Mâu thuẫn xảy ra giữa bà Duyên và ông Thanh về hợp đồng bao tiêu thu mua toàn bộ Xoài của ông Thanh với giá 100 triệu đồng và bà Duyên đã đặt cọc trước cho ông Thanh 40 triệu đồng (có giấy biên nhận). Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, do thấy Xoài được giá, ông Thanh đề nghị nâng giá trị của hợp đồng lên 130 triệu đồng thì ông mới bán, nếu không, ông Thanh sẽ trả lại 40 triệu tiền đặt cọc và đơn phương chấm dứt hợp đồng đã ký. Bà Duyên không đồng ý, hai bên xảy ra mâu thuẫn. Trong tình huống này, là Hòa giải viên, ông (bà) sẽ hòa giải vụ, việc trên như thế nào?
Gợi ý hòa giải:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân và lĩnh vực hòa giải
Bà Duyên đã đặt cọc trước cho ông Thanh 40 triệu đồng (có giấy biên nhận) về hợp đồng bao tiêu thu mua toàn bộ Xoài với giá 100 triệu đồng. Đến kỳ thu hoạch, do thấy Xoài được giá, ông Thanh đề nghị nâng giá trị của hợp đồng lên 130 triệu đồng thì ông mới bán, nếu không, ông Thanh sẽ trả lại 40 triệu tiền đặt cọc và đơn phương chấm dứt hợp đồng đã ký. Bà Duyên không đồng ý, hai bên xảy ra mâu thuẫn.
Vụ việc này thuộc lĩnh vực dân sự.
2. Căn cứ pháp lý
Theo Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
– Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
– Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Hướng hòa giải
Phân tích, giải thích các quy định pháp luật về đặt cọc để ông Thanh và bà Duyên hiểu được vấn đề sau:
– Nếu ông Thanh từ chối giao kết thực hiện nội dung hợp đồng đã thỏa thuận thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc (tức là trả lại 40 triệu đồng đặt cọc trước và thêm 40 triệu đồng nữa, tổng cộng là 80 triệu đồng). Nếu ông Thanh không đồng ý thì phải thực hiện nội dung hợp đồng theo nội dung đã thỏa thuận.
– Việc ông Thanh yêu cầu trả thêm 30 triệu đồng do Xoài tăng giá thì đây là yêu cầu cá nhân của ông Thanh không được ghi nhận trong hợp đồng.
Qua việc giải thích quy định của pháp luật để hai bên biết mà thực hiện đúng quy định, đồng thời Hòa giải viên thuyết phục để cả hai có thể cùng thương lượng tìm hướng giải quyết hợp lý, trên tinh thần cảm thông, chia sẻ với nhau, tiếp tục thực hiện thỏa thuận ban đầu, không nên làm lớn chuyện, kiện tụng ra Tòa, ảnh hưởng đến tình nghĩa láng giềng lâu năm, đúng với câu “Hòa khí sinh tài”, giữ hòa khí để bà Duyên mua bán thuận lợi hơn và ông Thanh sau này làm ăn và mua bán sẽ gặp may mắn hơn.
Phương Thịnh