Rà soát các văn bản luật còn hiệu lực thi hành có khó khăn, vướng mắc và không còn phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai thi hành

Thực hiện Công văn số 689/TTg-PL ngày 29 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành. Ngày 12 tháng 8 năm 2023 Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số 73/UBND-NCPC về việc Báo cáo kết quả rà soát các luật, pháp lệnh còn hiệu lực thi hành có nội dung vướng mắc, bất cập và đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Phòng Xây dựng và Kiểm tra VBQPPL – Sở Tư pháp rà soát các văn bản luật
trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia VBQPPL

Qua kết quả rà soát, có 13 văn bản luật đang còn hiệu lực thi hành có khó khăn, vướng mắc và không còn phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai thi hành, cụ thể như sau:

– Đối với lĩnh vực Tư pháp:

Tại điểm k khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng năm 2014 quy định các hành vi nghiêm cấm: “Công chứng viên đồng thời hành nghề tại hai tổ chức hành nghề công chứng trở lên hoặc kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác”. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý nhà nước của Sở Tư pháp và tổ chức hành nghề công chứng trong việc quản lý công chứng viên sẽ gặp khó khăn khi xác định “công việc thường xuyên khác” là những loại công việc nào?. Đồng thời, tại Điều 8 Luật Công chứng năm 2014, không giới hạn độ tuổi tối đa của công chứng viên khi hành nghề công chứng, vì thực tế có nhiều công chứng viên tuổi cao (65 tuổi trở lên) vẫn còn hành nghề. Đây là điểm bất cập bởi vì hoạt động công chứng đòi hỏi nghiệp vụ, kỹ năng nghiên cứu, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên, nên độ tuổi 65 trở lên vẫn còn hành nghề công chứng thì sẽ gặp khó khăn hơn.

Theo quy định tại Điều 29 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì không hạn chế việc một đấu giá viên được quyền làm trưởng bao nhiêu chi nhánh. Do đó, việc này gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của chi nhánh. Ngoài ra, qua rà soát Luật Đấu giá viên năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thì không quy định việc Sở Tư pháp cấp thẻ có quyền thu hồi Thẻ đấu giá viên trong trường hợp đấu giá viên không còn hành nghề tại tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện khoản 3 Điều 18 Luật đấu giá tài sản năm 2016 là mỗi đấu giá viên chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc ký hợp đồng lao động với một doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Tại điểm e khoản 1 Điều 69 và điểm h khoản 1 Điều 70 Luật Hộ tịch năm 2014, quy định: Ủy ban nhân dân Tỉnh có trách nhiệm hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trái quy định của Luật Hộ tịch; Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trái quy định của Luật Hộ tịch. Tuy nhiên, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch và Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP chưa quy định trình tự, thủ tục thực hiện việc thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch cấp trái quy định, nên khó khăn trong việc kiểm tra, xác định hồ sơ có đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện việc thu hồi, hủy bỏ hay không.

 Theo điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), quy định: “…Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”. Thời hạn thông báo 01 năm là quá dài đã gây ra một số bất cấp khiến cho tang vật, phương tiện bị tạm giữ lâu ngày bị hư hỏng, suy giảm về chất lượng, đặc tính; đặc biệt là đối với động vật hoang dã dễ bị suy giảm, mất tập tính nếu không được sớm thả về môi trường tự nhiên. Ngoài ra, còn làm tăng số lượng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi bị tạm giữ, do phải chờ xử lý gây tồn đọng, đầy ứ, trong khi điều kiện kho bãi quản lý, bảo quản và nuôi dưỡng… của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế và chi phí bảo quản tang vật tăng cao, đặc biệt là các chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối với tang vật là động vật hoang dã rất cao.

– Đối với lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư

Tại điểm b khoản 1 Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, quy định về điều kiện doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp là “Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu”. Với điều kiện hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 01 năm,…sẽ gây khó khăn cho hộ kinh doanh, vì có trường hợp hộ kinh doanh gặp khó khăn phải tạm nghỉ một thời gian ngắn, khi có điều kiện, cơ hội kinh doanh thì đăng ký hoạt động lại và chuyển đổi thành doanh nghiệp thì không được hưởng các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, do không đáp ứng điều kiện hoạt động liên tục.

Tại khoản 18 Điều 3 và điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020, quy định về tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, trong đó có các cụm từ “bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư”, “tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư” và chứng minh năng lực tài chính đối với “Nhà đầu tư là cá nhân”. Tuy nhiên, những cụm từ này chưa được giải thích cụ thể, gây lúng túng cho nhà đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư khi lập, tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án.

– Đối với lĩnh vực Giao thông vận tải: tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013, quy định cho phép chỉ định thầu các gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình. Thực tế, việc rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình đều do các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng có chức năng này. Bên cạnh đó, dự toán, giá gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ được được lấp đầy đủ các chi phí trên cơ sở định mức do Bộ Quốc phòng ban hành và giá cả thị trường theo quy định về quản lý chi phí đầu tư. Do đó, để đẩm bảo minh bạch, cạnh tranh và tiết kiệm chi phí, các gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình cần phải được đấu thầu như các gói thầu khác.

– Đối với lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

 Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều nội dung thay đổi liên quan đến cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trong đó không quy định các Chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Các Nghị định hướng dẫn liên quan thì chưa được ban hành, cho nên các Chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc xử lý vi phạm hành chính chuyên ngành về thẩm quyền ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính của các Chi cục trưởng trực thuộc Sở đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình có còn phù hợp hay không?. Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thẩm quyền của Thanh tra trong đó có các chức danh “Chi cục trưởng Chi cục về trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, lâm nghiệp, phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” có quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 44 quy định xử phạt vi phạm hành năm 2012 quy định thẩm quyền của Thanh tra trong đó có các chức danh “Chi cục trưởng Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành về thú y, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản” có quyền xử phạt vi phạm hành chính đến 25.000.000  đồng. Do đó, giữa Luật Thanh tra năm 2022 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) chưa đồng bộ quy định về thẩm quyền thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính đối với các chức danh là Chi cục trưởng các Chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 38 của Luật Thủy sản năm 2017 quy định: “Phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực” và nội dung này đã được cụ thể hóa để triển khai thực hiện tại điểm b Khoản 1 Điều 36 của Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, cụ thể quy định trong thành phần hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực phải có “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản”.  Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè thời gian qua còn gặp khó khăn, bất cập do một trong các thành phần hồ sơ là “Giấy cho thuê đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản”, người nuôi trồng thủy sản lồng bè không thể cung cấp được do cơ quan quản lý về Tài Nguyên – Môi trường chưa thực hiện được các thủ tục và cấp Giấy này cho người nuôi. Vì vậy, cơ quan quản lý về thủy sản cấp tỉnh không thể cấp được Giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè cho người dân theo quy định.

– Đối với lĩnh vực Xây dựng:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Nhà ở năm 2014, quy định: “Khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội”.  Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể việc bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khi tổ chức lập quy hoạch ở giai đoạn nào (quy hoạch chung hay quy hoạch phân khu hay quy hoạch chi tiết). Do đó, Sở Xây dựng đang gặp khó khăn trong quá trình thẩm định và đề xuất bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong các đồ án quy hoạch theo quy định.

Theo khoản 1 Điều 48 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, quy định: “Chủ đầu tư dự án bất động sản được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án cho chủ đầu tư khác”. Tuy nhiên, khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020: “Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh…”. Luật Đầu tư năm 2020 sử dụng nhất quán thuật ngữ “nhà đầu tư” để chỉ tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, lại sử dụng khái niệm “chủ đầu tư” để chỉ doanh nghiệp thực hiện việc bỏ vốn để đầu tư kinh doanh dự án bất động sản. Do đó, việc sử dụng không thống nhất giữa thuật ngữ “nhà đầu tư” trong Luật Đầu tư và “chủ đầu tư” trong Luật Kinh doanh bất động sản có thể gây nhầm lẫn, áp dụng thiếu thống nhất trong thực hiện pháp luật.

Qua kết quả rà soát, các văn bản luật còn hiệu lực thi hành có khó khăn, vướng mắc và không còn phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai thi hành, nhằm kịp thời đề xuất Chính phủ tham mưu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật có khó khăn, vướng mắc. Từ đó, tạo sự chặt chẽ trong xây dựng các văn bản luật và tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân triển khai thi hành các Luật./.

Khánh Tân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *