Thưa Chủ toạ kỳ họp,
Thưa quý vị đại biểu và các vị khách quý
Hôm nay, tôi rất vinh dự đứng trên bục này, phát biểu trong một kỳ họp quan trọng của Hội đồng nhân dân Tỉnh. Quan trọng, vì đây vừa là kỳ họp cuối năm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, vừa là kỳ họp đầu tiên sau Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Quan trọng, vì kỳ họp này sẽ quyết định một bước nhân sự chủ chốt, những người sẽ lãnh đạo, điều hành chính quyền cấp Tỉnh khoá mới. Quan trọng, vì chúng ta sẽ chia tay và gửi lời tri ân đến với những đồng chí chuẩn bị kết thúc nhiệm vụ của mình, sau những tháng năm cùng nhau đưa Đất Sen Hồng vươn lên tầm cao mới.
Thưa quý vị đại biểu,
Năm năm là một chặng đường không dài trong lịch sử một địa phương. Năm năm đó, chúng ta cùng nhau trăn trở, cùng nhau tìm kiếm con đường và cùng nhau đi một đoạn hành trình đáng nhớ, dù không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm năm đó, chúng ta luôn xác định không “mặc đồng phục” trong công tác triển khai đường lối, chủ trương, kế hoạch từ bên trên, mà không ngừng tìm tòi, ứng dụng cách làm phù hợp với đặc điểm, tình hình riêng của địa phương mình. Năm năm đó, chúng ta phát hiện ra những điểm nghẽn, nhận diện những lối mòn trong tư duy, để từ đó, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm từ trong hệ thống ra ngoài xã hội.
Thay đổi không bao giờ là dễ dàng cả. Không dễ dàng, vì không có khuôn mẫu định sẵn. Không dễ dàng, vì chúng ta đã quá quen với nếp nghĩ chấp hành mệnh lệnh từ cấp trên, làm khác đi sẽ gặp nhiều rủi ro. Không dễ dàng, vì bao giờ cũng có sức ì quán tính bám víu vào mỗi người. Không dễ dàng, vì trên hành trình bao giờ cũng có những chặng quanh co, khúc khuỷu, dễ bị phân tâm, dễ mỏi mệt dừng lại, thậm chí bỏ cuộc. Chúng ta cũng có lúc giằng co, trăn trở, phản biện nhau, thuyết phục nhau, chờ đợi nhau, kiên nhẫn với nhau, để rồi cuối cùng đạt được sự đồng thuận chung. Chúng ta biết vượt qua sự khác biệt bằng cách khuyến khích cái mới mẻ, bằng cách hun đúc nhau, cổ vũ nhau, cùng nhau vượt qua những định kiến để tạo ra nhiều ý tưởng mới, mô hình mới, được Trung ương đánh giá cao, được người dân đồng thuận.
Thưa quý vị đại biểu,
Năm năm qua, chúng ta cùng nhau hiện thực hoá “Giấc mơ Sen”. Chúng ta kích hoạt sự năng động và tinh thần hợp tác trong mọi giai tầng xã hội. Tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng, cách nghĩ cho người khác, hướng đến tạo lập một xã hội hài hoà đã lan toả trong cộng đồng dân cư. Chúng ta tự hào khi các mô hình Hội quán, Tổ nhân dân tự quản, Cà phê doanh nghiệp đi vào cuộc sống như một luồng gió mới hướng đến sự hài hoà giữa ba chủ thể: “Chính quyền – Thị trường – Xã hội”, tiến đến kích hoạt vai trò quản trị địa phương theo phương châm “Cùng nhau xây dựng – Cùng nhau quản lý – Cùng nhau thụ hưởng”. Chúng ta bắt đầu biết trân trọng nguồn vốn văn hoá, nguồn vốn xã hội, xem đây là tiền đề chuyển hoá thành nguồn lực phát triển. Những thành công bước đầu đó giúp chúng ta thêm tự tin để đưa ra mục tiêu “Xây dựng nền văn hoá, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo”.
