Nhà ông T và bà H là hai hộ liền kề, ranh giới giữa hai nhà là hàng hoa dâm bụt được trồng từ hơn 10 năm nay. Để chuẩn bị tổ chức lễ cưới cho con trai, ông T đề nghị cho phá hàng hoa dâm bụt để xây tường rào chung, nhưng bà H không đồng ý. Theo bà H, ông T muốn xây tường thì cứ xây trên phần đất nhà mình, nếu phá hàng hoa dâm bụt sẽ lấn sang phần đất nhà bà. Ông T cho rằng hàng hoa dâm bụt là ranh giới chung giữa 2 gia đình, việc xây tường rào là vì lợi ích chung nên ông vẫn xây tường, kể cả bà H không đồng ý. Hôm ông T xây dựng tường rào, bà H đã ngăn cản, không cho tiến hành dẫn đến cải vã to tiếng và nguy cơ xảy ra xung đột. Nếu được giao hòa giải vụ việc, ông/bà sẽ làm thế nào?
Gợi ý hòa giải:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân và lĩnh vực hòa giải.
Nhà ông T và bà H là 02 hộ liền kề, ranh giới giữa hai nhà là hàng rào dâm bụt được trồng từ hơn 10 năm nay. Để tạo vẻ mỹ quan ông T đề nghị cho phá hàng rào dâm bụt để xây tường rào chung, nhưng bà H không đồng ý nên dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột. Đây là vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự có liên quan đến đất đai.
2. Căn cứ pháp lý
Theo khoản 1, 2 Điều 176 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mốc giới ngăn cách các bất động sản:
1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.
Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.
3. Hướng hòa giải
Phân tích và giải thích cho ông T hiểu việc ông tự nguyện bỏ kinh phí, công sức xây dựng tường rào là để sạch đẹp, kiên cố và đảm bảo an toàn cho cả 02 gia đình, đồng thời là sở hữu chung của hai gia đình là việc làm rất tốt, tuy nhiên nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ. Do vậy, ông T không được tự ý xây dựng hàng rào mà phải chủ động thuyết phục để bà H hiểu được ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng tường rào và đồng ý thì ông mới tiến hành xây dựng.
Động viên bà H nên đồng ý để ông T xây tường rào, tạo vẻ mỹ quan cho cả nhà ông T và nhà bà, chỉ cần bà đồng ý vì ông T đã chịu chi phí xây dựng nên việc xây tường rào bà H chỉ có lợi mà không có hại gì. Đồng thời theo quy định nếu bà H không đồng ý thì phải nêu được lý do chính đáng như vậy mới đúng quy định pháp luật.
Động viên đôi bên đạt thoả thuận chung trong việc xây dựng tường rào trên ranh giới thửa đất, vận dụng câu thành ngữ “Bà con xa không bằng láng giềng gần” hay “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Phương Thịnh