Vì thương hoàn cảnh hai mẹ con bà A mẹ góa con côi không còn người thân thích bà con nào khác nên bà B đã cho mẹ bà A vay 01 cây vàng, không tính lãi để mẹ bà A có thêm vốn nhập hàng về bán. Thời hạn vay là 06 tháng, việc vay vàng có giấy viết tay. Ba tháng sau, trong một tai nạn giao thông, mẹ bà A đột ngột qua đời và để lại căn nhà và tiệm tạp hóa cho bà A (vì bà A là người thừa kế duy nhất). Đến thời hạn trả nợ, bà B mang giấy vay vàng đến yêu cầu bà A trả nợ. Bà A không đồng ý trả vì việc vay vàng là do mẹ bà vay chứ bà không vay. Mẹ bà đã mất nên bà không có nghĩa vụ phải trả nợ thay. Sau nhiều lần đòi không được, bà B đã tìm đến Tổ hòa giải đề nghị giúp đỡ. Trong tình huống này, là Hòa giải viên, ông (bà) sẽ hòa giải vụ, việc trên như thế nào?
Gợi ý hòa giải:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân và lĩnh vực hòa giải.
Mâu thuẫn xảy ra giữa bà B và bà A, bà B cho mẹ của bà A vay 01 cây vàng (không tính lãi) vay thời hạn 06 tháng, nhưng sau 03 tháng thì mẹ bà A (người vay) đã mất, bà B đến yêu cầu bà A trả nợ do bà A là người thừa kế duy nhất của người chết, mà người chết để lại tài sản trị giá mấy trăm triệu đồng.
Vụ việc này liên quan đến lĩnh vực dân sự.
2. Căn cứ pháp lý:
Theo khoản 1 Điều 119, Điều 463, 614, khoản 1 Điều 615 của Bộ Luật dân sự năm 2015 quy đinh:
Khoản 1, Điều 119 “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”
Điều 463:Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Điều 614:Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Khoản 1 Điều 615 quy định: Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Hướng hòa giải
Mẹ bà A vay của bà B 01 cây vàng trong thời hạn 06 tháng, có giấy viết tay vay vàng của mẹ bà A, nghĩa là giữa mẹ bà A và bà B đã ký kết hợp đồng vay tài sản. Hợp đồng vay tài sản giữa hai người được ký kết thông qua hình thức bằng văn bản, như vậy hợp đồng vay tài sản giữa bà B và mẹ bà A là đúng quy định của pháp luật. Vậy theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ của người vay tài sản thì mẹ bà A phải trả tài sản vay cho bà B đúng thời hạn mà hai bên đã thỏa thuận. Tuy nhiên, khi chưa đến thời hạn vay thì mẹ bà A đã qua đời dẫn đến việc mẹ bà A không thực hiện nghĩa vụ cho bà B được.
Vì vậy, khi đến hạn trả nợ, bà B có quyền yêu cầu người thừa kế là bà A (vì bà A là con và người thừa kế duy nhất) thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mẹ bà trong phạm vi tài sản được thừa kế của mẹ bà A để lại.
Giải thích, hướng dẫn hai bên hiểu quyền và nghĩa vụ của mình. Việc bà B yêu cầu bà A trả nợ là phù hợp với pháp luật. Trường hợp này nên hướng dẫn bà A thừa kế di sản của mẹ bà để lại và có trách nhiệm trả nợ cho bà B 01 cây vàng theo hợp đồng cho vay giữa bà B và mẹ bà A khi còn sống bởi vì người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại (theo tình huống thì mẹ bà A để lại căn nhà và tiệm tạp hóa trị giá mấy trăm triệu đồng), mặt khác, bà B đã có tinh thần tương trợ, giúp đỡ mẹ bà A khi khó khăn, cho vay không tính lãi là một việc làm đáng trân trọng, bà A phải thay mẹ mình trả nợ vàng và phải nhớ ơn nghĩa của bà B mới đúng đạo lý.
Ban Biên tập