Để đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quy chế số 1420/QCPH-STP-TTr-VPUBND-HLG-ĐLS ngày 29 tháng 11 năm 2021 giữa Sở Tư pháp, Thanh tra Tỉnh, Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Hội Luật gia Tỉnh và Đoàn Luật sư Tỉnh về việc phối hợp tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân (Quy chế phối hợp số 1420).
Chiều ngày 15 tháng 12 năm 2022, Sở Tư pháp, cơ quan chủ trì tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động theo Quy chế phối hợp tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Chủ trì Hội nghị bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp, ông Phạm Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tư pháp và tham dự Hội nghị có đại diện các ngành thành viên như: Thanh tra Tỉnh, Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Hội Luật gia Tỉnh, Đoàn Luật sư Tỉnh; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật; các Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Tỉnh (Trung Tâm TGPLNN) và Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp đến dự và đưa tin Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe ông Phạm Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tư pháp trình bày sơ lược báo cáo kết quả hoạt động theo Quy chế phối hợp tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dânnăm 2022. Theo đó, công tác triển khai thực hiện phối hợp về tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân kịp thời, hiệu quả, ngay từ đầu năm 2022. Theo số liệu thống kê, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 29/11/2022 thì Hội Luật gia Tỉnh đã cử 83 lượt trực tư vấn, Đoàn Luật sư Tỉnh đã cử 62 lượt trực tư vấn. Đồng thời, đã tiếp nhận thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân là 87 vụ việc (trong đó: 01 vụ hình sự; 76 vụ dân sự chủ yếu lĩnh vực đất đai, hụi, hôn nhân và gia đình; 10 vụ hành chính về khiếu nại thi hành án dân sự về tranh chấp Hợp đồng mua bán, khiếu nại về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Qua đó, nhận thấy được sự tích cực trong công tác phối hợp của ngành thành viên trong việc chủ động phân công người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp để tham gia hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân, đảm bảo người dân được hướng dẫn, giải thích, giải đáp các vướng mắc pháp luật cũng như hạn chế người dân vì chưa hiểu pháp luật dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp không đúng theo quy định.
Tại Hội nghị, đại diện các ngành thành viên đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất có liên quan đến các vấn đề còn tồn tại, bất cập thời gian qua và chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác phối hợp thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân. Sau khi nghe ý kiến phát biểu, thảo luận, góp ý của các đại biểu tham dự Hội nghị, bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp, ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân, trên tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm của các ngành thành viên. Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh đây là mô hình mới của tỉnh Đồng Tháp mong muốn nâng cao trách nhiệm hơn nữa thực hiện Quy chế phối hợp số 1420 đảm bảo thiết thực, hiệu quả công tác phổ biến, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân trong thời gian tới. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân biết và tìm đến tư vấn khi có nhu cầu. Xây dựng nhóm Zalo công việc giữa các cơ quan phối hợp để kịp thời thông tin, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Quy chế. Đồng thời, xem xét sửa đổi Quy chế phối hợp số 1420 mở rộng thời gian trực tiếp công dân, từ trực 2 ngày/tuần thống nhất sửa đổi trực 5 ngày/tuần, xem xét đề nghị khen thưởng cá nhân, tổ chức trong hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân. Mở rộng tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân tại 02 Chi nhánh Trợ giúp pháp lý của Trung tâm TGPLNN nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân khi có nhu cầu./.
Kim Cương