Thực hiện Kế hoạch số 32/KH-BĐHBVTE ngày 21 tháng 6 năm 2022 của Ban Điều hành Bảo vệ Trẻ em huyện Lấp Vò về việc tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng tránh xâm hại, bạo lực trẻ em trên địa bàn Huyện năm 2022. Sáng ngày 26 tháng 5 năm 2022, Ban Điều hành Bảo vệ Trẻ em huyện Lấp Vò phối hợp với Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam – Cơ quan thường trực phía Nam (Câu lạc bộ Luật sư, Luật gia, Hội thẩm nhân dân) tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến pháp luật với chuyên đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” tại 02 xã Mỹ An Hưng A và Mỹ An Hưng B.
Tham dự phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến pháp luật, về phía Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam có Luật sư Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng cơ quan thường trực phía Nam, cùng Câu lạc bộ Luật sư, Luật gia, Hội thẩm nhân dân thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; Về phía huyện Lấp Vò có bà Trương Thị Diệp, Phó Chủ tịch UBND Huyện – Trưởng ban Điều hành Bảo vệ Trẻ em Huyện, đại diện Phòng Tư pháp, Phòng Giáo dục – Đào tạo, Phòng Văn hóa và Thông tin, Hội Liên Hiệp phụ nữ Huyện, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Huyện, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh Huyện, đại diện lãnh đạo UBND xã, cán bộ, công chức Văn hóa – Xã hội (phụ trách Lao động – TB&XH) và 300 người đại diện cho các gia đình và trẻ em có nguy cơ lâm vào hoàn cảnh bị xâm hại, bạo lực thuộc 02 xã Mỹ An Hưng A và Mỹ Anh Hưng B.
Tại phiên tòa giả định, Hội đồng xét xử đã đưa ra xét xử giả định một trường hợp bị cáo có hành vi vi phạm xâm hại giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, đồng thời Ban Tổ chức phân phát trên 300 tài liệu miễn phí về phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em cho những người tham dự phiên tòa. Thông qua phiên tòa giả định đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các gia đình và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ lâm vào hoàn cảnh bị xâm hại, bạo lực hiểu biết thêm về những quy định của pháp luật về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, từ đó giúp cho cho gia đình và trẻ em được trang bị thêm các kiến thức về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em và nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của gia đình, bản thân trẻ em trong việc phòng, chống các nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ em hiện nay.
Qua hình thức phiên tòa giả định đã nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần giảm thiểu tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, giúp các em được sống an toàn, phát triển toàn diện./.
Lê Thành Nhân