Tình huống hòa giải ở cơ sở

Anh Hòa sinh ngày 01 tháng 01 năm 2001 và chị Hợp sinh ngày 01 tháng 01 năm 2003 cùng ngụ tại ấp 4, xã T, huyện S, chung sống với nhau như vợ chồng và có một con chung là cháu Na vừa tròn 13 tháng tuổi, trong quá trình chung sống với nhau hai người thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn ngày càng căng thẳng chị Hợp đòi ly hôn. Cha mẹ hai bên đã hòa giải nhưng không thành, anh Hòa không muốn ly hôn nên ngày 20/8/2020 cùng mẹ ruột anh đến nhờ Tổ Hòa giải ấp 4 hòa giải giúp anh Hòa và chị Hợp hàn gắn tình nghĩa vợ chồng để nuôi con khôn lớn. Tổ Hòa giải ấp 4 thụ lý và tiến hành tổ chức hòa giải theo yêu cầu của anh Hòa. Hỏi vụ việc này Tổ Hòa giải ấp 4 thụ lý giải quyết là đúng hay sai? Tại sao?

Gợi ý:

1. Phân tích, xác định lĩnh vực xử lý tình huống

Tổ Hòa giải ấp 4 thụ lý hòa giải đối với vụ việc mâu thuẫn trong gia đình của anh Hòa sinh ngày 01 tháng 01 năm 2001 và chị Hợp sinh ngày 01 tháng 01 năm 2003 cùng ngụ tại ấp 4 của mình theo quy định pháp luật.

Đây là vụ việc có liên quan đến pháp luật về hôn nhân và gia đình, xác định phạm vi hòa giải của Tổ Hòa giải ở cơ sở.

2. Căn cứ pháp lý

Theo điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định: Không hòa giải các trường hợp: Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 19 tháng 6 năm 2014 quy định:

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 (Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên).

Tại điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 19 tháng 6 năm 2014 quy định: Cấm các hành vi Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.

3. Giải thích đúng, sai

Trong trường hợp này căn cứ theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở thì Tổ Hòa giải ấp 4 thụ lý và tổ chức hòa giải là sai quy định.

Bởi vì: Anh Hòa sinh ngày 01 tháng 01 năm 2001 nếu tính đến thời điểm nhận đơn yêu cầu hòa giải là ngày 20/8/2020 thì mới 19 tuổi và chị Hòa sinh ngày 01/01/2003 chỉ được 17 tuổi. Như vậy so với quy định đây là hành vi “Tảo hôn” thuộc hành vi bị cấm theo điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 19 tháng 6 năm 2014 (Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 19 tháng 6 năm 2014 quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 (Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên).(10 điểm).

Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định: Không hòa giải các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Từ những quy định trên thì vụ việc trong tình huống này thuộc một trong những trường hợp không hòa giải, vì vậy Tổ Hòa giải ấp 4 thụ lý hòa giải là sai quy định pháp luật.

Phương Thịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *