Ngày 16 tháng 6 năm 2020 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết tán thành thông qua Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Việc ban hành đã tạo ra nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện nay; góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thiết kế thành 4 Chương và 42 Điều, để quy định về phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý một số điểm như sau:
– Thứ nhất: trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại, bởi theo khoản 2 Điều 4 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép”.
– Thứ hai: không được bổ nhiệm cán bộ, công chức làm Hòa giải viên, bởi theo điểm b khoản 2 Điểu 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định, không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên đối với các trường hợp sau: “Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an”.
Thứ ba: quy định 07 trường hợp không tiến hành Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, bởi theo Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:
“- Yêu cầu đòi bồi thường
do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;
– Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo
đức xã hội;
– Đương sự đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì lý do chính đáng;
– Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;
– Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại;
– Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính;
– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01tháng 01 năm 2021.
NHT