Năm 2016, Xuân Hòa Hội quán đầu tiên được thành lập đầu tiên tại xã Trường Xuân huyện Tháp Mười, đến nay trong toàn huyện đã có 05 Hội quán với trên 250 thành viên tham gia.
Những Hội quán được thành lập ở Huyện trong thời gian qua là hình thức liên kết tự nguyện của nông dân nhằm chia sẻ những kiến thức trong sản xuất, mô hình kinh tế, kỹ thuật chăm sóc, văn hóa đời sống…, và hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, nắm bắt thông tin thị trường… Đây là mô hình tự nguyện tham gia của người dân với mong ước là hướng đến sự liên kết trong sản xuất, tăng năng suất lao động và có liên kết trong tiêu thụ nông sản. Thời gian sinh hoạt của Hội quán rất linh hoạt, tùy theo điều kiện, các thành viên tự thỏa thuận, không ảnh hưởng đến việc sinh kế, mùa màng, ruộng vườn, gia đình…
Nhằm tạo điều kiện cho các Hội quán hoạt động, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tập huấn công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cung cấp thông tin về thị trường… hỗ trợ giải quyết khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội quán, ký hợp đồng thực hiện các cuộc Tọa đàm các vấn đề sản xuất nông nghiệp ở các Hội quán, giúp các Hội quán ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, hoạt động chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả và tự tin hơn trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.
Qua thời gian hoạt động, cho thấy mô hình Hội quán đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện Chương trình xây dưng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đó là góp phần phát triển kinh tế, thông qua Hội quán tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, cách kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm… từ đó người dân thay đổi dần quy trình sản xuất truyền thống, giá cả không ổn định; Hội quán đã giúp chuyển biến nhận thức của nông dân sản xuất theo hướng công nghệ cao, theo quy trình hữu cơ sinh học, xây dựng quy hoạch, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp phân phối, chế biến với các nhà sản xuất, hộ nông dân, giúp kinh tế ngày càng phát triển.
Đồng thời mô hình Hội quán cũng đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống người dân. Từ mô hình Hội quán cũng tạo thuận lợi cho công tác phối hợp để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, rút ngắn khoảng cách giữa người dân và chính quyền. Các Hội quán đã phối hợp với Phòng Tư pháp, các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương lồng ghép tuyên truyền, thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp./.
Minh Thuận