Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực, để bảo đảm các quy định của Luật được áp dụng chính xác, thống nhất và thực hiện tốt vai trò quản lý trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước. Ngày 23 tháng 12 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2013/NĐ-CP. Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định một số điểm mới như sau:
– Thứ nhất, về tổ chức vi phạm hành chính, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể đối với đối tượng là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc theo sự chỉ đạo điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì đối tượng bị xử phạt là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện. Trường hợp, thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.
– Thứ hai, bổ sung quy định áp dụng văn bản pháp luật để xử phạt, việc lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; trường hợp vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được nghị định áp dụng theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì việc lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng cách dựa vào việc xác định hành vi đang thực hiện hay hành vi đã kết thúc, tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể việc xác định hành vi đang thực hiện, hành vi đã kết thúc.
– Thứ ba, Nghị định số 118/2021/NĐ- CP đã có quy định hướng dẫn việc xác định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ:
+ Khi xác định mức tiền phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được trừ một tình tiết tăng nặng.
+ Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm đó. Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
– Thứ tư, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính đối với từng trường hợp cụ thể, kể từ khi phạt hiện hành vi vi phạm hành chính. Trước đây, không quy định cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính nên người có thẩm quyền từ khi phát hiện đến lúc lập biên bản thời gian rất dài.
– Thứ năm, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định giống như Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, Nghị định 97/2017/NĐ-CP về thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền ban hành quyết định có sai sót; tuy nhiên Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đã bổ sung các trường hợp không áp dụng thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định, như sau:
+ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả.
+ Có quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định.
+ Có kết luận nội dung tố cáo của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định.
+ Có bản án, quyết định của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định bị khởi kiện.
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đã được Sở Tư pháp cập nhật, triển khai kịp thời trên Trang Thông tin điện tử của Sở, Mục Chuyên mục Xử lý vi phạm hành chính tại địa chỉ: http://thidua.stp.dongthap.gov.vn/xlvphc/.
Tuyết Ngân