Năm năm qua, chúng ta trân trọng sự tiến bộ và trưởng thành của đội ngũ lãnh đạo trẻ, giàu trí tuệ hơn, năng động hơn, khát vọng hơn. Chúng ta trân trọng sự tận tuỵ, mẫn cán của đội ngũ công chức, viên chức trong các cơ quan đơn vị. Phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức” đã thẩm thấu vào các cơ quan công quyền. Nhờ đó, trong nhiều chỉ số đánh giá về năng lực cạnh tranh, đề cao tính cải cách, Đồng Tháp luôn được xếp trong nhóm dẫn đầu cả nước nhiều năm liền. Chúng ta trân trọng lực lượng nông dân biết hợp tác cùng nhau trong cuộc sống và trong sản xuất kinh doanh, biết thay đổi tập quán làm nông nghiệp truyền thống để hướng đến nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, an toàn. Chúng ta trân trọng sự năng động, dấn thân, trách nhiệm xã hội của lực lượng doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp vì sự phát triển của quê hương.
Năm năm qua, những quyết sách lớn như Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, đưa lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài đã lan toả sâu rộng trong xã hội. Đó là nền tảng cho nhiệm kỳ sau kế thừa, bổ sung những giá trị mới và tăng tốc. Một đồng chí lãnh đạo cấp cao nhận định rằng Đồng Tháp cũng làm những việc tương tự như các địa phương khác, nhưng biết đưa vào những sáng kiến của riêng mình và luôn ẩn chứa những giá trị cốt lõi cho tương lai. Tôi nghĩ đây là một nhận định rất đúng đối với những quyết sách của chúng ta, và tôi kỳ vọng thế hệ lãnh đạo nhiệm kỳ tới sẽ làm tốt hơn nữa, tự tin hơn nữa, đi nhanh hơn nữa để viết tiếp câu chuyện “Giấc mơ Sen”.
Thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý,
Chúng ta nên nhất trí với nhau rằng, một nhiệm kỳ 5 năm mới bắt đầu từ hôm nay mà không phải chờ đến Kỳ họp Hội đồng nhân dân Tỉnh khoá mới. Ngoài kia gió đang thổi, cuộc sống không chờ đợi chúng ta. Người dân đã tin tưởng trao cho chúng ta trách nhiệm “phải vượt lên phía trước”. Chúng ta không được chần chừ, mà phải tranh thủ từng khoảng thời gian quý giá. Có một nghiên cứu cho rằng mỗi người “chúng ta có rất nhiều khả năng mà chính chúng ta không ngờ, và phần đông chỉ dùng tới khoảng một phần mười khả năng của mình thôi”. Tôi cũng cho là như vậy khi quan sát năng lực của đội ngũ cán bộ công chức tỉnh nhà. Có phải chăng, chín phần còn lại chưa được kích hoạt là do cách nghĩ “tiền nào của đó”, bởi sự so đo thiệt hơn khiến thái độ làm việc lừng chừng, không còn nhiệt quyết. Có phải chăng, chín phần còn lại chưa được kích hoạt là do môi trường làm việc trong công sở còn đơn điệu, nặng nề, làm mất đi ít nhiều niềm hứng khởi trong công việc? Có phải chăng chính sự tự bằng lòng đang thiêu rụi khát vọng trong mỗi chúng ta? Có một câu nói của một doanh nhân nổi tiếng mà tất cả cùng nhau suy ngẫm: “Khi không thấy vấn đề chính là vấn đề lớn nhất”. Chúng ta có nhìn thấy vấn đề gì cần phải sửa chửa, cần phải làm mới, cần phải tìm ra giải pháp đổi mới cho ngành mình, địa phương mình chưa hay vẫn để thời gian cứ trôi đi một cách lặng lẽ trong khi người dân đang trông chờ, kỳ vọng vào những người được đặt tên là “công bộc” của dân?
Văn hoá công sở, suy cho cùng, chính là môi trường kích hoạt niềm đam mê công việc, khát vọng cống hiến, tinh thần dấn thân, sự tôn trọng, sẻ chia trong công sở, giữa các cộng sự với nhau. Vượt qua những điễm nghẽn đó, chúng ta sẽ kích hoạt chín phần còn lại, đánh thức nguồn năng lượng tiềm tàng trong mỗi người, chúng ta sẽ “dốc hết sức” chứ không chỉ là “cố hết sức” trong chặng đua mà đích vẫn còn xa. Và khi ấy Đồng Tháp Sen Hồng sẽ đủ sức mạnh bay cao, bay xa hơn nữa. Khi ấy, mỗi người, nhất là người đứng đầu, dám chấp nhận và tìm một công việc khó, tự đặt mình vào những hoàn cảnh khó khăn, tức là cho mình cơ hội để tận dụng, phát huy hết khả năng của bản thân.
Thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý,
Tôi chia sẻ những tâm tư trên, để muốn nói rằng trước khi bắt tay triển khai một công việc gì thì cần chuẩn bị một tâm thế tốt nhất, nguồn năng lượng dồi dào nhất, tìm ra giá trị cốt lõi nhất của công việc. Có như vậy chúng ta sẽ không làm theo kiểu cho xong việc, mà làm sao cho hiệu quả nhất, tối ưu nhấ. Có một chuyên gia cho rằng: “làm cho xong, cho rồi là tư duy của người thất bại”. Ngay bây giờ, mỗi người, nhất là người đứng đầu ngành, địa phương phải đặt ra những câu hỏi: “Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta muốn đi đến đâu? Chúng ta đi đến đó bằng cách nào?”. Chiến lược phát triển của ngành, địa phương, suy cho cùng, là để trả lời cho những câu hỏi đó. Và, phương châm “giá trị xanh từ những tiềm năng xanh” cũng chờ chúng ta hiện thực hoá bằng một chiến lược đồng bộ, đa ngành, đa lĩnh vực.
Đồng Tháp là tỉnh đi lên từ nông nghiệp và nhiều năm nữa vẫn dựa vào nông nghiệp. Nhưng đó phải là một nền nông nghiệp khác, một nền nông nghiệp giá trị, hướng đến hội nhập. Để hiện thực hoá định hướng đó phải bắt đầu trả lời những câu hỏi: “Nông nghiệp Đồng Tháp đang ở đâu? Nông nghiệp Đồng Tháp muốn đến đâu? Nông nghiệp Đồng Tháp đi đến đó bằng cách nào?”. Ai sẽ là người trả lời những câu hỏi đó? Phải chăng đó là ngành nông nghiệp và chỉ có ngành nông nghiệp? Không, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trả lời câu hỏi đó! Bởi vì, nông nghiệp theo tư duy mới, không chỉ là trồng trọt, chăn nuôi, là chuyện bán, chuyện mua, chuyện chất lượng, giá cả. Nông nghiệp theo nghĩa rộng hơn, còn có sự tương tác với khoa học công nghệ, là công nghiệp nông nghiệp, du lịch nông nghiệp, là thương mại dịch vụ phục vụ nông nghiệp, là làng nghề nông thôn, là giá trị văn hoá lịch sử, truyền thống xã hội nông thôn. Nếu đô thị phản ảnh văn minh của một đất nước thì nông thôn được xem là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống văn hoá lịch sử. Bà con nông dân cần ở chúng ta hơn những lời thương cảm, đó là sự vào cuộc của tất cả chúng ta.
Thay vì phán xét thì mỗi ngành, mỗi tổ chức, mỗi người hãy hành động! “Muốn bớt cỏ dại, phải trồng thêm hoa”, “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”. Những triết lý đó phải thẩm thấu vào tâm thức mỗi người chúng ta. Tôi rất ấn tượng với đoạn phim nói về phong trào Làng Mới của Hàn Quốc khi nhìn thấy cảnh tất cả bộ trưởng ngồi học về ý nghĩa “Chăm chỉ – Tự lực – Hợp tác”, giá trị cốt lõi của Làng Mới. Và giá trị ấy tiến dần từ nông thôn ra đô thị, vào tận các công sở, trở thành giá trị tinh thần để Hàn Quốc hoá rồng. Tư duy hệ thống và hành động hệ thống là như vậy. Tôi mong rằng lãnh đạo nhiệm kỳ tới mở nhiều lớp cập nhật kiến thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chứ không chỉ dừng lại ở quán triệt các nghị quyết. Và tôi cũng mong rằng đội ngũ cán bộ kể cả đại biểu dân cử luôn háo hức học tập, tìm kiếm tri thức mới. Một doanh nhân nổi tiếng đúc kết rằng “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng nhỏ. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng lớn”.
Tôi tự hào khi một đồng chí lãnh đạo nhắc đến tinh thần chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” là sáng kiến của Đồng Tháp và nay đã được đưa vào Nghị quyết 120/NQ-CP về “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” và tinh thần đó được đưa dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Phương châm chuyển đổi nông nghiệp: “tăng chất lượng – giảm chi phí” đã được chúng ta theo đuổi từ khi triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đã thành công bước đầu. “Tư duy kinh tế nông nghiệp” quan tâm đến việc tạo ra giá trị cao hơn trên một đơn vị diện tích. Giá trị đó không chỉ đến từ sản lượng thu hoạch mà phải đến từ những giá trị gia tăng khác. Một nền nông nghiệp theo tư duy kinh tế cần đến lực lượng nông dân chuyên nghiệp đang từng bước được hình thành.
Chuyển đổi nông nghiệp theo tư duy mới không thể đạt kết quả trong một vài mùa vụ. Chúng ta phải kiên trì con đường đã chọn, từng bước định hình một nền nông nghiệp giá trị cao, gia tăng thu nhập cho nông dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đúng, chúng ta phải kiên trì, vì kiên trì không chỉ là kỹ năng, đó còn là thái độ sống, là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, dù có gian nan thử thách, nhưng vẫn nhất quyết làm đến cùng. Lòng kiên trì đối với mỗi người là nhân tố để thành công, để đạt được mục đích mà mình đặt ra. Tôi nhấn mạnh những điều đó vì cảm nhận đây đó trong đội ngũ lãnh đạo các cấp vẫn chưa thật sự thẩm thấu “giá trị cốt lõi” của định hướng chuyển đổi nông nghiệp. Nếu tiếp tục tư duy tăng trưởng nông nghiệp bằng cách tối đa hoá sản lượng thì mãi mãi chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ và tụt hậu, khẩu hiệu tăng trưởng dựa vào chiều sâu mãi mãi vẫn là khẩu hiệu. Nếu còn suy nghĩ “làm nông nghiệp là nghèo” thì lý giải như thế nào khi Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn cần đến lao động Việt Nam sang làm việc trên những hợp tác xã, nông trại của họ? Vì sao một quốc gia sa mạc khô cằn như Israel vẫn xanh ngát những cánh đồng, nông sản của họ vẫn xuất khẩu qua châu Âu?
Để tạo ra nền nông nghiệp giá trị cao, hướng đến hội nhập phải bắt đầu tự nhận thức đi đến hành động. Ông bà mình đã đúc kết: “tư tưởng không thông vác bình tông cũng nặng”. Mọi nỗ lực của chúng ta để trả lời các câu hỏi: “Làm cách nào để tăng chất lượng? Làm thế nào để giảm chi phí?”. Phải chăng, đó là nâng cao chất lượng giống, thay đổi quy trình canh tác, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật hướng đến nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp số. Phải chăng tăng cường công nghệ phân loại, công nghiệp chế biến, ứng dụng thương mại điện tử, khơi thông thị trường… Phải chăng, đó là nâng cao số lượng và chất lượng kinh tế hợp tác nhằm tận dụng sức mạnh “mua chung”, “bán chung”, một triết lý phổ quát của nhân loại từ hơn 150 năm trước. Nếu kinh tế hợp tác phát triển một cách chậm chạp, hoạt động kém hiệu quả thì những cụm từ “sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sức cạnh tranh” sẽ tiếp tục nằm trong các báo cáo kinh tế hàng năm và nhiệm kỳ.
Tôi muốn nhấn mạnh điều này để đề cập đến một chỉ tiêu được tranh luận trước và trong Đại hội XI Đảng bộ Tỉnh. Đó là chỉ tiêu trong nhiệm kỳ thành lập 35 Hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Chỉ tiêu này đã được quyết nghị, tuy nhiên, tôi cho rằng số lượng Hợp tác xã cần phải nhiều hơn. Hợp tác xã chính là lời giải tối ưu nhất cho những câu hỏi: “Làm cách nào để tăng chất lượng? Làm thế nào để giảm chi phí?” mà tôi đã đề cập ở trên. Đây là điều tiên quyết trong chuyển đổi một nền nông nghiệp theo “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Tất nhiên, chúng ta không chạy theo thành tích, số lượng Hợp tác xã được thành lập nhiều nhưng kém chất lượng thì cũng không thể tác động tích cực đến hàng trăm ngàn hộ nông dân.
Hiệu quả hay không hiệu quả, phần lớn do mức độ sát sao của lãnh đạo địa phương, từ tìm ra nhân tố tích cực, rồi cung cấp kiến thức kinh tế, kỹ năng quản trị, thông tin thị trường… Hiệu quả hay không hiệu quả, đến từ việc tháo gỡ từng điểm nghẽn, công tác kết nối thị trường của các ngành chuyên môn. Đừng làm theo kiểu phong trào, thành lập xong rồi để Hợp tác xã tự bơi trong sóng gió của thị trường. Đừng vội phán xét, đừng chỉ bức xúc vì coi chừng chúng ta không vô can trong những yếu kém đó. Đừng chỉ trông chờ, săn đón những “đại bàng”, những nhà đầu tư lớn, mà quên chăm chút cho những “chim sẻ”, đó là Hợp tác xã, là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Phải chăm sóc những “con chim đậu” trước khi nghĩ đến những “con chim bay”. Đó chính là chiến lược phát triển kinh tế nông thôn. Kinh tế nông thôn hợp thành từ các Hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nông nghiệp, du lịch nông nghiệp, dịch vụ nông thôn…
Thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý,
Thế giới đã đi vào nền kinh tế tri thức. Tri thức mang lại giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế trong cả 3 khu vực. Ngày nay, người ta dần định hình những phương thức kinh tế mới gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tương trợ, kinh tế số… Chúng ta cần có lộ trình tiếp cận những phương thức mang lại giá trị gia tăng cao như trên. Đừng e sợ, đừng chần chừ, đừng ngán ngại, trì hoãn theo suy nghĩ “để từ từ tính”.Người khác làm được thì chúng ta phải làm cho bằng được. Tại sao không? Chúng ta thiếu gì, nguồn lực hay bị lối mòn quán tính khiến không thoát ra khỏi cái cũ kỹ để tìm đến cái mới mẻ giá trị hơn? Hình như đâu đó chúng ta không bằng lòng với hiện tại nhưng lại dè dặt, e ngại, ngập ngừng mở con đường mới tiến về tương lai.
Đúng là “có thực mới vực được đạo”, muốn làm điều gì mới thì cũng cần đến nguồn lực, Có thể chúng ta sẽ gặp khó, nhưng “trong cái khó phải ló cái khôn”. Đó là “liệu cơm gắp mắm”, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Đó là huy động nguồn lực xã hội thông qua tư duy mở, phương thức hợp tác công tư. Đừng chỉ chăm bẵm trong nguồn lực hữu hạn từ ngân sách. Nói rộng ra, tư duy mở, phương thức huy động nguồn lực xã hội phải trở thành phản xạ tự nhiên, phải nằm trong các kế hoạch phát triển trong đội ngũ lãnh đạo ngành, địa phương, không chỉ trong vận hành nền kinh tế, mà trong tất cả lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, thể thao, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đào tạo… Người lãnh đạo luôn biết đặt câu hỏi, ngoài ngân sách được cấp thì có cách gì để huy động thêm nguồn lực xã hội, huy động được sáng kiến xã hội. Người lãnh đạo là người không chỉ biết chia phần chiếc bánh nhỏ nhoi, mà phải làm cho chiếc bánh to ra. Phần to ra đó có được từ nguồn lực, sáng kiến của cộng đồng, của xã hội.
Thưa quý vị đại biểu, quý khách dự,
Một nhiệm kỳ, một hành trình đi từ “Thay đổi nhỏ – Kết quả lớn”, rồi “Mới mẽ trong cách nghĩ – Sáng tạo trong cách làm – Nhịp nhàng trong phối hợp”… Chúng ta đã có bước tiến dài trong đổi mới hệ thống. Chúng ta hướng về cơ sở phát huy tinh thần “xuống phố, về làng”, sát sao đời sống xã hội hơn, gắn bó với cơ sở hơn. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn biểu hiện cục bộ ngành, vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm giữa ngành này ngành kia, vẫn trông chờ sự chỉ đạo, phân công từ bên trên, vẫn khuôn cứng, lệ thuộc vào các kế hoạch, chỉ tiêu được giao cho. Trong một thời đại biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ, người lãnh đạo không chỉ biết lập kế hoạch và thực hiện theo kế hoạch một cách xơ cứng mà phải chủ động thích ứng, linh hoạt trong thực hiện kế hoạch.
Chúng ta phải chủ động thay đổi trước khi bị bắt buộc phải thay đổi. Chúng ta phải cùng nhau đưa ra những sáng kiến mới có tính liên ngành, liên xã, liên huyện và cùng nhau tổ chức thực hiện. Chúng ta nhìn nhận vấn đề theo tư duy hệ thống và hành động mang tính hệ thống. Trước khi đưa ra một nhận định, phán xét về một vấn đề nào đó, người lãnh đạo phải tự đặt ra những câu hỏi: “Việc này trách nhiệm của cấp nào, ngành nào? Cấp mình, ngành mình và chính mình có trách nhiệm gì về vấn đề đó không? Cấp mình, ngành mình và chính mình đã làm hết trách nhiệm chưa?”. Trả lời được những câu hỏi đó sẽ không cong tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, đổ thừa cho cấp dưới, thay vào đó người lãnh đạo dũng cảm nhận trách nhiệm về mình, đối mặt với khó khăn và chủ động giải quyết.
Thưa quý vị đại biểu, quý khách dự,
“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước chân nhỏ bé”. Những bước chân cha ông hơn trăm năm trước mở cõi phương Nam. Những bước chân gần trăm năm trước đã đi vào những cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, đem lại hoà bình cho quê hương. Những bước chân của thế hệ cha anh 40 năm trước đã chinh phục Đồng Tháp Mười hoang sơ, khắc nghiệt, để hôm nay chúng ta có được mảnh Đất Sen Hồng thân yêu. Với tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào về quê hương, dù ở bất kỳ vị trí nào, dù có đi đâu về đâu, mỗi người chúng ta đều có bổn phận “tiếp bước”, chung tay vun bồi cho nơi mình sinh ra, trưởng thành, làm việc… Và, tất cả chúng ta đều tự hào “Tôi là công dân Đất Sen Hồng”! Chúng ta phải nung nấu cho mình khát vọng từ sự tự hào đó!
Xin cám ơn và xin chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý mạnh khoẻ, hạn phúc và thành công!