Đồng Tháp tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Sáng ngày 15 tháng 12 năm 2020, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương”. Đến dự và Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Chủ trì tại điểm cầu Đồng Tháp, Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh/Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật; cùng dự có đại diện các lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Tỉnh; Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện; một số tổ chức chính trị – xã hội cấp huyện và Công chức Tư pháp cấp xã.

Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp thông tin những nội dung cơ bản, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đồng thời các đại biểu đã trao đổi, thảo luận chia sẻ kinh nghiệm, cũng như những khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) từ đó phân tích, xác định các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật đang được triển khai hiệu quả tại bộ, ngành, địa phương; đề xuất, định hướng nghiên cứu nhân rộng để các bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo, áp dụng phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương triển khai 08 nội dung cơ bản như sau:

1. Xây dựng, trình Ban Thường vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và tổ chức thực hiện văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết chuyên đề về PBGDPL và kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL.

2. Rà soát, phát hiện, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về các quy định trong công tác PBGDPL; hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu bối cảnh của đất nước trong tình hình mới.

3. Tập trung ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội trên cơ sở lựa chọn các nội dung pháp luật phù hợp nhu cầu của các đối tượng đó và bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.

4. Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật bảo đảm tinh gọn, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết; huy động sự tham gia của các chuyên gia pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác PBGDPL; tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội, nguồn tài chính từ doanh nghiệp và xã hội hỗ trợ công tác PBGDPL.

5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy mạng xã hội, mạng viễn thông trong công tác PBGDPL; nghiên cứu, có lộ trình phù hợp thực hiện chuyển đổi số trọng công tác PBGDPL, xây dựng các diễn đàn đối thoại trực tuyến về chính sách pháp luật; sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hỏi đáp pháp luật.

6. Chỉ đạo và thực hiện công tác PBGDPL với công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huy động lực lượng công an, bộ đội biên phòng cùng vào cuộc.

7. Đổi mới về tư duy, nội dung, hình thức, cách làm trong công tác PBGDPL nhằm đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân; kết hợp giữa giáo dục pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật nhằm xây dựng thói quen tích cực, nét văn hóa trong chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

8. Sơ kết, tổng kết, động viên khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích trong PBGDPL; phát hiện và nhân rộng các mô hình PBGDPL có hiệu quả./.

Hải Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *