Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật là phòng chuyên môn của Sở Tư pháp. Phòng được thành lập từ ngày 01 tháng 7 năm 2014, theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Phòng có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
Ngày 10 tháng 8 năm 2021, Giám đốc Sở Tư pháp ký Quyết định số 77/QĐ-STP ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở Tư pháp, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, quy định còn bổ sung thêm 02 chức năng, nhiệm vụ mới đối với Phòng, gồm: Giúp Ban Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án dân sự, hành chính theo quy định pháp luật và quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương do Bộ Tư pháp ban hành; quản lý về bồi thường nhà nước, cụ thể:
1. Hướng dẫn, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước theo quy định pháp luật;
2. Hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong phạm vi địa phương; đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương;
3. Đề xuất Ban giám đốc trình Ủy ban nhân dân Tỉnh xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định pháp luật; tham gia vào việc xác minh thiệt hại khi được cơ quan giải quyết bồi thường đề nghị; tham gia thương lượng việc bồi thường tại địa phương thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân Tỉnh;
4. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước;
5. Đề xuất Ban giám đốc trình Ủy ban nhân dân Tỉnh kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường, kiến nghị thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ xem xét lại quyết định hoàn trả, giảm mức hoàn trả theo quy định pháp luật; yêu cầu thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường theo quy định pháp luật;
6. Giúp Ban giàm đốc Sở, tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
Thi hành án dân sự, hành chính và bồi thường nhà nước là 02 nhiệm vụ mới tiếp cận của Phòng, để triển khai thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả đòi hỏi các công chức của Phòng phải nhanh chóng tiếp cận với quy định của pháp luật để đảm bảo chủ động tham mưu, thực sự có hiệu quả, qua đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Tuyết Ngân