Tư pháp đã liên hệ với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp đề nghị hướng dẫn cụ thể. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp đã trả lời việc này vẫn thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nếu thành phần hồ sơ, thủ tục đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật (giữa Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao đã có Công văn thống nhất về việc thực hiện thủ tục hành chính có liên quan đến hộ chiếu, giấy tờ tùy thân của Trung Quốc có hình lưỡi bò, nhưng văn bản này là văn bản mật nên không triển khai đến các địa phương).
Mặt khác, Sở sẽ có văn bản báo cáo và xin ý kiến hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Tư pháp, khi nào Bộ Tư pháp trả lời, Sở sẽ chuyển đến các Phòng Tư pháp biết, thực hiện.
* Lĩnh vực Xử lý vi phạm hành chính
1. Các hành vi vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sông,…của người dân mặc dù đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (trả lại đất đã lấn, chiếm) chưa thể thực hiện được vì nếu cưỡng chế thì người vi phạm không có chỗ để ở.
Trả lời: Về nguyên tắc, các hành vi vi phạm hành chính phải được xử lý kịp thời đúng theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Riêng đối với các trường hợp hành vi vi phạm đã xãy ra từ lâu, người vi phạm không chỗ ở nào khác sau khi bị cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế trả lại đất đã chiếm, hoặc chưa được hỗ trợ bồi thường theo quy định của pháp luật về đất đai…, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp,…nghiên cứu, có đề xuất với Uỷ ban nhân dân Tỉnh hướng giải quyết; khi có ý kiến của Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Sở sẽ gửi cho địa phương nắm, thực hiện.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành nhưng lại giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc ngành chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức cưỡng chế thi hành nên khó thực hiện.
Trả lời: Trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế được quy định cụ thể tại Điều 6 của Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; vì vậy đề nghị Phòng Tư pháp căn cứ vào quy định đã nêu để tham mưu cho phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định xử phạt hành vi lấn chiếm đất thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, nhưng việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (trả lại đất đã lấn, chiếm) thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, vì vậy rất nhiều hồ sơ vi phạm được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chuyển lên đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xử phạt, gây quá tải.
Trả lời: Đối với những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trong đó có khó khăn nêu trên, Sở Tư pháp đã tổng hợp, tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp tại Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
* Lĩnh vực tổ chức, thi đua
1. Hiện tại số lượng công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã vẫn còn thiếu nhiều, một số xã, phường, thị trấn chưa bố trí đủ số lượng 02 công chức/xã, phường. Đề nghị Sở Tư pháp quan tâm thêm vấn đề này.
Trả lời: Ngày 10/12/2019, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh – Nguyễn Văn Dương đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp, tại buổi làm việc Sở Tư pháp đã có kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc chưa bố trí đủ số lượng công chức Tư pháp – Hộ tịch tại cấp xã. Tại kết luận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh (Thông báo số 188/TB-VPUBND ngày 27/12/2019 của Văn Phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh), giao Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ rà soát lại công tác giao biên chế công chức hành chính ngành Tư pháp trên cơ sở xác định số lượng công việc, vị trí việc làm bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác tư pháp ở cấp xã.
Trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Sở đã gửi Sở Nội vụ (Công văn số 49/STP-XD&KTVBQPPL ngày 14/01/2019) góp ý dự thảo Quyết định của UBND Tỉnh quy định số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Sở Tư pháp đã đề nghị Sở Nội vụ trình UBND Tỉnh quy định đối với chức danh công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã cần bố trí 02 công chức để đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ.
2. Đối với Bảng tiêu chí thi đua, thang điểm đánh giá xếp hạng Phòng Tư pháp cấp huyện, đề nghị Sở Tư pháp xây dựng cụ thể từng tiêu chí sẽ cần tài liệu minh chứng như thế nào để địa phương dễ dàng thực hiện; đưa việc thực hiện việc góp ý văn bản của cấp trên, của các ngành cùng cấp vào Bảng tiêu chí thi đua.
Trả lời: Trên cơ sở Bảng tiêu chí thi đua, thang điểm đánh giá xếp hạng Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp xây dựng Bảng tiêu chí thi đua, thang điểm đánh giá xếp hạng Phòng Tư pháp cấp huyện. Năm 2020, Sở sẽ xây dựng Bảng tiêu chí thi đua, thang điểm đánh giá xếp hạng Phòng Tư pháp cấp huyện sát với tình hình triển khai nhiệm vụ công tác Tư pháp tại địa phương, đồng thời sẽ có hướng dẫn thực hiện từng tiêu chí, cải tiến Phần mềm theo dõi thi đua để dễ thực hiện và theo dõi các tiêu chí.