Tình huống hòa giải ở cơ sở

Chị hai Lúa nuôi vịt lấy trứng, một hôm lùa đàn vịt về, bà thấy có khoảng 50 con vịt lạ lạc vào đàn vịt của mình, chị đi hỏi các gia đình gần đó và báo với cán bộ xã để thông báo trên loa truyền thanh xã nhưng mãi không có ai đến nhận nên bà đành phải nuôi 50 con vịt lạc đó. Mười ngày sau, chị năm Nếp đến xin nhận lại 50 con vịt bị thất lạc, sau khi nêu điểm đặc trưng của vịt nhà chị năm Nếp, thấy đúng, chị hai Lúa đồng ý trả lại vịt. Nhận vịt, chị năm Nếp yêu cầu chị hai Lúa trả lại số trứng mà 50 con vịt của bà đã đẻ trong 10 ngày, chị hai Lúa không đồng ý vì mặc dù vịt có đẻ nhưng bà phải mất công nuôi và cho ăn nên bù trừ đi là vừa đủ, chị năm Nếp không đồng ý dẫn đến hai bên cãi vã, mâu thuẫn. Trong tình huống này, là Hòa giải viên, ông (bà) sẽ hòa giải vụ, việc trên như thế nào?

Gợi ý hòa giải:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân và lĩnh vực hòa giải

Chị năm Nếp phát hiện đàn vịt 50 con thất lạc của mình được chị hai Lúa nuôi giữ, chị năm Nếp đến yêu cầu chị hai Lúa trả lại 50 con vịt thất lạc và số trứng vịt do 50 con vịt đã đẻ, chị hai Lúa chỉ đồng ý trả 50 con vịt mà không chịu trả phần trứng do vịt đẻ vì cho rằng số trứng đó bù vào công chăm sóc và chi phí cho 50 con vịt ăn trong 10 ngày. Đây là vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự.

2. Căn cứ pháp lý

Theo Điều 232, Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc:

– Trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc mà người khác bắt được thì người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu đối với gia cầm và hoa lợi do gia cầm sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia cầm.

– Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia cầm bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và chi phí khác cho người bắt được gia cầm. Trong thời gian nuôi giữ gia cầm bị thất lạc, người bắt được gia cầm được hưởng hoa lợi do gia cầm sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia cầm.

3. Hướng hòa giải

– Phân tích để chị năm Nếp và chị hai Lúa hiểu những quy định pháp luật về xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc.

– Việc chị hai Lúa phát hiện 50 con vịt lạc vào đàn vịt nhà mình và đã báo cho Ủy ban nhân dân xã để thông báo cho người mất, đồng thời nuôi giữ số vịt nói trên chờ người đến nhận là đúng quy định của pháp luật, và khi biết được 50 con vịt đó là của chị năm Nếp, chị hai Lúa đã tự nguyện trả lại cho người bị mất vịt là hoàn toàn phù hợp với đạo lý.

Theo quy định của pháp luật khi chị năm Nếp nhận lại gia cầm bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và chi phí khác cho người bắt được gia cầm là chị hai Lúa. Tuy nhiên chị hai Lúa không yêu cầu chị phải thanh toán.

– Đối với số trứng do 50 con vịt đẻ trong 10 ngày, theo quy định của pháp luật thì người bắt được gia cầm (tức là chị hai Lúa) được hưởng tất cả số trứng do gia cầm sinh ra.

Phân tích để chị năm Nếp thấy rằng: chị hai Lúa đã không yêu cầu chị năm Nếp thanh toán chi phí nuôi 50 con vịt trong 10 ngày, chỉ yêu cầu chị năm Nếp không lấy lại số trứng mà 50 con vịt đã đẻ trong 10 ngày là phù hợp với quy định pháp luật nên chị Năm Nếp cũng phải biết ơn việc chị hai Lúa đã làm cho mình, từ đó, Tổ hòa giải thuyết phục chị năm Nếp vui vẻ nhận lại 50 con Vịt thất lạc của mình và bỏ qua suy nghĩ đòi lại số trứng vịt để cả hai cùng hài hòa thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm.

Phương Thịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *